Thống kê báo cáo tài chính quý III/2021 của gần 30 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng bình quân ở mức trung bình 1,76% (đến cuối tháng 9/2021). Con số này tăng nhẹ 0,06 điểm % so với đầu năm.
Trong đó, 67% số ngân hàng được thống kê có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng trong 9 tháng vừa qua.
VPBank dẫn đầu với tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng lên tới 4%, tăng so với mức 3,41% ghi nhận hồi đầu năm. Tổng nợ xấu của nhà băng này đến cuối tháng 9/2021 đạt 12.702 tỷ đồng, tương ứng tăng 28% so với đầu năm.
Tuy nhiên, nếu xét tại riêng ngân hàng mẹ, tỷ lệ nợ xấu của VPBank thậm chí giảm từ mức 2,52% xuống 2,28%.
Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVB) với tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng 2,94%, trong khi hồi đầu năm là 2,79%.
Ngoài ra, còn hàng loạt ngân hàng khác có tỷ lệ nợ xấu trên 2% như: ABB (2,9%); PGB (2,76%); VBB (2,65%); SHB (2,22%); EIB (2,18%); VIB (2,18%); VIB (2,12%); SGB (2,05%) và KLB (2%).
Phía cuối bảng xếp hạng về tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng là Techcombank (TCB) với 0,57%. Techcombank là nhà băng duy trì tỷ lệ nợ xấu thấp toàn ngành trong thời gian gần đây, dù vậy so với đầu năm tỷ lệ nợ xấu tại Techcombank đã tăng thêm 0,1%.
Xét về giá trị tuyệt đối, tổng nợ xấu của các ngân hàng được thống kê tại thời điểm cuối tháng 9 đã tăng tới 26% so với đầu năm, vượt 111.000 tỷ đồng.
Trong đó, NAB có mức tăng mạnh nhất lên tới gần 150%, đạt 1.894 tỷ đồng nợ xấu. 2 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh là Vietcombank (VCB) và VietinBank (CTG) đứng vị trí tiếp theo với mức tăng lần lượt là 108% và 90% so với đầu năm.
Tổng nợ xấu của Vietcombank và VietinBank đạt xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Riêng số nợ tăng thêm của hai "ông lớn" này lên tới trên 14.200 tỷ đồng, chiếm hơn 60% số nợ xấu tăng của gần 30 nhà băng được Dân Việt thống kê.
Dẫn đầu về quy mô nợ xấu là hiện nay là BIDV với 21.433 tỷ đồng, chiếm 1,61% tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Như vậy, quy mô nợ xấu của 3 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh gồm VietinBank, Vietcombank và BIDV tính đến hết tháng 9 trên 50.400 tỷ đồng, chiếm 44,6% tổng nợ xấu của các ngân hàng được thống kê.
Chiều ngược lại, giảm mạnh nhất là Kienlongbank (KLB) với số nợ xấu giảm tới 63%, xuống còn 697 tỷ đồng. KLB cũng là nhà băng có tỷ lệ nợ xấu biến động mạnh nhất trong 9 tháng vừa qua khi giảm "sốc" từ 5,42% xuống chỉ còn 2% tại ngày 30/9/2021.
Điều này là kết quả của việc xử lý các khoản nợ xấu được đảm bảo bởi cổ phiếu STB của Sacombank. Tuy nhiên, nếu so với cuối quý II, nợ xấu của Kienlongbank đã tăng thêm gần 190 tỷ đồng, kéo theo đó là tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ mức 1,43% lên 2%.
Cần có cải cách táo bạo với giao dịch mua bán nợ xấu
Tỷ lệ nợ xấu tăng do tác động của đại dịch Covid-19 là điều đã nằm trong dự báo của ngành ngân hàng, của các chuyên gia kinh tế. Dù vậy theo các chuyên gia, những con số kể trên vẫn chưa phản ảnh hết được con số nợ xấu thực tế của nền kinh tế do các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng trong thời gian qua.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nếu tính cả các khoản nợ không bị chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN thì tỷ lệ nợ xấu lên tới 7,21%. Cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu này chỉ ở mức 5,08%.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến tăng lên xấp xỉ 8%, và những hệ lụy của nó có thể kéo dài sang năm 2022.
Trong khi áp lực nợ xấu ngày càng gia tăng, việc xử lý nợ xấu cũng không thuận lợi do vướng những rào cản từ dịch bệnh. Trong khi đó, thị trường mua bán nợ chưa phát triển do điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ khá phức tạp, yêu cầu về vốn cao. Việc thu giữ tài sản vẫn phụ thuộc vào thiện chí của bên vay. Ngân hàng gặp nhiều khó khăn đối với khách hàng không hợp tác, cố ý chây ỳ trong việc bàn giao tài sản.
Từ thực tế, tại tọa đàm Trao đổi chính sách về xử lý nợ xấu do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với IFC vừa tổ chức, ông Darryl Dong – Chuyên gia tài chính trưởng IFC cho biết, Việt Nam cần có cải cách táo bạo với giao dịch mua bán nợ xấu, nhất là sự tường minh trong các chính sách.
Theo đó, để thu hút nhà đầu tư mua bán nợ xấu nên bỏ yêu cầu cần có sự đồng ý của bên vay (chủ sở hữu tài sản) khi xử lý tài sản đảm bảo; có chính sách ưu đãi khuyến khích giao dịch mua bán nợ xấu… Đơn cử, tại Philippines, Chính phủ nước này không chỉ có Luật mua bán nợ xấu mà còn có ưu đãi miễn thuế đối với giao dịch mua bán nợ xấu...
"Trên thế giới, 65% tài sản đảm bảo được xử lý thông qua cơ chế đàm phán thương lượng, trong khi đó tại Việt Nam việc thực hiện quyền chủ nợ thông qua pháp lý khó khăn, phức tạp, cồng kềnh tốn kém. Nhất là việc nhà đầu tư mua khoản nợ xấu kèm tài sản phải xin phép, cần sự đồng thuận khách hàng mới thu giữ được tài sản đảm bảo. Điều này khiến cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn chỉ đang quan sát thị trường Việt Nam.
Không chỉ Việt Nam, Trung Quốc cũng là một trường hợp tương tự. Tuy nhiên, hiện tại quốc gia này đã sửa lại những quy định kể trên, thay vì phải xin phép, người mua chỉ cần thông báo đến chủ tài sản. Sự thay đổi này đã thu hút ngay sự quan tâm của nhà đầu tư đối với khoản nợ xấu", vị chuyên gia này thông tin.