Hiện, anh Út Luận có một "khu bảo tồn" nhân nuôi các loài cá quý hiếm, như: cá tra dầu, cá hô, hồng vỹ… rộng 1ha tại xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Hôm chúng tôi đến "khu bảo tồn" đã thấy anh Út Luận đang loay hoay cho đàn "thủy quái" ăn. Bao thức ăn công nghiệp bị lũ "thủy quái" đớp ù đùng hết chóng vánh.
"Ở dưới ao, hiện tôi có có cá tra dầu nặng 50kg", anh Út Luận khoe.
Theo anh Út Luận, đây là những loại cá bản địa quý hiếm, có loài cá nằm trong sách Đỏ.
Một số loại cá "thủy quái" này anh Luận mua trong nước, nhưng lượng cá chính là anh nhập từ Thái Lan, Indonesia...
Anh Út Luận cho rằng, anh là người đầu tiên ở miền Tây Nam bộ dám đầu tư nuôi giống "thủy quái" là các loài cá quý hiếm, cá đặc hữu và các loài cá có nguy cơ tuyệt chủng.
Tuy nhiên, đi theo con đường nhập cá thủy quái về ương giống cũng "lắm thăng trầm, thất bại hoài".
Clip: Trong trại nuôi, ương cá giống quý hiếm của anh Út Luận tại xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Clip: Trần Đáng.
Để giảm bớt chi phí vận chuyển khi nhập cá, anh Út Luận không chọn đường hàng không mà chọn đường bộ.
Chi phí nhập cá bằng đường bộ từ Thái Lan về Việt Nam mất 70 - 80 triệu đồng/chuyến.
Mỗi chuyến chỉ được 100 – 200kg cá, nhưng giá trị 400 – 500 triệu đồng.
Theo anh Út Luận, sau 36 giờ xe chạy liên từ Thái Lan mới về đến Việt Nam. Trên đường đi qua rất nhiều chặng, từ ghe xuống xe, lại qua cửa khẩu… Dọc đường phải thay oxy cho cá liên tục.
Và bởi là cá trong sách Đỏ nên thủ tục giấy tờ nhập cá rất phức tạp, khó khăn, rất mất thời gian.
"Trong quá trình vận chuyển cá có khi thiệt hại 100%. Từ đầu năm đến giờ, tôi thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng từ việc nhập cá giống", anh Út Luận bộc bạch.
Tuy nhiên, cũng theo anh Út Luận, trong quá trình nuôi do đã có học tập kinh nghiệp và cá đã thuần chủng nên trong quá trình nuôi ít rủi ro.
"Nuôi cá 'thủy quái' khá dễ và phát triển tốt. Thời tiết, khí hậu ở Thái Lan và Indonesia khá tương đồng với Việt Nam nên cá đem về Việt Nam nuôi không bị sốc nước hay nhiệt độ", anh Út Luận chia sẻ.
Anh Luận cho biết, anh nuôi, ương giống thủy quái 5 năm nay.
"Nghề ương cá giống bình thường khá bấp bênh. Giá cá giống ngày càng đi xuống và không ổn định. Thấy thị trường chưa ai ương cá quý hiếm, nên tôi nhập giống này về ương giống. Vậy mà thành công", anh Út Luận chia sẻ.
Hiện, thị trường chính của cá thủy quái thương phẩm là các nhà hàng. Mỗi năm, anh Út Luận bán ra thị trường 40 – 50 tấn cá thương phẩm.
Bình quân giá cá thương phẩm các loại 150.000 – 200.000 đồng/kg.
Song song đó, mấy khu du lịch cũng mua giống cá hiếm này về trưng bày cho khách tham quan. Những nhà khá giả mua cá thủy quái về thả hồ thủy tạ tiêu khiển.
Ngoài ra, anh Út Luận còn bán giống cá thủy quái. Mỗi năm, anh cung cấp ra thị trường khoảng 1 triệu con cá giống, như: Hô, tra dầu, hồng vỹ…
"Tính ra, giá trị cá thủy quái cao gấp 10 lần cá thường", anh Út Luận nhận xét.
Anh Út Luận cho biết, ngoài mục tiêu làm giàu từ loại cá thủy quái này, anh còn muốn phát triển giống cá ở thị trường Việt Nam.