Dân Việt

Bí thư TP.HCM: Chưa nắm hết được mầm bệnh Covid-19 trong cộng đồng

Bạch Dương 14/11/2021 10:12 GMT+7
Đánh giá tình hình dịch bệnh của TP.HCM trong thời gian gần đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, số F0 trên địa bàn TP đang tăng và thực tế còn nhiều hơn số liệu đã thống kê.
Bí thư TP.HCM: Chưa nắm hết được mầm bệnh Covid-19 trong cộng đồng - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: Huyền Mai


F0 cách ly tại nhà có xu hướng tăng

Theo báo cáo của Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng, trong 7 ngày vừa qua, một số địa phương trên địa bàn TP.HCM có số F0 tăng cao gồm: TP.Thủ Đức; các quận huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Bình Tân, 12 và Gò Vấp. Ghi nhận trong 3 ngày gần đây, huyện Bình Chánh và Hóc Môn là 2 nơi có nhiều trường hợp dương tính Covid-19 nhất.

"Phân tích biểu đồ diễn tiến ca bệnh Covid-19 tại các quận, huyện, có thể thấy, số F0 tại Bình Chánh có chiều hướng tăng và đang đi ngang trong thời gian gần đây. Hóc Môn có giai đoạn đạt đỉnh cao và hiện tại có tín hiệu đi xuống. Riêng Bình Tân và Gò Vấp vẫn đang ở mức cao và nằm ngang. Các địa phương có số ca không cao nhưng có xu hướng tăng bao gồm quận 10 và huyện Nhà Bè", ông Thượng phân tích thêm.

Về tình hình thu dung, điều trị, ông Thượng cho hay tính từ ngày 1/10 đến 12/11, số F0 cách ly tại nhà có xu hướng tăng, các ca chuyển nặng cần nhập viện có xu hướng giảm và ở mức thấp. Ngoài ra, số trường hợp thở máy xâm lấn duy trì ở mức ổn định, các ca thở máy không xâm lấn và thở oxy có xu hướng giảm nhẹ.

"Số ca cách ly tại nhà đang có chiều hướng tăng trong khi trường hợp tại cơ sở cách ly tại quận, huyện giảm dần vì TP đang thu hẹp các cơ sở này. Do đó, Sở Y tế kiến nghị Ban chỉ đạo sớm triển khai lại các khu cách ly quận, huyện và có thêm bệnh viện dã chiến để sẵn sàng thu dung, điều trị F0" - ông Thượng đề xuất.

Về tình hình tử vong do Covid-19, theo lãnh đạo Sở Y tế, số ca tử vong tại TP.HCM dao động trong khoảng 40 ca/ngày. Trong đó, trường hợp tử vong trên 65 tuổi chiếm 52%, tử vong do Covid-19 kèm bệnh nền chiếm 85%.

TP.Thủ Đức, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh, quận Tân Bình, quận 12 là các địa phương có số ca tử vong cao nhất trong 3 ngày qua (từ ngày 10 đến 12/11).

Bí thư Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, mặc dù đã phát hiện các ca dương tính qua tầm soát tại bệnh viện, xét nghiệm ngẫu nhiên, xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm nhưng không thể nắm hết được mầm bệnh đang lưu hành trong cộng đồng.


Bí thư TP.HCM: Chưa nắm hết được mầm bệnh Covid-19 trong cộng đồng - Ảnh 3.

TP.HCM kích hoạt lại mạng lưới Thầy thuốc đồng hành khi F0 gia tăng. Ảnh: SYT

Qua phân tích của Sở Y tế tại cuộc họp, tỷ lệ F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ là trên 90%, riêng tỉ lệ bệnh nhân trở nặng và tử vong có tăng nhẹ. Đặc biệt, số ca nhập viện cao hơn số ca xuất viện. "Nếu tình trạng này cứ kéo mãi thì không ổn. Do đó, từng địa bàn cần tính toán lại con số này để có phấn đấu, điều chỉnh bằng hành động", Bí thư lưu ý.

Nguồn lây từ người lao động dịch chuyển

Từ diễn biến trên, lãnh đạo Thành ủy nhận định, tình hình F0 hiện tại của TP.HCM đang tương tự thời kì đầu TP thực hiện Chỉ thị 10 (cuối tháng 6/2021), khá giống tình trạng Singapore giai đoạn tháng 7, tháng 8 cũng như xu hướng diễn biến của dịch bệnh của thế giới hiện nay. Tức là, nhiều nước dù có nền tảng y tế, tốc độ tiêm vaccine tốt nhưng khi mở cửa, nới lỏng giãn cách thì dịch bệnh lại bùng phát. Do đó, các địa phương cần lưu ý và nhìn lại để có tính toán hợp lý.

Về lý do khiến số lượng F0 gia tăng, Bí thư Thành ủy cho biết, nguyên nhân thấy rõ nhất là TP không còn thực hiện biện pháp giãn cách xã hội như trước. Việc tăng tiếp xúc trực tiếp trong cộng đồng đã dẫn đến việc lây nhiễm khó kiểm soát và kéo giảm như mong muốn. 

Thống kê cho thấy, nguồn lây chủ yếu từ nguồn người lao động dịch chuyển tại các Khu công nghiệp, doanh nghiệp, lao động tự do hoạt động tại các chợ tự phát,… 

Vì vậy, Sở Y tế cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích đánh giá. Riêng các địa phương khi phát hiện F0 phải điều tra nguồn lây để có biện pháp kéo giảm. "Nếu từng người dân đều chủ quan thì sẽ dẫn đến hậu quả", ông Nên nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu, tất cả các quy định, Nghị quyết, Chỉ thị, chủ trương, chính sách từ cấp trên phải được cụ thể thành các văn bản, trong đó nêu rõ quy định, tiêu chí, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của từng cá nhân, đơn vị.

Cụ thể, tại các cơ sở kinh doanh, cần có bộ tiêu chí kiểm soát cụ thể, quy định rõ ràng chủ cửa hàng phải làm gì, khách đến cửa hàng kiểm soát ra sao, mình giám sát như thế nào, khi vi phạm sẽ xử lý những gì,…


Bí thư TP.HCM: Chưa nắm hết được mầm bệnh Covid-19 trong cộng đồng - Ảnh 4.

Kiểm tra F0 cách ly tại nhà ở huyện Nhà Bè. Ảnh: HCDC

Về củng cố hệ thống y tế, Bí thư đề nghị Sở Y tế tiếp tục hoàn thiện các quy định, kịp thời báo cáo với cấp trên. Trong đó, cần đề cập chế độ chính sách trạm y tế, tổ y tế cộng đồng; phương án huy động sức mạnh các nguồn lực công, tư, thiện nguyện; quy định rõ về vaccine, xét nghiệm, thuốc, đường dây nóng, công tác thu dung điều trị;…

Bên cạnh đó, việc hướng dẫn F0 tại nhà cần được thực hiện rõ ràng, giúp người dân hiểu nên làm gì khi biết bản thân nhiễm bệnh. Các địa phương cũng cần rà soát, kiểm tra số F0 đang điều trị tại nhà để quản lý và hỗ trợ.

Trước thực trạng ngành y tế phải bàn giao lại trường học cho các cơ sở giáo dục dẫn đến việc thu dung khó khăn, địa phương cần tính toán phục hồi lại các bệnh viện dã chiến. Bởi số F0 là lao động tự do, sinh sống tại khu nhà trọ không có điều kiện cách ly tại TP.HCM còn rất nhiều.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM hướng dẫn, khi người dân nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 nên đi thẳng về nhà hoặc nơi lưu trú bằng xe cá nhân, không nên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Luôn đeo khẩu trang y tế trong suốt quá trình di chuyển và giữ khoảng cách an toàn với người khác.

Khi về đến nhà, chọn nơi tự cách ly phù hợp và bắt đầu cách ly, gọi điện thoại khai báo với trạm y tế hoặc tổ Covid-19 cộng đồng hoặc trưởng ấp, khu phố, tổ dân phố, tổ nhân dân trên địa bàn cư trú để được hướng dẫn tiếp theo