OCOP Bắc Giang: Thận trọng, chặt chẽ, không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng

Thanh Thảo Thứ bảy, ngày 13/11/2021 10:22 AM (GMT+7)
Đến nay, Bắc Giang có là 117 sản phẩm được xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 34 sản phẩm 4 sao, 83 sản phẩm 3 sao.
Bình luận 0

Sau 3 năm thực hiện, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở tỉnh Bắc Giang đã trở thành phong trào thi đua giữa các địa phương trong tỉnh, nhận được sự hưởng ứng của người dân và cấp ủy, chính quyền.

Vậy nội dung mà Bắc Giang đã triển khai là gì? Những nhóm hàng, ngành hàng nào là chủ lực trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP của tỉnh?

Để làm rõ những thắc mắc trên, phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang.

Xin ông cho biết, trong thời gian vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã triển khai chương trình OCOP như thế nào? Đến nay, chương trình đã đem lại những kết quả ra sao?

- Nhận thức được việc các diện tích sản xuất lúa, vùng cây ăn trái đang thu nhỏ lại do chuyển sang công nghiệp, đô thị và dịch vụ vui chơi…. nên Bắc Giang đã tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, đó là nâng cao chất lượng nông sản.

OCOP Bắc Giang: Biến những sản phẩm thông thường thành những đặc sản có chất lượng cao - Ảnh 1.

Chương trình OCOP Bắc Giang luôn được lãnh đạo tỉnh và các sở ban ngành tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm, chỉ đạo. Ảnh: Trang Thảo

Nói đến Bắc Giang mà chỉ nhắc đến vải thiều thì đúng nhưng chưa đủ. Bởi, vải thiều chỉ ở một hai huyện, nhưng đặc sản nông nghiệp của tỉnh thì xã nào cũng có. Vì vậy, Bắc Giang xác định có 2 trục để phát triển, một là trục nông sản có sản lượng, quy mô lớn như thịt lợn, vải thiều… hai là các đặc sản địa phương có khối lượng không nhiều, mục đích là khai thác thế mạnh của từng địa phương.

Bắc Giang đã tập trung rất cao cho chương trình OCOP để nâng tầm các đặc sản của từng vùng quê, biến những đặc sản thông thường thành những sản phẩm có chất lượng. Thực tiễn cho thấy những nông sản trước kia rất bình thường, ít người biết đến thì nay sau khi tham gia OCOP đã được nhiều người quan tâm hơn.

Bên cạnh đó, khi tham gia OCOP các sản phẩm đã được chuẩn hoá lại quy trình sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào, bao bì, nhãn mác, thương hiệu từ đó Bắc Giang xây dựng lộ trình quảng bá, tiêu thụ.

Nhiều người nghĩ OCOP chỉ cần làm bao bì đẹp thì quá sai lầm và không đầy đủ. Nếu một sản phẩm chỉ đẹp ở mẫu mã mà chất lượng không tốt cũng khó được người tiêu dùng chấp nhận. Vì vậy, đối với các sản phẩm OCOP, Bắc Giang xác định phải chuẩn hoá lại từ quy trình sản xuất đến nguyên liệu để đưa ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất.

Quan điểm của Bắc Giang là không chạy theo thành tích, số lượng mà chúng tôi có kế hoạch tăng sản phẩm nhưng không quá nhiều, làm đến đâu chắc đến đó, với tiêu chí OCOP là có thật.

Bắc Giang cũng đã hình thành các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP đẹp cả về hình thức, chất lượng, có sức tiêu thụ rất tốt. Vì vậy, thương hiệu sản phẩm OCOP của Bắc Giang được người tiêu dùng rất tin tưởng. 

Đối với Bắc Giang sản phẩm OCOP là thực chất chứ không phải là phong trào nên sau 3 năm triển khai chương trình, Bắc Giang đã có là 117 sản phẩm được xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 34 sản phẩm 4 sao, 83 sản phẩm 3 sao. Dự kiến, năm 2022 Bắc Giang sẽ đưa sản phẩm vải thiều lục ngạn đạt OCOP 5 sao, cấp quốc gia.

Trong những năm qua, chương trình OCOP đã có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế nông thôn ở Bắc Giang, vậy những tác động đó cụ thể là như thế nào, thưa ông?

- Đối với chương trình OCOP, thuận nhất và được nhất mà chương trình OCOP đã mang lại cho sự phát triển kinh tế nông thôn ở Bắc Giang chính là biến đặc sản thường ngày thành những sản phẩm được đầu tư bài bản từ đó giúp gia tăng giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Chương trình OCOP đã trở thành phong trào thi đua của các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đến nay, tỉnh không cần chỉ đạo người dân làm nữa mà họ đã tự tìm đến với chương trình, vì họ thấy tham gia chương trình chính là có lợi cho bản thân và gia đình, được nâng cấp và có hiệu quả, số lượng bán tốt.

Cái được nữa mà chương trình OCOP mang lại cho Bắc Giang đó là tạo ra chuỗi liên kết giữa người sản xuất và người tiêu thụ. Như vải thiều, sau khi tham gia OCOP đã đi vào chuỗi liên kết rất bền vững ở các địa phương.

OCOP Bắc Giang: Biến những sản phẩm thông thường thành những đặc sản có chất lượng cao - Ảnh 3.

Đến nay, Bắc Giang đã có là 117 sản phẩm được xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 34 sản phẩm 4 sao, 83 sản phẩm 3 sao

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Bắc Giang cũng gặp rất nhiều khó khăn: Một là thay đổi nhận thức, hai là kinh phí hỗ trợ thấp và ba là thay đổi cả một quá trình tư duy sản xuất của người dân.

Họ đang quen với cách làm truyền thống mà giờ lại phải thay đổi hết, cả quy trình sản xuất, mẫu mã bao bì và liên kết sản xuất nên họ rất ngại, việc thay đổi này không hề đơn giản. Mặt khác, chương trình không có nhiều kinh phí để hỗ trợ nên người dân không mấy mặn mà.

Khó khăn nữa chính là thị trường, nhiều người chưa hiểu OCOP là gì nên họ không quan tâm lắm, nghĩ mua cái nào cũng thế nên thị trường tiêu thụ chưa có. Nhưng giờ thì khác rồi, nói đến OCOP là người ta tin tưởng sản phẩm đã được đầu đầu tư bài bản, có sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh. Giờ chương trình OCOP đã rất quen thuộc với người dân Bắc Giang.

Một trong những khó khăn lớn nhất đối với sản phẩm OCOP là đầu ra cho sản phẩm. Xin ông cho biết, trong thời gian qua, Bắc Giang đã có những chiến lược nào trong việc tiếp cận thị trường? Đồng thời, những định hướng trong thời gian tới của Bắc Giang sẽ như thế nào?

- Chương trình OCOP cũng đã làm thay đổi hẳn cơ chế tổ chức sản xuất. Trước kia sản phẩm nông nghiệp đều sản xuất theo nông hộ, đơn lẻ, nhưng giờ đã thay đổi, 80% các chủ thể OCOP là các HTX, doanh nghiệp. Đây chính là điều kiện để đầu tư trong tương lai.

Nếu vẫn sản xuất đơn lẻ, sản phẩm ít thì không thể xúc tiến thương mại được. Chính vì thế Bắc Giang rất quan tâm tới việc tổ chức lại sản xuất, từ đó tạo ra được quy trình chuẩn, lượng hàng hoá đủ lớn và chất lượng. Sau khi đã đáp ứng được các yếu tố cơ bản này Bắc Giang mới tạo ra chuỗi liên kết, hỗ trợ các điểm bán hàng, truyền thông, xúc tiến kết nối cung cầu để làm sao OCOP có thị trường tiêu thụ, đầu ra ổn định và nhận thức của người tiêu dùng về OCOP thay đổi. Khi người tiêu dùng thay đổi thì mới tin tưởng mua sản phẩm OCOP với giá cao hơn.

Các sản phẩm OCOP của Bắc Giang thì rất đa dạng, đều có phân khúc thị trường khác nhau: Cao cấp, trung cấp, bình dân để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Đến nay, thực tế đã chứng minh hướng đi này của Bắc Giang đang rất hiệu quả.

OCOP Bắc Giang: Biến những sản phẩm thông thường thành những đặc sản có chất lượng cao - Ảnh 4.

Vải thiều Lục Ngạn bày bán tại Siêu thị Co.op Mart . Ảnh: Minh Hương

Việc tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế được Bắc Giang thực hiện bài bản, đó là hỗ trợ các điểm bán hàng, hỗ trợ truyền thông và tập trung các hội trợ lớn. Tất cả các hội chợ quốc tế, khu vực thì Bắc Giang đều tham gia, đặc biệt là các gian hàng OCOP. Điều rất phấn khởi khi tham gia hội chợ như thế, các sản phẩm OCOP của Bắc Giang bao giờ cũng cháy hàng.

Cách truyền thông nữa mà Bắc Giang đang áp dụng đó là các tài liệu, cẩm nang OCOP viết song ngữ để quảng bá tại các hội nghị xúc tiến cung cầu với EU, Quốc tế. Trong các chương trình này thì OCOP luôn được đưa ra để giới thiệu quảng bá, làm sao người ta biết được đến sản phẩm từ đó sẽ tăng sức tiêu thụ.

Hiệu quả mà chương trình OCOP mang lại thì đã rõ, thời gian tới Bắc Giang sẽ tiếp tục khai thác triệt để các tiềm năng của địa phương để làm OCOP, tăng chất lượng, số lượng, không dừng lại mà tất cả đều phải có lộ trình nâng hạng cả 4 sao và 5 sao để nâng cao chất của từng sản phẩm OCOP.

Cốt làm sao không cho dân được vật chất thì phải cho dân bằng cách làm thị trường để tăng lợi nhuận cho họ, lúc đó người dân mới theo chương trình. Đó là định hướng làm OCOP của Bắc Giang.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem