Một ông nông dân tỉnh Tiền Giang cả đời chỉ đi lo nuôi cá đặc sản "suýt tuyệt chủng"
Tiền Giang: Cả đời chỉ lo nuôi các loài cá "suýt tuyệt chủng" mà nên danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021"
Trần Đáng
Thứ tư, ngày 10/11/2021 06:21 AM (GMT+7)
Tại “Thủ phủ trái cây” của miền Tây là tỉnh Tiền Giang, trong khi nhiều người chọn trồng cây ăn trái làm giàu, ông Tư Mật (Phan Văn Mật, xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), lại chọn mô hình ương cá giống, các loài cá quý hiếm "suýt tuyệt chủng". Mỗi năm, ông Tư Mật có doanh thu từ ương cá giống hơn 1 tỷ đồng.
Hiện nay, trang trại ương cá giống của ông Phan Văn Mật đang ương nuôi đàn cá bố mẹ, trong đó có nhiều loài cá quý hiếm, cá đặc hữu của ĐBSCL, của sông Mê Kông, có loài cá "suýt tuyệt chủng", như cá hô, cá tra dầu, cá vồ đém (cá tra bần)...
Ông Phan Văn Mật là 1 trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu được tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021".
Theo ông nông dân 70 tuổi này, hiện ông có 3 khu ương cá giống và nuôi cá thịt với diện tích gần 9,5ha. Có khu tự ông làm riêng, có khu ông Tư Mật hùn hạp.
Làm giàu từ ương cá giống
Ở cái tuổi 70, ông Tư Mật còn khá nhanh nhẹn, tại khu ương cá giống ở xã Long Định, thoắt cái đã thấy ông đứng trên cầu vãi thức ăn cho đàn cá bố mẹ...
Tại cái hồ rộng 1ha mặt nước này, ông Tư Mật đang ấp ủ một "báu vật" với toàn cá bố mẹ đặc sản. Ở đây có các loại cá đặc sản, cá đặc hữu của sông Mekong, như: cá vồ đém (cá tra bần), cá tra dầu, cá hô…Đây cũng là các loài cá hiếm "suýt tuyệt chủng" ở khu vực ĐBSCL do việc đánh bắt thái quả và do thay đổi môi trường, dòng chảy, do các đập thủy điện trên thượng nguồn...
Ông Tư Mật cho biết, trong ao nhà ông đang có những con cá hô quý hiếm nặng đến 25kg.
Ông Tư Mật kể, trước khi khởi nghiệp ương cá giống, ông làm ruộng, cày cấy quanh năm với 7 công đất ruộng mà không cải thiện được cái nghèo cố hữu.
Năm 1990, ông Tư Mật bấm bụng chuyển 1 công đất ruộng sang đào ao nuôi cá thịt. Thấy nuôi cá "có ăn", ông Tư Mật chuyển tiếp 3 công đất lúa sang nuôi cá thịt.
Tuy nhiên, nghề nuôi cá chỉ phát triển rực rỡ khi ông Tư Mật được Quỹ Hội sông Mekong chọn tham gia dự án ương cá giống rô đồng và cá sặc rằn nhằm cải thiện sinh kế nông hộ.
Tham gia dự án, ông Phan Văn Mật được các kỹ sư thủy sản chuyển giao cá bố mẹ, dạy kiến thức nuôi dưỡng cá bố mẹ, kỹ thuật chích kích dục tố…
Theo ông Tư Mật, lúc bấy giờ ở Tiền Giang chỉ mình ông được chọn tham gia dự án này.
Vì bởi "một mình một chợ", nên khi tiếp nhận kỹ thuật và con giống bố mẹ, ông Tư Mật đã phát triển nghề ương cá giống "như diều gặp gió".
"Mới đầu cá giống tôi ương bán ra vùng ĐBSCL. Rồi cá giống được giao ra miền Trung, miền Bắc. Thậm chí, sau đó được xuất sang thị trường Campuchia", ông Tư Mật chia sẻ.
Thời điểm đó, ông Tư Mật tính, mỗi tháng xuất ra thị trường hơn 100 triệu con cá rô đồng, sặc rằn giống, thu lãi hơn trăm triệu đồng/năm.
Giá trị cá giống bột tính từng con. Theo đó, mỗi con cá rô đồng bán giống là 50 xu, cá sặc rằn là 1 đồng/con. "Mỗi đơn đặt hàng 3 – 5 triệu con cá giống, làm mệt nghỉ", ông Tư Mật khoe.
Ăn nên, làm ra với con cá giống được 5 – 6 năm, phong trào ương bán cá giống rô đồng, sặc rằn lắng xuống.
Chạy theo thị trường, ông Tư Mật chuyển sang ương nhiều loại cá giống khác, như: Cá rô đầu vuông, cá trê, cá tra, cá rô phi, cá điêu hồng và các loại cá cảnh.
Clip: Ông Tư Mật và nghề ương cá giống. Ông Tư Mật đang ương nuôi đàn cá đặc sản dòng bố mẹ, nhiều loài đang có nguy cơ tuyệt chủng trên sông Mê Kông nói chung và sông Tiền, sông Hậu của khu vực ĐBSCL, ví như loài cá hô, cá tra bần (cá vồ đém), cá tra dầu.... Clip: Trần Đáng
Những năm gần đây, ông Tư Mật chủ yếu ương cá giống để nuôi thành cá thịt thương phẩm. Chỉ số lượng ít cá giống ông bán ra thị trường.
Ông Tư Mật chủ yếu làm cá giống đặc sản với giá bán cao, như: Vồ đém, ca hô, cá hồng vỹ, cá tra dầu…
"Trong nuôi cá, chi phí thức ăn chiếm phần lớn. Nếu giá thức ăn ổn định, thấp thì người nuôi có lời. Tuy nhiên, hiện giá thức ăn cho cá tăng khá cao, tăng khoảng 20%, nên doanh thu của người nuôi giảm đáng kể", ông Tư Mật thổ lộ.
Nói là vậy, nhưng những năm gần đây, mỗi năm doanh thu từ nuôi và ương cá giống của ông Tư Mật vào khoảng 1 tỷ đồng, lời 10 - 15%.
Không muốn mất đi các loài cá quý hiếm, cá đặc hữu của ĐBSCL
Ông Tư Mật bộc bạch, ông cảm ơn nghề ương cá giống. Nhờ cái nghề này mà gia đình ông đổi đời, con cái học hành đến nơi đến chốn.
Cũng nhờ nghề ương cá giống từ những năm xa xưa, đến nay ông Tư Mật có thể hãnh diện, tự hào, ông là một trong những nông dân đang có đóng góp vào việc nhân nuôi, bảo tồn nhiều loài cá quý hiếm, cá đặc hữu của sông Mê Kông, của ĐBSCL. Nhiều loài cá quý hiếm "suýt tuyệt chủng" bởi nhiều nguyên nhân không mong muốn.
Trong khi, ông Tư Mật cảm ơn đời, thì bà con xóm giềng cảm ơn ông. Từ đồng lời của nghề ương cá, ông Tư Mật san sẻ với mọi người, xã hội.
Theo Hội Nông dân xã Long Định, hàng năm trại nuôi, ương cá giống của ông Tư Mật giải quyết 21 lao động thường xuyên tại địa phương, với thu nhập ổn định 4,5 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, ông Tư Mật còn hỗ trợ cá con giống cho 10 - 15 hộ nghèo gặp khó khăn để có điều kiện cải thiện đời sống.
"Hàng năm, tôi còn phối hợp đóng góp giúp 3 - 5 hộ thoát nghèo, phát triển kinh tế", ông Tư Mật chia sẻ.
Qua phát động phong trào "Nông dân chung sức xây dựng nông thôn mới" do chính quyền và Hội Nông dân xã phát động, mỗi năm gia đình ông Tư Mật tự nguyện đóng góp cá giống cho các hộ nghèo trong xã với giá trị hơn 120 triệu đồng.
Đặc biệt, mỗi năm ông Chi hội phó Chi hội nông dân ấp Đông này cùng Hội Nông dân xã xây dựng 1 căn nhà "mái ấm nông dân" trị giá 30 triệu đồng cho hộ nông dân nghèo, khó khăn về nhà ở.
"Từ khi đăng ký tham gia phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng, đã tạo cơ hội, động cơ thúc đẩy tôi không ngừng phấn đấu vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu", ông Tư Mật thổ lộ.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện Châu Thành, mô hình ương cá giống của ông Tư Mật cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Tư Mật đóng góp lớn cho xã hội và Hội nông dân tại địa phương.
Với những đóng góp của mình, từ 2016 – 2020, ông Tư Mật đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và được nhân Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang. Năm 2018, ông Tư Mật được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2021, ông Phan Văn Mật, xã Long Định, huyện Châu Thành vinh dự là đại diện duy nhất của tỉnh Tiền Giang được bình chọn, tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc".
Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam, Bình chọn và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương phối hợp chỉ đạo; Báo Nông thôn ngày nay/Báo điện tử Dân Việt là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.