Theo ông Hoàng Trung, kiểm dịch thực vật là công tác thường xuyên, liên tục, có ảnh hưởng đến xuất - nhập khẩu hàng ngày. Dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp hay lúc bình thường, doanh nghiệp cần là phải bố trí cán bộ kiểm dịch thực vật.
Một ngày riêng cơ quan kiểm dịch thực vật ở Việt Nam phải kiểm tra, kiểm dịch từ 1.500-1.600 lô hàng trong phạm vi cả nước, gồm cả cửa khẩu đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Để xử lý kịp thời nông sản xuất – nhập khẩu, Cục BVTV đã lên danh sách ưu tiên tiêm 2 mũi vaccine Covid-19, xét nghiệm cho một lực lượng ứng trực khoảng 30 người.
"Bất cứ chỗ nào bị nhiễm dịch hay bị phong tỏa là phải điều động người vào làm ngay" - ông Trung nói, và cho biết trong mấy tháng qua dù dịch diễn biến phức tạp nhưng chưa có bất cứ một lô hàng nào vì lý do kiểm dịch mà không xuất, nhập khẩu được.
Trong năm 2020, khối lượng hàng hóa đã qua kiểm dịch thực vật là khoảng 73 triệu tấn, tăng hơn 18 triệu tấn so với năm 2016.
Công tác kiểm dịch thực vật đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ngăn chặn triệt để đối tượng kiểm dịch thực vật đi theo hàng nhập khẩu cũng như đảm bảo hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tuân thủ yêu cầu kiểm dịch thực vật của các quốc gia nhập khẩu.
Ông Lê Sơn Hà - Trưởng phòng kiểm dịch thực vật (Cục BVTV) cho biết, trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, lực lượng kiểm dịch thực vật trên địa bàn cả nước đã thực hiện nghiêm túc 2 nhiệm vụ cũng là mục tiêu kép mà Chính phủ giao, đó là vừa đảm bảo an toàn theo đúng quy định về phòng chống dịch, nhưng cũng không để lô hàng nào chậm trễ vì lý do kiểm dịch thực vật.
Theo ông Lê Sơn Hà, trong những năm qua, lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu tăng nhanh, đa dạng chủng loại, phân bố không đều qua các tháng và các vùng.
Hàng nhập khẩu bị phát hiện nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật tăng mạnh cả về số lô và khối lượng, trong khi nguồn nhân lực hạn chế đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác kiểm dịch thực vật.
Bên cạnh đó, số lượng các cửa khẩu và lối mở ngày càng tăng và chủ yếu phân bố các tỉnh miền núi với cơ sở hạ tầng, giao thông hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc bố trí cán bộ và phương tiện để kiểm tra hàng hóa. "Đặc biệt, khi TP.HCM không cho phép 100% cán bộ đi làm việc, sức ép lớn lắm" - ông Hà nói.
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Cục BVTV áp dụng nhiều giải pháp để xử lý nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, tổ chức.
"Chúng tôi áp dụng công nghệ kết nối, giám định từ xa. Tất cả các kết quả từ biên giới có thể kết nối với các trung tâm kỹ thuật ở Hà Nội và trong vòng 5-7 phút có thể kết luận được ngay, thay vì phải chuyễn mẫu về giám định sau 24 giờ mới chuyển lên như trước đây" - ông Hoàng Trung thông tin.
Cùng với đó, các thủ tục về hành chính, đặc biệt về giấy tờ, hồ sơ đều được Cục BVTV rút gọn tới mức tối đa như: Hàng nhập khẩu chỉ có 2 loại giấy tờ, hàng xuất khẩu chỉ có 1 loại giấy tờ. Đồng thời, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 để làm thủ tục kiểm dịch thực vật cho các doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp từ bất cứ đâu có kết nối internet, ví dụ như trong TP.HCM dịp thực hiện giãn cách nghiêm ngặt cứ gửi hồ sơ trực tuyến là giấy phép được cấp trực tuyến, rồi gửi lại cho doanh nghiệp và tất cả các đơn vị có liên quan nên rất thuận lợi, vừa nhanh chóng, vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19" - ông Hà chia sẻ.
Không chỉ có vậy, Cục BVTV còn chủ động liên lạc, làm việc với cơ quan kiểm dịch thực vật các nước đề nghị trong bối cảnh do gián đoạn các chuyến bay thương mại vì lý do giãn cách xã hội nên bản chính giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật chưa chuyển đến kịp, thì chấp nhận tạm thời sử dụng bản scan giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật mà Cục BVTV gửi qua email công vụ để tạo điều kiện thuận lợi, thông quan nhanh chóng cho các lô hàng của Việt Nam xuất khẩu.
Theo thông lệ quốc tế và quy định kiểm dịch thực vật của các quốc gia, một lô hàng thuộc diện KDTV đòi hỏi phải kèm theo một giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu cấp.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật không chuyển đến kịp thời để nộp cho cơ quan KDTV nước nhập khẩu để làm thủ tục kiểm dịch và thông quan cho lô hàng.
"Trong trường hợp này, chúng tôi đã chủ động liên hệ và thông tin các giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu đã cấp cho các lô hàng của Việt Nam cho cơ quan kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu để phía nước nhập khẩu chấp nhận và giải phóng nhanh các lô hàng của Việt Nam. Chúng tôi cũng sẵn sàng chấp nhận lô hàng tương tự của các nước. Như vậy, hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu hầu như không bị ách tắc" - ông Hà nói.