Lỗ hổng nghiêm trọng từ trạm y tế phường, xã (bài 3): Nhiều giải pháp nhưng khi nào triển khai?

Bạch Dương Chủ nhật, ngày 14/11/2021 06:00 AM (GMT+7)
Các chuyên gia cho rằng, TP.HCM ở trạng thái "bình thường mới" có thể xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm nên phải tăng năng lực khám chữa bệnh cấp phường xã để người dân được điều trị sớm nhất, giảm áp lực tuyến cuối.
Bình luận 0
"Lỗ hổng" nghiêm trọng từ trạm y tế phường, xã: (Bài 3) Nhiều giải pháp nhưng khi nào triển khai? - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại huyện Bình Chánh. Ảnh: HCDC

Trạm y tế phải có được niềm tin của dân nhưng lại là điểm yếu nhất

Bác sĩ Lê Trường Giang - Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM cho biết, khi dịch xảy ra mới thấy tầm quan trọng của y tế dự phòng cũng như những yếu kém của y tế cơ sở. Trạm y tế phải có được niềm tin của dân để dân ở lại nhưng đây là điểm yếu: Thiếu cán bộ y tế cả về số lượng và chất lượng.

"Quy định biên chế trạm y tế có từ 5 - 10 người chỉ phù hợp với phường xã khoảng 10.000 - 20.000 dân, trong khi nhiều phường ở TP.HCM có hơn 100.000 dân. Tôi kiến nghị tăng định biên cho trạm y tế phường xã theo quy mô và mật độ dân số, theo hướng từ 2.000 - 4.000 dân/1 biên chế", BS Giang đề xuất.

Đồng thời thay đổi cơ cấu cán bộ, đảm bảo trạm y tế phải có bác sĩ y học dự phòng, cử nhân y tế công cộng, dược tá, điều dưỡng, cán bộ phụ trách công nghệ thông tin và số liệu. Ở nơi có nhiều biên chế hơn sẽ có thêm bác sĩ gia đình... Cần có cơ chế, chính sách tăng thu nhập cho y bác sĩ cơ sở.

Quan trọng hơn, cần tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ phí đào tạo và có chỉ tiêu đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ trạm y tế giúp họ thăng tiến nghề nghiệp và nâng cao chất lượng hoạt động trạm y tế.

Về hoạt động khám chữa bệnh, trạm y tế cần có đủ thuốc, nhất là thuốc cho người mắc bệnh mãn tính, với nguyên tắc trạm y tế phải có đủ thuốc tốt như ở bệnh viện hạng cao nhất. Cùng với đó mở ra chính sách chăm sóc người bệnh tại nhà, trước tiên là người mắc bệnh mãn tính, người cao tuổi, người khó khăn trong việc đi lại...

Cần khuyến khích xã hội hóa các hoạt động của hệ thống y tế dự phòng từ trạm y tế, trung tâm y tế và trung tâm kiểm soát bệnh tật. Ngoài việc cho khám sức khỏe, khám chữa bệnh ngoài giờ, tiêm ngừa còn có chăm sóc tại nhà, cung ứng các dịch vụ hỗ trợ về y tế, phòng ngừa dịch bệnh... để nhân sự y tế cơ sở vừa làm tốt nhiệm vụ vừa cải thiện thu nhập.

Theo BS Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP cần tăng cường mạng lưới bác sĩ gia đình và trạm y tế đã phát huy rất hiệu quả trong thời gian qua khi chăm sóc F0 tại nhà. Mạng lưới này hiện không đồng bộ, chưa dựa vào quy mô người dân mà dựa vào cơ sở y tế. Có thể thực hiện trạm y tế liên phường tại những khu vực ít dân, tùy nguồn nhân lực có thể bố trí bác sĩ dự phòng, cử nhân y tế công cộng tại các trạm y tế.

"Ngành y tế cần có chế độ đãi ngộ và sử dụng, phân công những sinh viên vừa mới tốt nghiệp về làm ở tuyến y tế cơ sở luân phiên 1 - 2 năm. Việc này tạo nhân lực gối đầu, lúc nào y tế cơ sở cũng có những bác sĩ làm được công việc bác sĩ gia đình, cấp cứu"

PGS.TS Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y dược TP.HCM

PGS.TS Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y dược TP.HCM cho rằng, việc đào tạo bác sĩ cho tuyến y tế cơ sở cần tính đến việc đào tạo xong sử dụng như thế nào. Ngành y tế nên nghiên cứu quy định sinh viên ngành y sau khi tốt nghiệp sẽ có 12 - 18 tháng đào tạo tổng quát, nguyên lý bác sĩ gia đình và cấp cứu để khi có dịp sẽ đáp ứng ngay nguồn nhân lực.

Ngành y tế cần có chế độ đãi ngộ và sử dụng, phân công những sinh viên vừa mới tốt nghiệp về làm ở tuyến y tế cơ sở luân phiên 1 - 2 năm. Việc này tạo nhân lực gối đầu, lúc nào y tế cơ sở cũng có những bác sĩ làm được công việc bác sĩ gia đình, cấp cứu. 

Mặt khác, tạo cơ chế tăng lương để giữ chân bác sĩ. Đồng thời có cơ chế liên kết với bệnh viện tuyến trên để bác sĩ cơ sở có điều kiện lên tuyến trên học tập, nâng cao tay nghề.

"Một việc quan trọng là tiêu chí xét tặng Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú cần tính đến xét tặng cho các bác sĩ tuyến cơ sở. Nhất là những bác sĩ công tác ở vùng sâu, vùng xa rất xứng đáng", bác sĩ Tuấn chia sẻ.

"Lỗ hổng" nghiêm trọng từ trạm y tế phường, xã: (Bài 3) Nhiều giải pháp nhưng khi nào triển khai? - Ảnh 3.

Cấp cứu F0 tại nhà ở phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức. Ảnh: TYT Bình Chiểu

Những đề xuất sát sườn

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, Sở đã có tờ trình về đề xuất cơ chế chính sách củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, trong đó kiến nghị điều chỉnh tăng mức trần biên chế cho trạm y tế từ 10 lên 20 biên chế.

Ngoài 5 chức danh đã được quy định (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ) cần bổ sung thêm y sĩ đa khoa, y sĩ y học cổ truyền, kỹ thuật viên xét nghiệm, cử nhân y tế công cộng, cử nhân công nghệ thông tin cho trạm y tế.

Quan trọng hơn, ông Thượng nhấn mạnh đến các chính sách giữ chân và tăng cường nguồn lực cho các trạm y tế. "Trước giờ sinh viên y khoa tốt nghiệp không ai về thực hành, công tác tại trạm y tế. Có trường gửi sinh viên về thực hành thì cũng chỉ chọn các trung tâm y tế lớn chứ không về trạm", ông Thượng nói.

Vì thế, Sở đề xuất cho phép thí điểm thực hành 18 tháng để cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ mới tốt nghiệp. Theo đó, thay vì các bác sĩ mới tốt nghiệp phải đăng ký và chịu hoàn toàn chi phí thực hành 18 tháng tại các bệnh viện, Sở Y tế kiến nghị cho phép các bác sĩ mới tốt nghiệp thực hành xen kẽ 12 tháng tại y tế cơ sở (trung tâm y tế và trạm y tế) và 6 tháng tại các bệnh viện.

Trong thời gian thực hành, các bác sĩ sẽ được thành phố hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt, mức hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng. Áp dụng tương tự cho điều dưỡng mới tốt nghiệp với thời gian thực hành là 9 tháng tại y tế cơ sở.

"Lỗ hổng" nghiêm trọng từ trạm y tế phường, xã: (Bài 3) Nhiều giải pháp nhưng khi nào triển khai? - Ảnh 4.

Khám bệnh cho người cao tuổi trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Trạm y tế phường Bình Chiểu. Ảnh: TYT Bình Chiểu

Kiến nghị TP có chính sách hỗ trợ thu nhập đối với bác sĩ, nhân viên y tế khác đã nghỉ hưu và lực lượng tình nguyện viên tham gia công tác tại trạm y tế từ 1 - 2 lần mức lương tối thiểu tùy từng vị trí. Đồng thời, hỗ trợ bác sĩ tại trạm y tế 5 triệu đồng/tháng; cử nhân đại học, y sĩ 4 triệu đồng/tháng; cao đẳng, trung cấp 3 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, Sở Y tế đề xuất đổi mới cơ cấu và tổ chức trạm y tế, không phân bổ trạm y tế theo hệ thống hành chính (mỗi phường, xã, thị trấn có 1 trạm y tế) mà theo khu vực và quy mô dân số (cứ mỗi khu vực có 10.000 dân thì có một trạm y tế). Đồng thời, chuyển trạm y tế phường, xã, thị trấn, trung tâm y tế và bệnh viện quận, huyện từ trực thuộc Sở Y tế trở về trực thuộc UBND quận, huyện…

Ông Thượng bày tỏ rất mong TP xem xét cơ chế đặc thù, giải quyết sớm tờ trình của Sở về đề xuất cơ chế chính sách củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở vì "TP phải đi đầu về vấn đề này".

"Tăng định biên cộng thêm hỗ trợ thu nhập, ký hợp đồng với người đã nghỉ hưu… thì hy vọng sẽ có nguồn nhân lực cho các trạm y tế", ông Thượng nói. Đồng thời, ông Thượng cũng nhấn mạnh đến việc nếu được triển khai sớm chương trình thực hành tại y tế cơ sở cho bác sĩ tốt nghiệp, mỗi năm sẽ có được 400 bác sĩ đến các trạm y tế, trung tâm y tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem