Trong 10 tháng đầu năm 2021 trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19 và tình hình dịch bệnh trên động vật phát sinh nhưng tín hiệu đáng mừng là xuất khẩu thịt trong 10 tháng đầu năm lại có sự tăng trưởng. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này?
- Chúng tôi đánh giá đây là kết quả rất tích cực. Đây là thành quả từ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của lãnh đạo Bộ NNPTNT cũng như việc tổ chức thực hiện của Cục Thú y và các đơn vị liên quan.
Cụ thể là trong nhiều năm qua lãnh đạo Bộ NNPTNT đã chỉ đạo tập trung xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để đáp ứng tiêu chí để xuất khẩu.
Thứ hai, Cục Thú y đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đàm phán với các nước để xuất khẩu.
Kết quả đối với các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh trên phạm vi cả nước, đã có trên 2.300 chuỗi, vùng chăn nuôi cấp huyện đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn Việt Nam cũng như nhiều chuỗi, vùng đang xây dựng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn thế giới.
Trong đó, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Bộ có đến 16 huyện của 5 tỉnh đạt an toàn dịch bệnh. Đây là vùng chăn nuôi phát triển nhất của cả nước. Do đó, cần đảm bảo nguồn cung để đưa vào sản xuất, chế biến các sản phẩm thịt xuất khẩu.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ NNPTNT, Cục Thú y đã đàm phán với các nước. Kết quả, đến thời điểm hiện nay chúng ta đã được xuất khẩu thịt gà chế biến sang 7 thị trường, gồm: Nhật Bản, Hồng Kông, Nga và các nước Á – Âu.
Hiện nay, Cục Thú y đang tích cực đàm phán với các nước khác và không chỉ có thịt gà chế biến và các sản phẩm chăn nuôi khác, kể cả thịt lợn choai, thịt lợn mảnh đã xuất khẩu sang một số nước hoặc trứng gia cầm và sản phẩm của trứng.
Đặc biệt, lần đầu tiên thịt bò chế biến chúng ta đã xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Để có kết quả này là nhờ sự chuẩn bị, vào cuộc chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NNPTNT và tổ chức thực hiện của Cục Thú y và các địa phương. Đặc biệt, là của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.
Một trong những điều kiện tiên quyết để xuất khẩu thịt sang các thị trường theo yêu cầu của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) là phải xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh, công việc này Cục Thú y đã triển khai như thế nào trong suốt những năm qua, thưa ông?
- Từ năm 2018 Cục Thú y đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ NNPTNT ký thỏa thuận hợp tác với OIE. Trên cơ sở đó, OIE hàng năm cử chuyên gia kỹ thuật sang phối hợp, giúp đỡ cho Việt Nam tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh.
Thứ hai, là Cục Thú y cũng tham khảo, sau đó dịch toàn bộ các quy định của OIE và quy định của các nước sang tiếng việt.
Đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn phổ biến cho các địa phương, doanh nghiệp nắm bắt yêu cầu của các nước cũng như quy định chung của OIE để tổ chức xây dựng các chuỗi, sản xuất sản phẩm chăn nuôi để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.
Thứ ba, Cục Thú y thường xuyên thành lập các tổ công tác, đội kỹ thuật xuống các địa phương, doanh nghiệp để hướng dẫn người chăn nuôi và các địa phương tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh.
Thứ tư, Cục Thú y đã xây dựng các chương trình về giám sát dịch bệnh và giám sát an toàn thực phẩm.
Tổ chức lấy mẫu kiểm tra, đánh giá và đồng thời làm các hồ sơ bao gồm: tài liệu để cung cấp cho các nước nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi để họ hiểu về quá trình tổ chức chăn nuôi của Việt Nam.
Đặc biệt, vai trò của hệ thống thú y các cấp trong việc kiểm soát dịch bệnh có đáp ứng yêu cầu của các nước và OIE hay không?
Trên cơ sở đó họ sẽ thành lập đoàn sang Việt Nam để kiểm tra thực tế, khi hồ sơ và kiểm tra thực tế đáp ứng yêu cầu thì OIE sẽ cùng Cục Thú y thống nhất mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch để xuất khẩu sản phẩm động vật của Việt Nam sang các nước.
Như ông vừa chia sẻ ở trên, trong vùng Đông Nam Bộ số lượng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh rất nhiều, vì sao tại đây lại có sự khác biệt như vậy?
- Trong nhiều năm qua, đặc biệt năm 2015, Bộ NNPTNT đã phê duyệt và tổ chức triển khai đề án thí điểm xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại 6 tỉnh Đông Nam Bộ. Kết quả đến thời điểm hiện nay đã có 16 huyện thuộc 5 tỉnh tại vùng này đạt an toàn dịch bệnh.
Hiện nay thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT tiếp tục chỉ đạo Cục Thú y xây dựng, trình Thủ tướng phê duyệt dự án xây dựng vùng chăn nuôi gia cầm và chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE để xuất khẩu.
Chúng tôi đặt mục tiêu từ nay đến 2025 sẽ xây dựng vùng chăn nuôi gia cầm của 33 huyện và 22 huyện chăn nuôi lợn của 6 tỉnh Đông Nam Bộ đạt vùng an toàn dịch bệnh.
Riêng gia cầm tại 6 tỉnh này hiện có 60 triệu con, dự kiến tăng lên khoảng 200 triệu con khi các chuỗi, doanh nghiệp đầu tư hết công suất.
Tương tự với đàn lợn hiện nay có khoảng 6 triệu con và dự kiến tăng lên 10 triệu con.
Như vậy, chúng ta có vùng chăn nuôi rất rộng lớn, đảm bảo an toàn dịch bệnh, đáp ứng các tiêu chí của OIE và yêu cầu của các nước, đảm bảo cung cấp nguồn cung các sản phẩm chăn nuôi phục vụ chế biến và xuất khẩu. Trước mắt ưu tiên tiên các sản phẩm chế biến và xuất khẩu trước.
Tại 1 diễn đàn kết nối nông sản mới đây, đại diện của 1 siêu thị đã chia sẻ rằng, nhập khẩu thịt của Việt Nam rất lớn. Ví dụ như bên Trung Quốc họ sẵn sang mua. Ông có khuyến cáo gì với doanh nghiệp để đón nhận cơ hội này?
- Thị trường Trung Quốc hay bất cứ thị trường nào về nguyên tắc họ chỉ chấp nhận nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, động vật có nguồn gốc từ quốc gia, vùng lãnh thổ, từ vùng an toàn dịch bệnh.
Với Việt Nam hiện nay, chúng ta chưa phải là quốc gia an toàn dịch bệnh mà chúng ta đang phấn đấu xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh.
Dự kiến, năm 2022 chúng ta sẽ có vùng chăn nuôi rộng lớn như vậy thì chắc chắn sản lượng và giá trị các sản phẩm chăn nuôi của chúng ta xuất khẩu sẽ tăng rất mạnh vào năm 2025.
Ông có kiến nghị chính sách gì cho lực lượng lượng thú y để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh?
- Một trong những điều kiện tiên quyết để các nước khi sang đánh giá việc tổ chức kiểm soát các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh thì lực lượng thú y các cấp, đặc biệt từ Trung ương xuống đến cấp tỉnh, huyện, xã thì phải theo đúng pháp luật của Việt Nam
Thứ hai, phải có đủ năng lực, khả năng để tổ chức kiểm soát dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền lây giữa động vật sang người, qua biên giới thì họ đều yêu cầu phải chứng minh bằng quy định của pháp luật.
Đồng thời, việc tổ chức triển khai thực tế cũng như 1 loạt thông tin, hồ sơ dữ liệu để chứng minh. Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị các địa phương cần tập trung triển khai tốt kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo triển khai thực hiện thời gian qua.
Thứ ba, đối với các cơ sở chăn nuôi cần phải xác định rõ và tổ chức nghiêm các chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh, nhất là lựa chọn các sản phẩm chăn nuôi có thế mạnh của đơn vị mình, của địa phương mình để tập trung đầu tư nguồn lực, xây dựng thành các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh để xuất khẩu.
Đối với các địa phương, trong nhiều giải pháp, chúng tôi đề nghị cần phải sớm kiện toàn, tăng cường năng lực hệ thống thú ý các cấp, đặc biệt cấp huyện, xã đảm bảo theo đúng quy định của Luật Thú y cũng như chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 414 ngày 22/3/2021.
Xin cảm ơn ông!.