Đại biểu QH: Chưa hết dịch Covid-19, giá phân bón, giá thức ăn chăn nuôi tăng vọt, nông dân khổ quá

Trần Quang Thứ hai, ngày 08/11/2021 10:20 AM (GMT+7)
Tại buổi thảo luận về kế hoạch phát triển KT-XH và công tác phòng chống dịch sáng 8/11, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cho hay: Từ đầu năm 2021 đến nay giá phân bón và nhiều mặt hàng thiết yếu không ngừng tăng cao, đẩy nông dân vào thế đã khổ nay càng thêm khổ.
Bình luận 0
ĐBQH Trần Thị Thanh Hương: Giá vật tư đầu vào tăng vọt đẩy nông dân vào thế đã khổ nay càng thêm khổ - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho biết, từ đầu năm đến nay, giá phân bón, giá thức ăn chăn nuôi và các mặt hàng thiết yếu tăng vọt.

Giá phân bón, giá thức ăn chăn nuôi tăng tới 60 - 80%

Giá phân bón, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất của nông dân là một trong những vấn đề bức xúc đại biểu Trần Thị Thanh Hương nêu trong phiên thảo luận của Quốc hội sáng nay, 8/11. 

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho biết, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn phải đối mặt với nền nông nghiệp bất ổn nên bà con cử tri, trong đó có An Giang luôn trăn trở với việc tìm giải pháp phát triển kinh tế nông thôn bền vững nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn.

Đất đai là yếu tố đầu vào quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, tập trung đất đai được coi là một công cụ, điểm xuất phát cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn bên cạnh đầu tư cho khoa học công nghệ. 

Tuy nhiên, đất đai của chúng ta hiện nay manh mún , phân tán gây ra nhiều hạn chế trong phát triển nông nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp.

Theo thống kê hiện nay chỉ có 26% số hộ có từ 0,5 đến 2ha, trong khi đó có 63% hộ có diện tích đất nhỏ hơn 0,5ha. Ngoài ra, có nhiều hộ đất mảnh nằm rải rác ở các gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.

"Muốn sản xuất lớn cần có chính sách lớn", đại biểu Hương nói và cho biết, việc sớm sửa đổi Luật Đất đai nhằm tạo điều kiện cho người nông dân, các tổ chức dần hình thành những đơn vị sản xuất có quy mô lớn. 

Đồng thời tăng cường liên kết thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giá trị trong nền sản xuất nông nghiệp là nguyện vọng của các cử tri. Đề nghị Quốc hội quan tâm sớm triển khai thực hiện.

Liên quan đến đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho hay: Từ đầu năm 2021 đến nay giá phân bón và nhiều mặt hàng thiết yếu không ngừng tăng cao, vô hình chung đẩy người nông dân vào thế đã khổ nay càng thêm khổ.

"Từ đầu năm đến nay, giá phân bón và các mặt hàng thiết yếu đầu vào tăng vọt. Đơn cử như giá phân bón trong nước cũng như nhập khẩu đều tăng cao, trung bình các mặt hàng tăng giá từ 60-80% và dự báo sẽ còn tăng cao không chỉ giá phân bón mà cả mặt hàng thức ăn chăn nuôi" - ĐB Hương nêu một thực tế.

ĐBQH Trần Thị Thanh Hương: Giá vật tư đầu vào tăng vọt đẩy nông dân vào thế đã khổ nay càng thêm khổ - Ảnh 2.

Nông dân xã Tam Phước, huyện Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu) bón phân kali kết hợp urê cho cây lúa. (Ảnh: Báo BRVT).

Sớm có chính sách hạ giá phân bón, giá thức ăn chăn nuôi

Trong bối cảnh giá các vật tư đầu vào liên tục tăng cao thì giá sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi lại rất bấp bênh đặt ra nhiều thách thức cho người nông dân trong việc tiếp tục duy trì sản xuất.

"Vấn đề này ảnh hướng rất lớn nên an ninh lương thực của khu vực và sự phát triển của khu vực ĐBSCL cũng như An Giang trong thời gian tới", đại biểu Hương khuyến cao và đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cũng như các bộ ngành trung ương quan tâm và trước mắt có giải pháp hạ giá phân bón nói riêng và bình ổn các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nói chung một cách căn cơ. Từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn nhiều hơn cho bà con nông dân trong thời gian tới.

Liên quan đến đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, đại biểu Hương nêu, hiện nay đa phần các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta mới đáp ứng được các thị trường dễ tính. Bên cạnh việc nông dân có thói quen làm ăn theo phong trào, không ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, mặt khác từ khâu chọn giống, sản xuất, chế biến, bảo quản đến khâu tiêu thụ đều chưa được thực hiện một cách đồng bộ.

"Chính vì vậy, chất lượng, giá cả các mặt hàng nông nghiệp của chúng ta chưa có tính cạnh tranh cao trên thị trường khu vực và cũng như trên thế giới, đồng thời cũng gặp nhiều thách thức tại các thị trường này", đại biểu Quốc hội đoàn An Giang nói.

Theo đại biểu Hương, tại thị trường nội địa, ngành nông nghiệp cũng đã có kế hoạch hướng đến thị trường nội địa 100 triệu dân thông qua việc thành lập hiệp hội và tăng cường phối hợp với các tập đoàn bán lẻ.

Tuy nhiên xâu chuỗi lại, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp không chỉ là bài toán khó trong tình huống dịch bệnh mà ngay cả khi đến mùa vụ khác trong năm, nông dân ĐBSCL vẫn luôn ám ảnh với điệp khúc "được mùa rớt giá", bà con làm ra sản phẩm nông nghiệp từ cọng hành, củ khoai đến cây trái cũng chỉ mong muốn được bán đúng với giá trị chứ không mong được "giải cứu".

Qua đó, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận.

 Thời gian tới, đề nghị Bộ NNPTNT cần có chiến lược tăng cường phối hợp với các bộ ngành liên quan để triển khai xây dựng các mô hình mới kết nối với cung cầu, tăng cường liên kết vùng một cách hiệu quả hơn, xây dựng chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách chính quy, chuyên nghiệp để vừa cung cấp sản phẩm tốt đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ cho người tiêu dùng vừa nhằm nâng niugiá trị sản phẩm Việt.

Thông qua đó, người tiêu dùng không phải chỉ trên cương vị bỏ tiền ra mua sản phẩm nông nghiệp giúp cho bà con nông dân mà chính người tiêu dùng là người cần sản phẩm vì sức khỏe, quyền lợi của chính mình và mong muốn được sử dụng vì sản phẩm có chất lượng cao.

Để nền nông nghiệp ĐBSCL phát triển thật sự vững chắc, đại biểu đoàn An Giang khẳng định: Bên cạnh sự nỗ lực của bà con nông dân của chính quyền địa phương trong khu vực vẫn cần có nhiều vấn đề đặt ra cần có giải pháp tổng thể trên tất cả các khía cạnh liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đại biểu Hương kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương cần tập trung tháo gỡ 5 vấn đề: Thứ nhất là thu hút đầu tư vào nông nghiệp, vấn đề tích tụ ruộng đất chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa chất lượng cao để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.

Thứ 2 là nhân rộng các cách làm mới, mô hình sản xuất mới có hiệu quả kinh tế cao góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. 

Thứ 3 là ban hành chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chính sách phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Thứ 4 là xem xét tổ chức sản xuất lại một cách phù hợp là khâu đột phá để phát triển nền nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng gắn liên kết vùng và thực hiện hình thành vùng sản xuất lớn.

Thư 5, quan tâm nhiều hơn đến chính sách cho vùng sâu, vùng xa những vùng khó khăn nhất là sau đại dịch Covid-19 nhằm tạo việc làm và chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp để đảm bảo cho sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thân cho người nông dân.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem