Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, về điều chỉnh quy hoạch đất lúa và các loại đất rừng, trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất và ban hành Nghị quyết Phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
Trong đó, xác định rõ diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và chỉ tiêu được phép chuyển mục đích trên sang mục đích phi nông nghiệp để phát triển kinh tế xã hội.
Nhưng khi triển khai thực hiện đến mỗi dự án mỗi công trình cần chuyển 10ha lúa, 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng 50ha đất rừng sản xuất thì một lần nữa lại phải xin ý kiến các bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ. Thực tế việc làm này làm chậm tiến độ cho việc thực hiện các dự án đầu tư.
Đại biểu Nam đề nghị tháo gỡ cơ chế trong lĩnh vực đất đai, tạo điều kiện đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Theo đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh áp dụng cơ chế đặc thù để chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng theo đúng quy định, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt mà không phải xin ý kiến các Bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ lần thứ hai.
Đối với việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm, nông nghiệp, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) nhận thấy vấn đề này đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm, có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo hành lang pháp lý để các công ty lâm, nông nghiệp sắp xếp lại quy mô tổ chức, đổi mới quản trị doanh nghiệp, phát huy hiệu quả nguồn lực, đóng góp quan trọng quá trình phát triển nền kinh tế quốc dân, đảm bảo trật tự xã hội.
Kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định 118/2015/NĐ-CP đã cho thấy tỷ lệ các công ty nông, lâm nghiệp trong cả nước sắp xếp lại cao so với nhiệm vụ sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước hiện nay.
Tuy nhiên, theo đại biểu, vẫn còn không ít các công ty chưa thực hiện được bởi gặp nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật.
Xác định đây là nội dung rất quan trọng trong hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, gắn với các chủ trương lớn của Đảng và có ý nghĩa hết sức to lớn đối với các địa phương ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, trong đó có Tây Nguyên, đại biểu đề nghị trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, Chính phủ cần đề cập rõ nhiệm vụ, giải pháp đối với vấn đề này.
Từ đó, sớm hoàn thiện và ban hành các thể chế, chính sách pháp luật, tháo gỡ cho các địa phương thực hiện tốt Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 82-KL TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 984/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đại biểu Nguyệt, Chính phủ cần điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật tại Nghị định 118/2014/NĐ-CP, Nghị định 168/2016/NĐ-CP, các quy định thực hiện Luật Phá sản, Luật Doanh nghiệp nhằm đảm bảo tính đồng bộ, giải quyết được nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra và theo hướng nên mở rộng các loại hình sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp, mở rộng đối tượng áp dụng khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước cho các doanh nghiệp sau khi chuyển đổi.
Đại biểu tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Chính phủ cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên được phép chuyển đổi cải tạo rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt, đất lâm nghiệp sang trồng cây công nghiệp, dược liệu để các công ty đảm bảo phương án sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có chính sách tăng mức hỗ trợ khoán quản lý, bảo vệ cho phù hợp với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng hiện nay.
Kết hợp điều chỉnh các quy định pháp luật với việc sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp với các yêu cầu sửa đổi, điều chỉnh Luật Đất đai tạo sự đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.