Ưu tiên chăm sóc trẻ mồ côi
Thời gian vừa qua, do tác động của đại dịch Covid-19, trên thế giới đã có khoảng 1,5 triệu trẻ em bị mồ côi. Ở Việt Nam cho đến nay đã có 2.532 trẻ em bị mồ côi, trong đó 81 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Mới đây, trong phiên chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, bộ đã chủ động để ban hành các chính sách liên quan đến trẻ em nói chung và các đối tượng bảo trợ nói riêng. Trong đó Bộ LĐTBXH đã thay thế Nghị định 136 bằng Nghị định 20. Nghị định 20 có hiệu lực từ 1/7/2021, quy định cụ thể hơn các chính sách hỗ trợ với đối tượng bảo trợ là trẻ em mồ côi. Cùng với đó, hiện Việt Nam cũng có quy định về chính sách đối với trẻ em được hưởng các chính sách trong các làng SOS. Trước khi ban hành chính sách này, Bộ LĐTBXH có tham khảo mức chung hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Ông Dung cho rằng, so với chính sách quốc tế thì các chính sách chăm sóc trẻ em mồ côi của Việt Nam cũng tương đối đồng bộ. Hiện mức hỗ trợ trung bình của thế giới vào khoảng 1,1 - 1,8 triệu đồng/trẻ, Việt Nam cũng đang duy trì mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/trẻ. Mức này áp dụng với các em dưới 4 tuổi có người thân đỡ đầu, chăm sóc.
"Thời gian tới Bộ LĐTBXH cùng ngành công an và các cơ quan chức năng phấn đấu để thực hiện "3 nhất", đó là: Phát hiện sớm nhất, xử lý nghiêm minh nhất và chăm sóc, hỗ trợ các em bị tổn thương nhanh nhất, nhiều nhất và tốt nhất".
Ông Đào Ngọc Dung
Thời gian qua, Việt Nam áp dụng tất cả các chính sách hiện có để hỗ trợ trẻ em mồ côi, đặc biệt là 81 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ngoài các chính sách được Chính phủ ban hành, Bộ LĐTBXH cũng đã huy động thêm các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, các cá nhân hỗ trợ thêm cả vật chất lẫn tinh thần cho các cháu. Riêng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cũng hỗ trợ tất cả các cháu mồ côi cha hoặc mẹ 5 triệu đồng. Riêng các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ thì được cấp một sổ tiết kiệm 20 triệu đồng.
Ông Dung cho biết, Bộ LĐTBXH đã nhiều lần làm việc với các địa phương để quán triệt công tác chăm sóc và bảo vệ các em. Phương châm là vận động để mọi cháu đều có mái ấm gia đình, đều có người thân để đỡ đầu. Thông tin cho thấy đến nay cả 81 em mất cả cha lẫn mẹ đều đang sống với người thân. "Bộ LĐTBXH cũng đã làm việc với Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, trong trường hợp các cháu không còn người thân thì sẽ có các mẹ đỡ đầu các cháu"- Bộ trưởng nói thêm.
Bảo vệ trẻ em bị xâm hại
Không chỉ quan tâm chăm sóc trẻ em mồ côi, Bộ LĐTBXH cũng đang nỗ lực để hỗ trợ, hạn chế tình trạng xâm hại, lạm dụng trẻ em.
Khi Covid-19 bùng phát, trẻ em buộc phải học online, thời gian tiếp cận Internet càng nhiều nguy cơ bị xâm hại, quấy rối trên mạng càng lớn. Báo cáo Đánh giá đe dọa toàn cầu năm 2021 của WeProtect - phong trào tập hợp hơn 200 chính phủ và các công ty, tổ chức dân sự để thay đổi phản ứng toàn cầu đối với tình trạng bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em trên mạng - đưa ra giữa tháng 10/2021 cho thấy, hai năm qua "Covid-19 đã tạo ra một "cơn bão hoàn hảo" để thúc đẩy sự gia tăng lạm dụng và bóc lột tình dục trẻ em trên toàn cầu".
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Đường dây nóng Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, từ tháng 5 đến tháng 8/2021, trung bình mỗi tháng tiếp nhận khoảng 600 ca xâm hại và bạo lực, tăng gần 1,5 lần so với 3 tháng đầu năm. Năm 2020, số cuộc gọi tư vấn chuyên sâu ở nội dung xâm hại, bạo lực chiếm hơn 47%, tăng 7,2% so với năm 2019.
Nhiều ca bạo lực, xâm hại diễn ra trên môi trường mạng. Các em bị lợi dụng chụp ảnh nóng, khoe ảnh hở hang, rồi bị chiếm đoạt ảnh để sử dụng vào mục đích xấu.
Mới đây, trong phiên trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận thực trạng đáng báo động này. Ông dung cho biết, quan niệm của các nước về vấn đề xâm hại, bạo lực rất khác nhau. Các tổ chức quốc tế, nhất là UNICEF đánh giá về xâm hại trẻ em trên thế giới xấp xỉ khoảng 30%.
Hiện Việt Nam chưa có những cuộc điều tra tổng thể cả nước về xâm hại trẻ em, tuy nhiên thời gian vừa qua UNICEF cùng với Bộ LĐTBXH và Tổ chức Lao động quốc tế cũng đã điều tra bước đầu ở một số địa phương thì cho thấy kết quả xâm hại, bạo lực tình dục trẻ em Việt Nam tương đương với các nước ở châu Á, không cao hơn nhưng cũng không thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, tình trạng này gia tăng trong dịch Covid-19.
Bộ luật Hình sự, Nghị quyết 05 của Chính phủ và cả Luật Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng có quy định về việc xem xét, và xử lý tội lạm dụng trẻ em. Hệ thống pháp luật tương đối rõ rồi nhưng về tính chất thì chưa đủ sức răn đe, chắc chắn phải điều chỉnh các quy định này.