Trải qua gần 2 năm Covid-19 xuất hiện ở nước ta, không ít doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu trái cây đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức vì thiếu vốn, lao động, nguyên liệu…
Tuy nhiên, bằng sự chủ động, linh hoạt, biến "nguy" thành "cơ" đã tạo ra cơ hội cho chính bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây vượt "bão dịch". Từ các vùng nguyên liệu được mở rộng, nhà máy chế biến đi vào hoạt động là minh chứng rõ nét nhất.
Là doanh nghiệp điểm sáng trong lĩnh vực xuất khẩu rau quả, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cũng không chấp nhận bị "khuất phục" trước đại dịch.
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Doveco cho biết, thời gian qua Công ty cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như những doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, cho đến nay khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu hoa quả của Doveco tại Ninh Bình, Sơn La cũng như Tây Nguyên vẫn được duy trì hoạt động ổn định, không bị đứt gãy.
Từ "đại bản doanh" ban đầu ở Đồng Giao – Ninh Bình, Doveco liên tục mở rộng địa bàn hoạt động ra nhiều khu vực trên cả nước, xây dựng vùng nguyên liệu bài bản, ký kết bao tiêu sản phẩm trái cây cho nông dân.
Hiện nay, ở Tây Nguyên, Công ty đã có 11.000 ha diện tích trồng chanh leo cung cấp cho 4 nhà máy chế biến.
"Sản phẩm từ chanh leo của Việt Nam chỉ đáp ứng 20-30% nhu cầu thế giới, nên còn nhiều dư địa để mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngoài ra tại khu vực Tây Nguyên hiện nay, Doveco có 1.200ha trồng dứa tại Gia Lai, chỉ mất 9 tháng đã có thể xử lý, chế biến. Bên cạnh đó, Công ty cũng đang có nhu cầu số lượng lớn đối các loại hoa quả xoài Đài Loan, xoài keo, bơ", ông Khuê chia sẻ.
Tại tỉnh Sơn La, những ngày này, Doveco đang khẩn trương thi công lắp đặt máy móc, thiết bị để đưa Trung tâm chế biến vào hoạt động, đồng thời, tích cực liên kết với các hộ dân, HTX để hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến hơn 500.000 tấn rau, quả các loại/năm tại đây.
Khởi công tháng 9/2020, dự án Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao gồm tổ hợp 3 nhà máy chế biến các loại rau, quả như: xoài, nhãn, ngô ngọt, chanh leo, đậu tương, dứa...
Dự kiến tháng 12/2021 Doveco sẽ đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất ngô ngọt; tháng 3/2022, hoàn thành việc lắp đặt đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất đông lạnh và cô đặc; tháng 4/2022, khánh thành Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La.
Đảm bảo vùng nguyên liệu liên kết sản xuất, Doveco đầu tư ban đầu cho bà con tham gia liên kết, như: cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá ưu đãi hoặc nông dân có thể khấu trừ sản phẩm khi thu hoạch.
Trong quá trình canh tác, đơn vị sẽ cử cán bộ đến tận nơi giúp đỡ người dân theo dõi, giám sát, hướng dẫn quá trình sản xuất đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn, tạo ra sản phẩm đúng tiêu chuẩn.
Ngoài ra, Doveco cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm đủ tiêu chuẩn do nông dân sản xuất bằng giống của Công ty theo giá được ký kết trong hợp đồng. Khi giá thị trường cao hơn giá đã ký kết thì đơn vị sẽ thu mua theo giá thị trường.
Hiện, Công ty đang hợp đồng thu mua với giá tối thiểu 6.500 - 7.000 đồng/kg chanh leo; 8.000 đồng/kg đậu tương, rau; 3.500 đồng/kg ngô ngọt...
Liên kết chuỗi là đồng hành với nông dân, cùng nông dân hưởng lợi
Trên thực tế, việc hình thành liên kết chuỗi, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững đã và đang được các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu trái cây hướng đến.
Để duy trì và cùng nhau hưởng lợi thì doanh nghiệp và HTX, nông dân cần có "sợi dây" liên kết bền chặt, có "tiếng nói" chung.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu nói: "Xây dựng vùng nguyên liệu, mở rộng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với HTX, nông dân để đảm bảo xuất khẩu đã được Chánh Thu làm từ rất nhiều năm".
Việc liên kết chuỗi của Chánh Thu đã hình thành từ lâu, tuy nhiên vai trò của HTX - chuỗi "mắt xích" chưa gắn kết với nhau chặt chẽ. Chính vì vậy với kinh nghiệm của mình - Chánh Thu đưa ra việc liên kết chuỗi thông qua câu chuyện hợp đồng cam kết về giá thu mua nông sản ổn định trong 1 năm hoặc 5 đến 10 năm.
Bên cạnh đó, Chánh Thu phối hợp với HTX, doanh nghiệp làm về lĩnh vực cung ứng vật tư đầu vào để đảm bảo bền vững từ chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Hiện, Công ty Chánh Thu đang phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời để xây dựng vùng nguyên liệu.
"Chúng tôi hướng đến là liên kết chuỗi bền vững giữa doanh nghiệp với nông dân. Và chúng tôi xác định rõ sẽ đi cùng nhau, xây dựng liên kết chuỗi, thương hiệu sản phẩm để cùng chia sẻ lợi nhuận. Đó là mục tiêu chúng tôi hướng đến", bà Tường Vy nói.
Theo bà Tường Vy, liên kết chuỗi bền vững phụ thuộc rất nhiều vào tư duy của nông dân.
"Trước đây họ theo thị trường, nông sản có đến đâu thì bán đến đó, họ không quan tâm đến liên kết với doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, tất cả các thị trường đều thay đổi về tiêu chuẩn xuất khẩu và việc liên kết chuỗi là "bắt buộc". Những hộ nông dân đi đơn lẻ sẽ rất khó tìm được đầu ra".
"Từ đầu năm 2021 đến nay, Chánh Thu vẫn tăng trưởng từ 20-30%. Và câu chuyện duy trì sản xuất trong điều kiện dịch bệnh là sự đóng góp rất lớn từ việc Chánh Thu đã xây dựng được liên kết chuỗi với các vùng nguyên liệu", bà Tường Vy cho biết.
Năm 2021, Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đưa vào vận hành nhà máy sơ chế sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk.
Theo bà Tường Vy, cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, tỉnh Đắk Lắk cũng như các địa phương cần tập dần cho nông dân liên kết bền vững với doanh nghiệp.
Điều này sẽ tạo động lực lớn cho doanh nghiệp, bởi nhà máy của Chánh Thu có thể chế biến, làm đông lạnh hay sấy cho sầu riêng, chanh dây, bơ...