Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
Chủ nhật, ngày 07/11/2021 06:00 AM (GMT+7)
Trong chiến tranh Việt Nam, ngoài viện trợ các loại vũ khí, khí tài, đưa nhiều chuyên gia quân sự trong các lĩnh vực sang huấn luyện, Liên Xô còn quan tâm đến việc thu thập vũ khí của Mỹ do QĐND Việt Nam thu được để bắt chước hoặc tìm cách chế ngự, hóa giải.
Tháng 8/1965, trong cuộc hội đàm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thứ trưởng Quốc phòng Trần Sâm, Đại sứ Liên Xô L.I. Sécbacốp và chuyên viên quân sự Liên Xô tại Việt Nam Ivanốp đề nghị nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt hợp tác cùng Liên Xô tìm hiểu tính năng kỹ thuật, chiến thuật, cách chế tạo và phương pháp sử dụng những loại vũ khí, trang bị quân sự của Mỹ đã và đang sử dụng ở Việt Nam.
Đề nghị này được Việt Nam chấp thuận và Tổng cục 10, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Liên Xô đã thành lập nhóm chuyên gia khoa học quân sự sang Việt Nam thu nhặt chiến lợi phẩm.
Tháng 10/1965 đoàn đầu tiên sang Việt Nam gồm các chuyên viên cao cấp của Học viện Quân sự và Viện nghiên cứu Khoa học Bộ Quốc phòng, các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế ngành công nghiệp quốc phòng, chuyên gia điện tử, thiết bị dẫn đường và thông tin liên lạc.
Từ năm 1965-1974, đã có 40 chuyên gia sang Việt Nam thực hiệm nhiệm vụ. Tính từ tháng 5/1965 đến tháng 31/12/1974, đoàn khoa học quân sự Liên Xô đã thu thập và gửi về nước trên 8.000 các loại mẫu trang bị và kỹ thuật quân sự của Mỹ, trong đó có các loại đạn dược, các bộ phận máy bay, tên lửa, các thiết bị trinh sát vô tuyến điện tử và thiết bị chụp ảnh.
Trên cơ sở những dữ liệu thu thập được, các chuyên gia quân sự Liên Xô đã biên soạn thành các tài liệu, đưa ra những đề xuất điều chỉnh các loại vũ khí của Liên Xô có tính năng phù hợp hoặc vượt trội chống lại vũ khí của Mỹ.
Các thuyết minh và mẫu vật được nhóm chuyên gia gửi về Liên Xô cũng đã góp phần cải tiến các loại vũ khí, khí tài đang sử dụng trên chiến trường Việt Nam, “cho phép giảm đáng kể chi phí và thời gian nghiên cứu sản xuất những vũ khí tương tự, thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng Xô-Viết phát triển nhanh chóng”.
Hai lần hú vía
Trong 9 năm ở Việt Nam của nhóm thu nhặt vũ khí Mỹ có nhiều câu chuyện đáng nhớ. Trong cuốn “Chiến tranh Việt Nam là thế đó (1965-1973)” (NXB Chính trị Quốc gia năm 2007), Thượng úy kỹ sư Anôxốp Alếchxanđrơ Mikhailôvích sang Việt Nam từ tháng 12/1967 kể rằng: “Chúng tôi có đủ việc để làm, không có lúc nào nhàn rỗi để buồn. Đoàn chúng tôi đôi lúc còn được gọi bằng một từ không lấy gì thú vị cả “Đội quân chiến lợi phẩm”, lúc đó ở Việt Nam người ta đã gọi chúng tôi là “Sư đoàn hoang dã”.
Nhóm chỉ có mấy người nằm ở trong một căn phòng tại Đại sứ quán Liên Xô (số 50 phố Trần Phú, Hà Nội). Theo A.A Mikhailôvích, trong bãi đất trống của sứ quán có một chiếc rơ moóc, trên rơ moóc có “cái gì đó” được phủ bạt kín mít.
Rồi một nhân viên sứ quán nói rằng, đó là động cơ tên lửa không đối đất Sraicơ (tiếng Anh là Shirke, ký hiệu AGM-45) của quân đội Mỹ. Động cơ của tên lửa này vẫn còn nguyên vì chiếc máy bay bị bắn hạ rơi xuống đầm lầy khi chưa kịp phóng xuống mục tiêu. Do tên lửa nặng và cồng kềnh nên lúc đó chưa đưa được về Mátxcơva.
Nhiệm vụ đặt ra cho “Đội quân chiến lợi phẩm” là phải lấy được mẫu nhiên liệu của tên lửa này từ bên sườn hoặc phía sau, chỗ nhiên liệu còn nguyên vẹn. Việc lấy chất nổ trong quả tên lửa vô cùng nguy hiểm vì khi đó họ không có phương tiện bảo hộ tính mạng, không có thiết bị chuyên dụng, chỉ có dao, tuốc nơ vít và búa. Nhóm thực hiện công việc hết sức cẩn thận.
Và hôm đó, cũng như mọi khi, hai chuyên gia sau một tiếng rưỡi đồng hồ hì hục thì bất ngờ có tiếng rít và một tiếng rầm. Động cơ trên rơ moóc lăn xuống đất, bên sườn phát ra một tia lửa sáng trắng. Khói mù mịt che kín hai chuyên gia. Thật may cho họ bởi số nhiên liệu khô không còn nhiều và ngay sau đó lửa đã tắt, chiếc rơ moóc bị cháy rụi.
Đám cháy đã tạo ra một cột khói đen bay lên trời. Vì thấy cột khói đen nên dân phòng gần đó đã đánh kẻng báo động. Không lâu sau đó, ngoài tòa đại sứ các xe chữa cháy của Việt Nam đã xuất hiện.
Rồi một chiếc thang bắc qua tường. Rất may một trong hai người chỉ bị cháy cái áo vest. Tối hôm đó, trưởng nhóm bị đại sứ L.I.Sécbacốp triệu lên gặp. Khi trở về phòng mặt ông buồn xỉu, nhưng không tiết lộ nội dung với nhân viên.
Trong “Đội quân chiến lợi phẩm” khi đó chủ yếu là trẻ tuổi chỉ có vài người lớn tuổi trong đó có Xêmenức, một người hiền lành, rất dễ chịu, ông là chuyên gia về tất cả các loại đạn dược. Trong góc căn buồng của nhóm có một cái két hai ngăn và cạnh đó có hai cái hòm.
Cái két và hai cái hòm chứa đủ mọi thứ do các đoàn trước để lại. Lúc rảnh việc, Xêmenức thường lục lọi tìm kiếm và một lần ông tìm được một cái kíp nổ trông giống như chiếc xi lanh có đuôi mà lần đầu tiên ông nhìn thấy. Ông định cưa để bóc lớp vỏ bọc bên ngoài nhưng không có cưa nên ông đã dùng đục.
Và bất ngờ một tiếng nổ đanh khiến cả sứ quán nhớn nhác và Xêmenức xuất hiện, ông cười gượng. Ông băng mấy ngón tay trái bằng một chiếc khăn tay. Dù sao ông cũng còn may không bị mất ngón tay nào. Chiều hôm đó trưởng nhóm được đại sứ triệu đến khiển trách.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.