Trong khi câu chuyện lùm xùm liên quan đến việc BH Media tung "gậy bản quyền" (xác nhận quyền sở hữu) đối với bản ghi âm ca khúc Giấc mơ trưa của nhạc sĩ Giáng Son, Tiến quân ca – Quốc ca Việt Nam của cố nhạc sĩ Văn Cao… trên YouTube chưa đi đến hồi kết, đang gây nhiều bất bình trong dư luận thì mới đây BH Media lại tiếp tục bị NSND Thu Hiền "tố" đã mạo danh bà lập kênh "NSND Thu Hiền" trên YouTube hòng kiếm lợi. Ngoài ra, đơn vị này còn tự ý đưa các sản phẩm âm nhạc của NSND Thu Hiền lên khai thác và xác nhận quyền sở hữu mà chưa được phép của bà.
Chia sẻ với Dân Việt, NSND Thu Hiền cho biết: "Mấy tháng qua, tôi lẫn gia đình hết sức bức xúc và phẫn nộ trước hành vi mạo danh và tự ý lấy sản phẩm âm nhạc của tôi để thu lợi trên YouTube của BH Media. Việc này đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng do tôi vốn không am hiểu về công nghệ, các con lại ở nước ngoài nên không hề hay biết.
Chỉ khi mới đây, con gái tôi đăng bài hát của tôi lên YouTube thì bị báo cáo vi phạm bản quyền, lúc đó chúng tôi mới biết. Khi phát hiện ra sự việc này tôi lẫn gia đình tôi đều rất sốc. Mình là nghệ sĩ thể hiện ca khúc, là người bỏ tiền ra làm sản phẩm âm nhạc đó mà giờ đăng tải lên lại bị đánh "gậy bản quyền".
Nghiêm trọng hơn, họ còn mạo danh tôi để trả lời các bình luận của khán giả trên kênh do chính họ lập ra. Đó là một hành vi bất chấp mà tôi không thể chấp nhận được. Việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và danh dự của một người nghệ sĩ như tôi – một nghệ sĩ cả đời cống hiến cho nghệ thuật nước nhà và ra sức giữ gìn hình ảnh trong mắt công chúng".
NSND Thu Hiền bộc bạch thêm rằng, thế hệ nghệ sĩ của bà luôn rộng rãi với những ai yêu quý âm nhạc của mình. Bà chưa bao giờ gây khó dễ với ai khi muốn sử dụng âm nhạc của bà cho các dự án nghệ thuật hoặc các dự án cộng đồng, chỉ cần xin ý kiến của bà là được. Nhưng BH Media đã không những không xin phép bà lại còn mạo danh lập một kênh YouTube mang tên bà mấy năm trời để thu lợi.
"Tôi thật sự không thể hiểu vì sao một công ty như BH Media lại có những hành xử xem thường pháp luật, xem thường nghệ sĩ đến vậy. Nhiều người gọi đây là hành vi ăn cắp – ăn cướp cũng không hề sai. Họ đã bất chấp mọi thứ, lấy âm nhạc của tôi để kinh doanh, nghĩa là họ đang kiếm tiền trên xương máu của tôi. Tôi không thể nào tha thứ cho hành vi này và sẽ làm tới cùng dưới góc độ pháp lý", NSND Thu Hiền bức xúc.
Chia sẻ thêm với Dân Việt, chị Hoàng Thanh Phương – con gái ruột của NSND Thu Hiền cho biết, chị là người được NSND Thu Hiền ủy quyền quản lý các tác phẩm âm nhạc của mẹ mình. Vì thế, chị nắm rất rõ việc mẹ mình chưa hề có bất kỳ giao kèo hoặc ký kết nào với bên BH Media về việc lập kênh YouTube mang tên "NSND Thu Hiền" và cho phép họ khai thác các bài hát do NSND Thu Hiền thể hiện để thu lợi.
Và như vậy, nghĩa là hành vi tự tiện lấy âm nhạc cũng như mạo danh NSND Thu Hiền để lập kênh YouTube của BH Media là hoàn toàn trái phép.
"Sau khi phát hiện ra sự việc, chúng tôi đã report (báo cáo vi phạm) hành vi sai phạm của BH Media lên YouTube. Và sau đó, phía đơn vị này có liên hệ lại với tôi nhưng thái độ rất thiếu sự cầu thị, thậm chí có thể nói là cố tình quanh co, lấp liếm. Tôi có yêu cầu bên BH Media phải ngay lập tức đóng kênh "NSND Thu Hiền" trên YouTube lại.
Ngoài ra, phải cho tôi biết, bài hát nào BH Media mua từ các đơn vị phát hành âm nhạc và thu được bao nhiêu tiền từ các sản phẩm nhạc của mẹ tôi. Nhưng họ không đóng kênh mà chỉ đổi sang một tên khác và vẫn giữ nguyên những bài hát của mẹ tôi để tiếp tục khai thác.
Nói thật, chúng tôi không có nhu cầu đi kiện BH Media để đòi lại số tiền họ đã thu được từ việc kinh doanh bài hát của NSND Thu Hiền trên YouTube nhiều năm qua. Nhưng chúng tôi sẽ kiện tới cùng để lấy lại công bằng cho mẹ tôi. Vì họ đã mạo danh tên tuổi mẹ tôi trong nhiều năm liền và còn đóng vai NSND Thu Hiền để trả lời bình luận của khán giả.
Lỡ may trong những bình luận ấy, có gì đó nhạy cảm chính trị thì có phải sự nghiệp nghệ thuật bao nhiêu năm gầy dựng của mẹ tôi tiêu tan không? Thêm nữa, họ đã tự tiện lấy các sản phẩm âm nhạc do mẹ tôi tâm huyết và bỏ tiền tạo ra để khai thác và đánh "gậy bản quyền". Mọi người có thấy vô lý và uất ức không khi NSND Thu Hiền là chính chủ của bản ghi âm đó giờ muốn đăng tải lên liền bị báo cáo vi phạm, không thể đăng lên được.
Chúng tôi đang nhờ phía luật sư tư vấn các thủ tục pháp lý để đi đến cùng sự việc này. Sau khi chuyện được giải quyết ổn thỏa, tôi sẽ lập một kênh chính thức của NSND Thu Hiền và cho mọi người nghe âm nhạc của bà miễn phí, không khai thác quảng cáo và cũng không thu lợi dưới bất kỳ hình thức nào. Đó là tâm nguyện của mẹ tôi và cũng là tâm nguyện của cả gia đình", chị Hoàng Thanh Phương nhấn mạnh.
Trước sự việc này, phóng viên Dân Việt đã liên hệ với phía BH Media để tìm câu trả lời nhưng người đại diện truyền thông của BH Media xin trả lời bằng văn bản vào thời gian thích hợp.
Liên quan đến câu chuyện này, chia sẻ với Dân Việt, Luật sư Trần Anh Dũng cho biết, trong câu chuyện này, có 2 vấn đề cần làm rõ. Thứ nhất, khi hợp tác với đơn vị sản xuất âm nhạc, NSND Thu Hiền đã ký những điều khoản gì, có ủy quyền cho đơn vị sản xuất âm nhạc được phép ký kết với một bên thứ ba để phát hành và khai thác âm nhạc trên nền tảng số hay không.
Nếu có ký kết thì theo Điều 34 của Luật Sở hữu trí tuệ, thời hạn bảo hộ có hiệu lực trong vòng 50 năm. Và mặc dù vậy, khi đơn vị sản xuất âm nhạc ký kết với một đơn vị thứ ba thì họ cũng phải xin ý kiến của NSND Thu Hiền.
Thứ hai, NSND Thu Hiền có trao hết quyền của mình cho đơn vị sản xuất âm nhạc hay không? Theo quy định tại Điều 29 của Luật Sở hữu trí tuệ, quyền của người biểu diễn tức là quyền của NSND Thu Hiền sẽ rất nhiều.
Người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư thì có các quyền nhân thân và các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn; trong trường hợp người biểu diễn không đồng thời là chủ đầu tư thì người biểu diễn có các quyền nhân thân và chủ đầu tư có các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn.
Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây: Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn; Bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.
Quyền tài sản bao gồm độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây: Định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên bản ghi âm, ghi hình; Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình;
Phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn của mình chưa được định hình mà công chúng có thể tiếp cận được, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng; Phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao cuộc biểu diễn của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các quyền quy định tại khoản 3 Điều này phải trả tiền thù lao cho người biểu diễn theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong trường hợp pháp luật không quy định.
Trong khi đó, theo Điều 30 của Luật Sở hữu trí tuệ, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình chỉ giới hạn ở việc thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền: Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình của mình; Nhập khẩu, phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
Như vậy, về khía cạnh Dân sự, NSND Thu Hiền hoàn toàn có thể khởi kiện được BH Media.
Vấn đề phía bên BH Media tự ý lập ra một kênh mang tên "NSND Thu Hiền" trên YouTube, NSND Thu Hiền cũng có quyền khởi kiện Dân sự về sự việc này vì họ đã mạo danh mình để làm những điều mình không cho phép. Theo Luật Dân sự, NSND Thu Hiền được phép bảo vệ hình ảnh và tên tuổi của mình.
Cái này rõ ràng là họ đang lấy hình ảnh và tên tuổi của mình để kinh doanh. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quyền nhân thân đã được quy định rõ trong Luật Dân sự.
Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.