Nam Định: Nuôi đàn "thuỷ quái" dưới ao, toàn con to bự, bắt 1 con đưa lên ai nhìn thấy cũng ồ lên thích thú
Nam Định: Nuôi đàn "thuỷ quái" dưới ao, toàn con to bự, bắt 1 con đưa lên ai nhìn thấy cũng ồ lên thích thú
Hoàng Chiến - Đỗ Lực
Thứ bảy, ngày 12/09/2020 13:14 PM (GMT+7)
Nhiều người ví đàn ba ba gai đang nuôi dưới ao của gia đình Lê Hồng Dũng ở thôn Dương, xã Yên Dương, huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) là đàn "thuỷ quái" bởi con nào con nấy to bự lộc ngộc. Cũng nhờ nuôi ba ba gai mà ông Dũng từ nghèo trở nên hộ giàu có ở địa phương.
Phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN biết đến mô hình nuôi ba ba gai toàn con to, bự của anh Lê Hồng Dũng qua lời giới thiệu của một lãnh đạo phụ trách lĩnh vực nông nghiệp của huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Anh Dũng là một trong những tấm gương nông dân điển hình sản xuất giỏi ở xã Yên Dương, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Khu trang trại nuôi ba ba gai rộng lớn 2.300m2 của anh Dũng nằm ở giữa thôn Dương, chỉ tay về phía xa- nơi loài ba ba gai đang nằm phơi nắng, anh Dương tự hào cho biết, nuôi ba ba gai không chỉ "giúp" gia đình anh có "của ăn của để" mà còn làm thay da đổi thịt nhiều vùng quê nghèo trên cả nước.
Nhâm nhi chén trà đặc, anh Dương hồi tưởng lại ký ức ngày "bén duyên" với loài ba ba gai khổng lồ.
Anh cho hay, lớn lên trong gia đình nghèo, ngay từ nhỏ anh đã có tính tự lập biết giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà. Kinh tế khó khăn, từ sớm anh đã theo người trong làng học nghề mộc. Nghề mộc nay đây mai đó nên anh bôn ba khắp nơi.
Thời gian làm mộc ở trên tỉnh Sơn La anh quen biết nhiều ông bà chủ trang trại nuôi loài ba ba gai. Có thể nói, huyện Sông Mã của tỉnh Sơn La là 1 trong những vùng đất có rất nhiều loài ba ba gai khổng lồ sinh sồng.
Thấy nghề nuôi ba ba khá nhàn nhã, lại có thu nhập cao, đỡ vất vả hơn nghề mộc, trong đầu anh Dũng đã loé lên suy nghĩ chuyển nghề. Hàng ngày, ngoài thời gian làm mộc, anh Dũng giành nhiều thời gian thăm quan, học tập kinh nghiệm nuôi ba ba gai tại một số trang trại nuôi ba ba gai ở huyện Sông Mã.
Mô hình nuôi ba ba gai đã giúp anh nông dân Lê Hồng Dũng (SN 1978) ở thôn Dương, xã Yên Dương, huyện Ý Yên, Nam Định có thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Tất cả những kiến thức về chăn nuôi ba ba gai được anh ghi chép một cách cẩn thận, tỉ mỉ. Năm 2004, anh Dũng quyết định từ bỏ nghề mộc, trở về quê nuôi ba ba gai. Anh tiến hành cải tạo ao, mua 20 cặp ba ba gai trưởng thành cùng 150 con ba ba gai giống về nuôi.
Những kiến thức chăn nuôi ba ba gai bao năm học hỏi được anh đều áp dụng vào cho những con giống của mình. Dù được chăm sóc đặc biệt kỹ càng, nhưng ba ba vẫn phát triển chậm, còi cọc. Sốt ruột, anh cầu cứu khắp nơi. Nhiều đêm không ngủ được anh lại mày mò đọc sách báo nói về con ba ba gai tìm nguyên nhân.
Nhờ người quen hướng dẫn cách nuôi ba ba gai, anh Dũng đã dần dần chinh phục được loài ba ba. Ba ba gai do anh Dũng nuôi dần được cải thiện về chất lượng. Những con ba ba gai trưởng thành sinh sản mạnh cho hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2009, anh Lê Hồng Dũng mạnh dạn mở rộng diện tích ao nuôi ba ba gai. Từ một vài ao nuôi nhỏ, anh nhân rộng lên thành 8 ao nuôi ba ba gai với tổng diện tích rộng 2.300m2.
"Nhận thấy loài ba ba gai có thể cho hiệu quả kinh tế cao, nên tôi bàn với gia đình mở rộng quy mô. Năm 2009, tôi đã gom ruộng đất mở rộng quy mô lên thành 2.300m2 ao nuôi ba ba gai. Toàn bộ ao nuôi ba ba gai được tôi xây sửa kỹ càng, chắc chắn. Ao nuôi ba ba gai rộng nhất có diện tích khoảng 500m2, ao nhỏ nhất khoảng 200m2...", anh Dũng nói với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Chính nhờ việc áp dụng tốt khoa học, kỹ thuật, đến nay trang trại nuôi ba ba gai của anh đã có 100 cặp ba ba gai bố mẹ, mỗi năm sản sinh ra hàng trăm ba ba gai giống. Tính đến nay, mỗi năm trang trại của anh bán ra thị trường khoảng 2.000 con ba ba gai giống, cùng 500kg ba ba gai thịt thương phẩm.
Chia sẻ về quyết định đổi nghề, anh Dũng cho hay: "Từ lâu, tôi đã xác định nghề mộc sẽ đi cùng tôi đến già, thế nhưng không ngờ loài ba ba gai đã đưa tôi sang ngã rẽ mới. Thời gian đầu việc chăn nuôi ba ba gai gặp khó, nhiều người lại gợi ý quay lại với nghề mộc, với hứa hẹn trả lương cao, nhưng theo lý trí con tim mách bảo, tôi đã khước từ để gắn bó với nghề nuôi loài "thuỷ quái" này".
Kỹ thuật nuôi ba ba gai- yếu tố quyết định thành, bại
Xuống ao mò bắt và bê một con ba ba gai trưởng thành to bực với trọng lượng khá lớn trên tay, anh Dũng chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN những kinh nghiệm quý báu khi nuôi ba ba gai.
Theo anh Dũng, hiện trên thị trường có rất nhiều loài ba ba như: ba ba sông Hồng, ba ba Thái Lan, ba ba Nam Bộ...Tuy nhiên, những loài ba ba này đều không hợp để thích nghi với thời tiết của miền Bắc.
Qua nghiên cứu, anh nhận thấy chỉ có loài ba ba gai là thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của miền Bắc, bởi loài này dễ thuần, phàm ăn cho hiệu quả kinh tế cao...
Thức ăn chủ yếu của ba ba gai là động vật phù du, côn trùng, tôm tép, cua, cá. Hàng ngày, anh cho ba ba gai ăn cá tươi hoặc thêm thịt gà băm nhỏ.
Theo anh Dũng, ba ba gai thường ăn khoẻ vào mùa hè, với lượng thức ăn bằng 5- 10% trọng lượng toàn thân. Còn về mùa đông người nuôi chú ý cho ba ba gai ăn lượng thức ăn ít đi, khoảng 3- 5% trọng lượng toàn thân. Mỗi ngày cho ba ba gai ăn 1- 2 lần.
Theo anh Dũng, người nuôi ba ba gai phải chú ý đến nguồn nước cung cấp cho ao nuôi. Theo đó, nguồn cấp nước cho ao nuôi ba ba gai phải sạch.
Người nuôi ba ba gai phải chủ động được nguồn nước. Ao nuôi ba ba gai phải gần nhà để dễ bảo vệ, chăm sóc. Tường bao quanh ao nên xây cao từ 0,7- 0,8m, đỉnh tường có gờ ngang rộng khoảng 10cm để ba ba gai khỏi bò đi mất. Bờ ao dốc, thoải tạo 1- 2 lối cho ba ba gai dễ lên xuống phơi mình tắm nắng...
"Ba ba gai là loài bò sát có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh. Quá trình nuôi ba ba gai có thể mắc bệnh nấm bã đậu, nấm cổ, những bệnh này rất dễ điều trị. Ba ba gai mẹ bắt đầu sinh sản vào tuổi thứ 3. Bình quân, một năm ba ba mẹ để 3- 4 lứa; mỗi lứa từ 15- 20 quả trứng...", anh Dũng chia sẻ.
Ba ba gai thường đẻ trứng vào buổi đêm. Người nuôi sẽ soi, lọc trứng đối với những trứng không có đực thì loại bỏ. Trứng ba ba đủ điều kiện được đưa vào thùng ấp với nhiệt độ khoảng 35 độ C, sau khoảng 60- 65 ngày trứng nở thành ba ba gai con...
Theo tính toán của anh Dũng, giá ba ba gai ít bị biến động. Nhờ chăm nuôi tốt, nhiều con ba ba gai của anh Dũng đạt trọng lượng lên tới 26- 27 kg/con.
Hiện mỗi năm trang trại nuôi ba ba gai của anh bán ra 2.000 con ba ba gai giống với giá dao động từ 150.000- 200.000 đồng/con; và khoảng 500kg ba ba thịt thương phẩm. Ba ba thịt được anh Dũng bán với giá 450.000- 500.000 đồng/kg... Trừ chi phí mỗi năm anh bỏ túi gần nửa tỷ đồng từ nghề nuôi ba ba gai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.