Lễ triển khai mô hình hố bi thu gom rác thải đồng ruộng. Clip: Ngọc Vũ.
Sáng 13/11, Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đã chủ trì, phối hợp với chính quyền các cấp huyện Gio Linh triển khai mô hình hố bi thu gom rác thải trên đồng ruộng tại xã Gio Quang.
Ông Trần Văn Bến – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị cho biết, trong 2 năm 2020 và 2021, được sự hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đã thực hiện 4 mô hình bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới, với tổng số tiền 450 triệu đồng gồm: 36 nhà vệ sinh tự hoại đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn cho nông dân xã Triệu Nguyên (huyện Đakrông), xã Hướng Lộc (Hướng Hoá); 100 bi thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng ở xã Triệu Long (Triệu Phong) va Gio Quang (Gio Linh).
Xác định mô hình bi thu gom rác thải đồng ruộng của Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị mang lại hiệu quả thiết thực, các cấp chính quyền, nhân dân địa phương nơi triển khai rất ủng hộ, đã đóng góp tiền của, công sức làm thêm 95 bi và đối ứng để xây dựng nhà vệ sinh tự hoại. Điều đó cho thấy sự lan toả, vai trò to lớn của Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị trong việc nâng cao nhận thức người dân bảo vệ môi trường nông thôn.
Ông Lê Văn Thông – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Gio Quang cho hay, rác thải đồng ruộng, đặc biệt là bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường nếu vứt bừa bãi. Nay người dân sẽ bỏ rác thải đồng ruộng vào bi bê tông, vừa sạch sẽ, vừa dễ thu gom. Đây là mô hình hay, cần nhân rộng.
Ông Võ Văn Hoá – Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho hay, môi trường là một trong các tiêu chí khó thực hiện, vì vậy sự giúp đỡ của Hội Nông dân tỉnh là rất quý giá. Ông Hoá mong muốn, cùng với các cấp, ngành, Trung ương Hội Nông dân, Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục hỗ trợ địa phương những mô hình hay, thiết thực để sớm hiện thực ước mơ trở thành huyện nông thôn mới.
Ông Trần Văn Bến cho biết, kinh tế của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người vẫn còn khó khăn. Cái khó bó cái khôn, vì vậy nhận thức về bảo vệ môi trường của họ còn hạn chế, nhà vệ sinh tự hoại là điều chưa nghĩ đến.
Vì vậy, ban đầu Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị triển khai mô hình xây nhà vệ sinh tự hoại ở 2 xã Triệu Nguyên và Hướng Lộc gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, bằng nỗ lực, sự phối hợp chặt chẽ của cán bộ hội các cấp với chính quyền địa phương, mô hình đã thành công, người dân rất phấn khởi, từ đó họ thay đổi nhận thức.
"Nhận thức không thể thay đổi ngay lập tức mà phải mưa dầm thấm lâu. Hội Nông dân tỉnh đang nỗ lực hết sức mình để thay đổi nhận thức người dân trong bảo vệ môi trường, tiếp tục đóng góp tâm, sức, tiền của xây dựng nông thôn mới" – ông Bến cho hay.
Ông Trần Trọng Tuấn - Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết, dù xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng đến nay, toàn tỉnh có 57/101 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 56,4%), tiêu chí bình quân là 16,01 tiêu chí/xã; có 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 1 huyện đạt chuẩn NTM.
Để đạt được kết quả đáng khích lệ đó là nhờ sự đóng góp của nhiều cấp, ngành, đoàn thể, trong đó có Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ kinh phí, tuyên truyền vận động... người dân chung tay xây dựng nông thôn mới.