Dân Việt

Hải Phòng: Bộ NNPTNT chủ trương mở rộng nuôi trồng thủy sản, vì sao huyện Kiến Thụy lại thu hẹp vùng nuôi ngao? (bài 4)

Ngọc Lê- Đỗ Lực 12/11/2021 07:13 GMT+7
Khi ban hành quyết định 635/QĐ-UBND ngày 24/4/2018 về việc quy hoạch chi tiết phát triển nuôi ngao ven biển đến năm 2025, UBND huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) dựa trên một loạt quyết định của Thủ tướng, Bộ NNPTNT, UBND TP Hải Phòng làm căn cứ. Thế nhưng tất cả các quyết định này đều nêu rõ định hướng, phải mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản.

Hải Phòng phải giàu từ biển: Sao huyện Kiến Thụy lại "cắt" diện tích nuôi ngao?

Hải Phòng: Quy hoạch vùng nuôi thao thụt lùi: Huyện Kiến Thụy làm trái quyết định của Thủ tướng, Bộ NNPTNT? (bài 4) - Ảnh 1.

Bãi triều (cồn cát) ven biển, nơi đang có hơn 1.000 lao động làm nghề nuôi ngao tại đây. Ảnh: Nguyễn Chương.

“Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển; phát triển bền vững, thịnh vượng” – đó là quan điểm xuyên suốt được khẳng định tại Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, ngày 22/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm: "Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước; bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở công bằng, bình đẳng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật…".

Đối với riêng TP Hải Phòng, tại các văn kiện khác như Nghị quyết số 32-NQ/TW, Nghị quyết số 45-NQ/TW, Đảng và Nhà nước đặt ra định hướng phát triển kinh tế cụ thể đối với thành phố Hải Phòng là: "Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đưa Hải Phòng trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước…"

Phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hải Phòng nhiệm kỳ 2020-2025 ngày 14/10/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) cũng nhấn mạnh: "TP Hải Phòng phải trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển và cảng biển. Đồng thời, phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ với trọng tâm là sự kết nối hiệu quả tam giác du lịch Đồ Sơn - Cát Bà - Hạ Long với các vùng trọng điểm kinh tế".

Như vậy, có thể thấy, quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững của nước ta, đó là phải đưa Việt Nam trở thành một nước mạnh về biển, người dân (trong đó có người dân TP Hải Phòng) được làm giàu từ biển nhờ nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và khai thác các nguồn lợi khác ven biển.

Thế nhưng, tại quyết định 635 của UBND huyện Kiến Thụy về quy hoạch vùng nuôi ngao đã đi trái những chủ trương, chính sách cụ thể từ Trung ương đến Bộ, ngành, địa phương.

Hải Phòng: Quy hoạch vùng nuôi thao thụt lùi: Huyện Kiến Thụy làm trái quyết định của Thủ tướng, Bộ NNPTNT? (bài 4) - Ảnh 2.

Theo phản ánh của người dân, huyện Kiến Thụy muốn quy hoạch lại vùng nuôi ngao hiện có để nhường chỗ cho việc khai thác cát. Hàng nghìn lao động đứng trước nguy cơ mất nghề, thất nghiệp. Ảnh: Nguyễn Chương.

Cụ thể, để ban hành quyết định này, UBND huyện Kiến Thụy có đưa ra một loạt căn cứ để lập quy hoạch. Trong đó có 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đó là: Quyết định 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 và Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Cũng trong quyết định 635 này, huyện Kiến Thụy liệt kê 2 quyết định của Bộ NNPTNT làm căn cứ để quy hoạch. Cụ thể: Quyết định số 2760/QĐ-BNN-TCTS ngày 22/11/2013 của Bộ trưởng Bộ NNPTNT về phê duyệt "Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" và quyết định 3529/QĐ-BNN-TCTS ngày n25/8/2016 của Bộ NNPTNT về Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển nuôi nhuyễn thể hàng hóa tập trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Huyện Kiến Thụy cũng đưa ra 2 quyết định của UBND TP Hải Phòng để làm căn cứ, trong đó có quyết định gần nhất, đó là: Quyết định số 538/QĐ-UBND ngày 01/4/2016 của UBND TP Hải Phòng về phê duyệt phát triển kinh tế thủy sản thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2025.

Mặc dù dùng hàng loạt văn bản của Thủ tướng, Bộ NNPTNT, UBND TP Hải Phòng để làm căn cứ lập quy hoạch, song trên thực tế tại tất cả các văn bản, quyết định trên đều có chủ trương khuyến khích các địa phương đầu tư, mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản ven bờ. Ngược lại, huyện Kiến Thụy lại có chủ trương giảm diện tích nuôi ngao và thủy sản như nội dung trong quyết định 635.

Hải Phòng: Quy hoạch vùng nuôi thao thụt lùi: Huyện Kiến Thụy làm trái quyết định của Thủ tướng, Bộ NNPTNT? (bài 4) - Ảnh 3.

Với điều kiện thuận lợi, cộng với công sức khai khẩn, bồi đắp của người dân, vùng nuôi ngao ở bãi triều ven biển Kiến Thụy được đánh giá là có tiềm năng, cho năng suất ngao đạt 40-70 tấn/ha, mang lại giá trị gần 300 tỷ đồng cho toàn vùng mỗi năm. Ảnh: Nguyễn Chương.

Quy hoạch của huyện ngược chủ trương các quyết định của Thủ tướng, Bộ NNPTNT, TP Hải Phòng?

Cụ thể, tại Quyết định 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ, có nêu mục tiêu chung, đó là: Phát triển nuôi biển thành một lĩnh vực sản xuất quy mô công nghiệp tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ xuất khẩu, du lịch và tiêu thụ nội địa. Hoàn chỉnh quy hoạch, công bố quy hoạch các vùng nuôi biển tập trung: trên biển, ven các hải đảo và biển ven bờ; quy hoạch và có kế hoạch phát triển các giống hải sản phục vụ nghề nuôi biển, tạo sản phẩm hàng hóa lớn (giáp xác, nhuyễn thể, cá), sớm hình thành các nhóm đối tượng chủ lực có xuất xứ nguồn gốc, có thương hiệu uy tín trên thị trường...

Đến Quyết định 1445 năm 2013, cũng nêu mục tiêu: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, ưu tiên phát triển nuôi công nghiệp đối với các đối tượng thủy sản xuất khẩu chủ lực, phù hợp tiềm năng và thế mạnh của từng vùng và yêu cầu của thị trường; đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Diện tích nuôi trồng thủy sản đến 2020 đạt 1,2 triệu ha.

Về quy hoạch theo vùng sinh thái, đối với đồng bằng sông Hồng (trong đó có Hải Phòng): Phát triển nuôi ven biển các loài thủy sản nước lợ có giá trị kinh tế cao (tôm sú, tôm chân trắng, ngao, cua xanh,...) theo phương thức thâm canh và bán thâm canh ở các vùng có điều kiện thích hợp. Trồng rong biển, nuôi các đối tượng hải sản khác theo phương thức hữu cơ (nuôi sinh thái).

Tại quyết định 2760 của Bộ NNPTNT cũng nhấn mạnh: Chuyển đổi mạnh cơ cấu giữa nuôi trồng trong nội địa với nuôi trồng trên biển; cơ cấu giữa nuôi và trồng. Đặc biệt, tại quyết định 3529, Bộ NNPTNT đã xác định: Phát triển nuôi nhuyễn thể thành ngành hàng hóa tập trung phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của các tỉnh ven biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, tổ chức sản xuất hợp lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng dân cư, bảo vệ trật tự, an ninh quốc phòng vùng ven biển và hải đảo...

Còn tại quyết định 538, TP Hải Phòng đặt mục tiêu nâng thu nhập của người lao động thủy sản tăng gấp 2 và 2,5 lần lần lượt vào các năm 2020 và 2025. Còn mục tiêu cụ thể đối với ngành nuôi trồng, đến năm 2020 diện tích đạt 11.640ha, đến năm 2025 đạt 11.790ha, giàn bè nuôi nhuyễn thể đạt 80 giàn/80.000m2 và giữ ổn định đến năm 2030.

TP Hải Phòng cũng đặt mục tiêu duy trì và phát triển vùng nuôi trồng thủy sản, trong đó có nhuyễn thể (ngao, sò) ở Cát Hải 1.750ha, Tiên Lãng 1.350ha, Kiến Thụy 1.100ha, Đồ Sơn 680ha, Dương Kinh, Hải An (380ha)... Tất cả các quyết định trên đều có mục đích trung là khuyến khích và thúc đẩy các địa phương, trong đó có TP Hải Phòng quy hoạch, mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản ven bờ, coi như một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, không hiểu sao huyện KIến Thụy lại quy hoạch theo hướng "bỏ rơi" ngành nuôi trồng ven biển, cắt giảm diện tích nuôi ngao thấp hơn so với hiện trạng và thấp hơn so với định hướng quy hoạch của chính UBND TP Hải Phòng?.

Về vấn đề này, chúng tôi tiếp tục liên lạc với ông Lưu Văn Thụy- Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy để làm rõ. Ông Thụy chỉ nói: Tất cả đã có trong quyết định phê duyệt quy hoạch rồi. Còn các anh cần thêm gì, tôi sẽ yêu cầu các phòng chuyên môn cung cấp sau.

Trong suốt các căn cứ để huyện Kiến Thụy ban hành quyết định quy hoạch cũng không hề có các căn cứ cơ bản như: Khảo sát hiện trạng thực tế; lấy ý kiến của cộng đồng dân cư; đánh giá tác động môi trường... mà duy nhất chỉ xét theo đề nghị của Trưởng Phòng NNPTNT huyện tại Tờ trình số 03/TTr ngày 23/4/2018 về việc xin phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển nuôi ngao ven biển huyện Kiến Thụy đến 2025. Không hề có sự tham gia, cho ý kiến của các ngành khác như Tài nguyên- Môi trường hay Sở NNPTNT, Sở TNMT TP Hải Phòng...

Hải Phòng: Quy hoạch vùng nuôi thao thụt lùi: Huyện Kiến Thụy làm trái quyết định của Thủ tướng, Bộ NNPTNT? (bài 4) - Ảnh 4.

Các tàu khai thác cát đang ngày đêm "ngoạm" vào bãi ngao của bà con nông dân ở Kiến Thụy. Anmhr: Nguyễn Chương.

Càng mở rộng diện tích nuôi ngao, càng có lợi; khai thác cát sẽ tác động nghiêm trọng đến môi trường

Khi nghe chúng tôi thông tin về việc huyện Kiến Thụy "đập nát" bãi ngao ven biển để "quy hoạch" lại, một đại diện thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) đánh giá: Về việc quy hoạch cụ thể thì cần phải làm việc với thành phố, huyện mới nắm rõ được. Song quan điểm của ngành thủy sản là, loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ như ngao, nghêu đang phát triển rất tốt tại các vùng ven biển, phù hợp với quy hoạch trong Đề án về phát triển nhuyễn thể của Bộ. Đặc biệt, trong những năm gần đây, ngao đã được xuất khẩu và có thị trường rất tốt. Nếu vì thấy khai thác cát có lợi hơn trước mắt mà bỏ đi các bãi ngao ven biển, là điều rất đáng tiếc.

Là một người có nhiều năm nghiên cứu về nhuyễn thể, TS. Chu Chí Thiết- Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu và nuôi trồng thủy sản Bắc Miền Trung (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Trung ương 1) cho biết: "Ở Hải Phòng và các địa phương miền Bắc, mấy năm nay mô hình nuôi thả ngao giống đang rất thành công đã giúp chủ động nguồn giống để nuôi thương phẩm. Nhìn chung nhuyễn thể như ngao, sò, nghêu là những loài thân thiện với môi trường do chúng chỉ ăn thức ăn lọc, các chất hữu cơ lơ lửng, rêu, tảo và thải phân giả, không cần phải sử dụng thức ăn công nghiệp nên không gây ô nhiễm môi trường".

Theo TS. Chu Chí Thiết, ngay cả việc cắm cọc, chòi của bà con ở các bãi nuôi ngao để trông coi, thu hoạch cũng không ảnh hưởng gì tới môi trường, trái lại còn làm đẹp thêm cho bãi triều.

Đánh giá về việc khai thác cát ở các bãi triều, TS. Chu Chí Thiết khẳng định luôn, việc này chỉ có hại hơn là có lợi. Bởi nếu khai thác cát ở bãi triều sẽ làm phá vỡ cấu trúc tự nhiên dẫn đến thay đổi các lớp trầm tích, thay đổi và có thể dòng chảy bị nắn khác đi. Đặc biệt, việc khai thác cát sẽ làm cát từ các bãi triều khác phải dồn về để bù cho phần bị khai thác nguy hiểm hơn sẽ làm biến dạng lòng sông. Từ đó chặt mất sinh kế của người dân ven biển, ảnh hưởng đến việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Khai thác cát ở bãi triều sẽ tác động nghiêm trọng đến môi trường

Theo đánh giá tác động của các nhà khoa học, tàu hút cát có thể gây ô nhiễm dầu cho môi trường nước và trầm tích đáy. Việc đào xới bãi triều (cồn cát) có thể xới tầng đất phèn ở lớp sâu của bãi triều (cồn cát) đưa lên bề mặt. Khí thải từ các máy xúc, tàu/sà lan chở cát với hàm lượng cao SOx và NOx gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn cục bộ.

Khai thác cát quá mức còn phá hoại hệ sinh thái dưới tầng đáy biển và tăng độ đục ở khu vực khác, việc thô hóa và thay đổi chế độ chảy cũng ảnh hưởng tới việc săn mồi, phát triển, đẻ trứng và nuôi dưỡng các con non của động vật thủy sinh. Các yếu tố trên khiến cho số lượng lớn ngao giống chết, tổn thất nặng nề đến nguồn lực đã đầu tư vào đây.