BH Media có nhập nhằng khái niệm để trục lợi bản quyền?

Yên Phong Chủ nhật, ngày 07/11/2021 08:25 AM (GMT+7)
Cho dù luôn khẳng định BH Media đã ký hợp đồng với Hồ Gươm Audio trong việc phát hành các bản ghi ca khúc "Giấc mơ trưa" (NS Giáng Son) và "Tiến quân ca" (NS Văn Cao) song cho tới giờ, BH Media vẫn chưa đưa ra những giấy tờ này.
Bình luận 0

BH Media có thật sự nắm quyền phát hành bản ghi "Tiến quân ca" trên Youtube?

Sau khi chương trình Chuyển động 24h (VTV24) đăng tải thông tin cho rằng công ty BH Media "nhận vơ" bản quyền ca khúc Tiến quân ca, đơn vị này lập tức đưa ra thông cáo báo chí gay gắt khẳng định: "Chúng tôi chỉ là đơn vị được ủy quyền cho quản lý và phát hành bản ghi Tiến quân ca trên YouTube. Bản ghi này không bật nút kiếm tiền và để cho người dùng sử dụng miễn phí. BH Media sẽ có những hành động pháp lý để bảo vệ tổ chức của mình. Công ty sẽ tặng một tỷ đồng cho người chứng minh BH Media kinh doanh bản ghi Tiến quân ca".

BH Media có nhập nhằng khái niệm để trục lợi bản quyền? - Ảnh 1.

Ca khúc "Tiến quân ca" của nhạc sĩ Văn Cao. (Ảnh: TP)

Thông báo của BH Media đã khiến nhiều người thuộc giới chuyên môn… hoang mang bởi tính chính xác của phát ngôn này. Theo nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường, tác giả của ca khúc "Hoa nở không màu", xác suất đơn vị này làm đúng chỉ khoảng 0,01%, đó là khi hai trường hợp sau đây diễn ra:

"Thứ nhất, Hồ Gươm Audio sẽ là chủ sở hữu hợp pháp bản ghi Tiến quân ca trong trường hợp cố nhạc sĩ Văn Cao, bằng một cách kỳ diệu nào đó đã ký một loại giấy tờ xác nhận chuyển nhượng và cho phép Hồ Gươm Audio được thực hiện bản phái sinh (trước năm 2016).

Hoặc hy hữu hơn, là trường hợp nhà nước cho phép Hồ Gươm Audio toàn quyền sử dụng ca khúc Tiến quân ca để sản xuất và khai thác (sau năm 2016). Ai cũng hiểu cả 2 trường hợp trên đều không thể xảy ra.

Việc BH Media nói rằng, bản ghi Tiến quân ca do Hồ Gươm Audio sản xuất thì họ là chủ sở hữu và được phép uỷ quyền cho BH Media khai thác, như thế là sai. Nói một cách dễ chịu thì Hồ Gươm Audio chỉ có quyền liên quan chứ không bao gồm quyền tác giả.

BH Media có nhập nhằng khái niệm để trục lợi bản quyền? - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường. (Ảnh: FBNV)

Một cá nhân hoặc một đơn vị sản xuất, khi không cầm trên tay một loại giấy tờ (hợp đồng bản quyền hoặc hợp đồng chuyển nhượng bản quyền) có chữ ký của chính người tác giả thì trên cơ bản là họ không được phép làm bất kỳ điều gì đối với tác phẩm đó, chứ chưa nói tới việc khai thác kinh doanh" – nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường khẳng định.

Trước đó, chia sẻ với PV Dân Việt, nhạc sĩ Đức Trí - người có nhiều kinh nghiệm trong việc phát hành nhạc trên Youtube cũng đưa ra câu hỏi về bản hợp đồng của BH Media với Hồ Gươm Audio trong việc phát hành các bản ghi: "Tới giờ, công ty BH Media vẫn chưa đưa ra những bản hợp đồng này để rộng đường dư luận. 

Trong khi đó, không loại trừ khả năng hợp đồng của BH Media với Hồ Gươm Audio không bao gồm quyền phát hành các tác phẩm trên môi trường số, mà chỉ dưới dạng băng đĩa truyền thống. Nếu vậy, việc đơn vị này xác nhận bản quyền trên Youtube là hoàn toàn không thỏa đáng".

Cần hiểu đúng cách thức hoạt động của Youtube

Sáng ngày 7/11, trao đổi với PV Dân Việt, anh Nguyễn Hồ Hải Long – Chuyên gia về Quản lý bản quyền trên Youtube, Đơn vị phân phối âm nhạc VieEnt cho rằng, việc một đơn vị/cá nhân xác nhận bản quyền đối với bản ghi ca khúc Tiến quân ca là hoàn toàn có thể xảy ra, do quyền tác giả và quyền bản ghi là hai khái niệm khác biệt: "Tuy Tiến quân ca là ca khúc đã hiến tặng cho nhà nước và nhân dân nhưng nếu một người yêu thích ca khúc này, sau khi đã được phép của tác giả, tới phòng thu để sản xuất, ghi âm thì họ vẫn là chủ sở hữu của bản ghi đó

Họ chỉ sai trong trường hợp phát hành, xác nhận bản quyền bản ghi, trong khi bản ghi không phải của họ (chưa được uỷ quyền từ đơn vị sản xuất bản ghi), hoặc chưa được sự chấp thuận của tác giả".

BH Media có nhập nhằng khái niệm để trục lợi bản quyền? - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Hồ Hải Long – Chuyên gia về Quản lý bản quyền trên Youtube. (Ảnh: NVCC)

Khi được hỏi về vấn đề: "Những ca khúc của nhà nước nhưng vẫn bị nhận là sở hữu bản quyền của bên khác, đây có phải hành vi tư hữu trái phép hay không", anh Hải Long khẳng định: "Tất cả đơn vị khi đăng ký bản quyền với Youtube đều thông qua hợp đồng với đối tác, vấn đề ở đây là họ và đối tác có thật sự làm việc với nhau để chắc chắn các sản phẩm của đối tác gửi cho họ là độc quyền? 

Nếu đơn vị nhà nước, chủ sở hữu, nghệ sỹ thật sự tin rằng mình có toàn quyền với những sản phẩm đã được đăng ký có thể thông qua một đơn vị bảo vệ bản quyền để đăng ký bản quyền và đồng thời gửi khiếu nại đến đơn vị đang lạm dụng công cụ Content ID đến Youtube.

Youtube luôn có quy chế xung đột về bản quyền ví dụ: Vào năm 2005 - Anh A đăng ký sở hữu bộ phim, nhạc phim "ABC" với Youtube tuy nhiên vào 2006 - Anh B cũng đăng tải bộ phim, nhạc phim "ABC" với Youtube thì lúc này trên hệ thống Content ID tài sản này sẽ bị vào trạng trái "xung đột" và bắt buộc 2 bên phải giải quyết trong vòng 30 ngày. Nếu vấn đề không được giải quyết sau 30 ngày, Youtube sẽ tiến hành xử lý đối với đơn vị lạm dụng công cụ.

Đối với các đơn vị bản quyền được uỷ quyền sử dụng công cụ Content ID, Youtube luôn có quy định về số lần vi phạm, các đơn vị này sẽ bị cảnh cáo hoặc mất quyền sử dụng công cụ Content ID nếu vi phạm, lạm dụng".

Cũng theo anh Nguyễn Hồ Hải Long, để đảm bảo bản quyền và tránh bị lạm dụng, trục lợi từ chính sản phẩm của mình, chủ sở hữu bản quyền, nghệ sỹ cần phải nắm được các quyền cơ bản:

"Có 3 quyền nếu liệt kê một cách đơn giản, dễ hiểu là quyền tác giả và quyền bản ghi âm, quyền bản ghi hình. Để thật sự bảo vệ bản quyền trong thời đại 4.0, chủ sở hữu cần tìm đến các trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả như VCPMC (để bảo vệ quyền tác giả), các đơn vị phân phối và bảo vệ bản quyền âm nhạc (để bảo vệ quyền bản ghi âm, ghi hình). 

Tất cả các sản phẩm của chủ sở hữu bản quyền sẽ được số hoá và đăng ký, rà soát trùng lặp trên toàn thế giới và việc đăng ký, rà soát và phân phối này giúp cho các sản phẩm của chủ sở hữu không bị lạm dụng cũng như đem lại doanh thu cho chủ sở hữu.

Sau khi một đơn vị đã đăng ký bản quyền, tất cả những video khác đăng tải lên Youtube chỉ cần sử dụng từ 5 - 15s trùng khớp với đoạn ghi âm, ghi hình đã sẽ bị thông báo bản quyền bởi hệ thống Content ID kèm theo thông tin của đơn vị đăng ký bản quyền, đây là cơ chế quét tự động của Youtube. 

Khi bị thông báo bản quyền, phía Youtube có một quy trình để người nhận thông báo có thể "kháng nghị" nếu cho rằng thông báo vi phạm bản quyền này không đúng. Khi nhận được "kháng nghị" trong vòng 30 ngày, đơn vị đăng ký bản quyền phải giải quyết vấn đề này cho người nhận thông báo bản quyền.

Do đó, để tránh vấn đề này xảy ra sẽ có 2 câu hỏi được đặt ra cho đơn vị bản quyền và đối tác:

1. Các đơn vị bản quyền khi ký kết với các đối tác (nghệ sỹ, công ty phân phối băng đĩa, chủ sở hữu bản quyền,...) có thật sự nghiêm túc tiến hành rà soát bản quyền của đối tác để tránh đưa lên hệ thống Content ID các sản phẩm mà chưa chắc chắn rằng đối tác sỡ hữu độc quyền hoặc đã theo nguyên tắc sử dụng Content ID của Youtube hay chưa?

2. Các đối tác khi ký kết với các đơn vị bản quyền đã tiến hành kiểm tra lại toàn bộ bản ghi âm, ghi hình của mình về sở hữu độc quyền trước khi gửi để đăng ký bản quyền hay chưa?

BH Media có nhập nhằng khái niệm để trục lợi bản quyền? - Ảnh 4.

Nguyên tắc sử dụng Content ID. (Ảnh: Youtube)

Chính việc chưa kiểm tra kỹ về độc quyền đã dẫn đến các trường hợp hệ thống Content ID nhận bản quyền tràn lan và chính chủ sở hữu lại bị đánh bản quyền trên chính video của mình. Đây là vấn đề thật sự không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà cả ở các nước khác. 

Cũng bởi vậy, Youtube luôn có quy trình kháng cáo để các bên giải quyết xung đột về bản quyền với nhau. Điều quan trọng là cả Đơn vị bản quyền, Đối tác, Người sử dụng đều hiểu cách thức hoạt động để cùng nhau giữ cho vấn đề bản quyền số trên internet thật sự đúng đắn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem