Theo thống kê của đơn vị này, trong ngày đầu tiên (6/11) có 109 lượt đoàn tàu, chở 25.680 lượt khách; ngày thứ hai (7/11) có 141 lượt đoàn tàu, chở 54.121 lượt.
Từ con số thống kê cho thấy, số khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông trong ngày thứ 2 tăng gấp đôi so với ngày đầu tiên, trung bình đạt 383 khách/đoàn tàu, bằng gần 40% công suất chở khách của mỗi đoàn tàu (960 khách).
Sau khi hết 15 ngày miễn phí vé tàu Cát Linh - Hà Đông cho hành khách, đơn vị vận hành sẽ mở bán vé tương đương vé xe buýt khoảng 7 nghìn đồng và cứ đi 1km sẽ cộng thêm 600 đồng.
Đối với người đi vé tháng thì đi bao nhiêu sẽ trừ bấy nhiêu. Đối với hành khách đi vé lượt thì sẽ làm tròn đi 1 ga là 8 nghìn đồng, thêm một ga là 9 nghìn đồng và đi cả tuyến là 15 nghìn đồng.
Vé tháng bình thường là 200 nghìn đồng, còn vé tháng ưu tiên là 100 nghìn đồng. Vé tháng của tàu Cát Linh – Hà Đông có tính ưu việt sử dụng trong 30 ngày, mua ngày nào thì sẽ tính đến ngày mua vé của tháng sau và có vé ngày. Đường sắt Cát Linh – Hà Đông có 651 nhân sự được đào tạo nghiệp vụ cho các vị trí để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Dọc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 55 tuyến xe buýt đã có phương án kết nối với đường sắt này từ năm 2020. Ga đầu Cát Linh và ga cuối Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt, ga ít nhất 7 tuyến. Trong tương lai sẽ có 59 tuyến xe buýt kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Tuy nhiên, hạ tầng hiện nay không có chỗ để gửi ôtô, song với 12 ga sẽ có 12 điểm cho phép người dân được gửi xe máy, xe đạp. Người dân muốn tiếp cận metro có thể phải đi bộ 200 - 400 m.