Giá phân bón, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng
Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh (An Giang) phản ánh việc nền nông nghiệp luôn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Minh chứng như trong vụ đông xuân 2020-2021, chi phí phân, thuốc cho 1ha khoảng 12 - 12,5 triệu đồng. Với giá lúa cao của mùa vụ đó từ 7.000 - 7.400 đồng/kg, người dân sản xuất đạt năng suất từ 2,3 - 2,5 tấn/ha thì hòa vốn, nếu từ 2,5 tấn/ha trở lên thì có lợi nhuận.
Vụ thu đông năm nay, chi phí phân, thuốc cho 1 ha vào khoảng 17,5 triệu đồng, với giá lúa dao động từ 5.100 - 5.200 đồng/kg thì người dân cần sản xuất đạt năng suất từ 4,4 - 4,5 tấn/ha mới có thể hòa vốn, nếu muốn có lợi nhuận thì cần đạt trên 4,5 tấn/ha.
Như vậy, theo đại biểu Sinh, chi phí các nguyên liệu đầu vào như phân, thuốc trong sản xuất lúa gần đây lên rất cao và mức chi phí chênh lệch lên đến 5,4 triệu đồng. Cụ thể, giá phân urê 290.000 đồng/bao tại thời điểm vụ đông xuân 2020 - 2021 thì hiện nay có giá là 975.000 - 1 triệu đồng/bao, tăng khoảng 245%. Phân DAP giá từ 550.000 đồng/bao thì hiện là 1.150.000 đồng/bao, tăng 109%. Phân kali từ 330.000 đồng 1 bao tăng lên 800.000 đồng/bao, tăng 143%. Như vậy, với bài toán tăng giá thì người nông dân gặp quá nhiều khó khăn.
Đại biểu Trình Lam Sinh kiến nghị Chính phủ cần sớm có quỹ bình ổn giá đối với sản phẩm lúa gạo và cá tra nhằm giúp cho các ngành hàng này tránh được những tác động bất lợi của thị trường, phát triển bền vững trong thời gian tới.
Từ những tâm tư của người nông dân, cử tri, đại biểu Sinh đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành cần có giải pháp bình ổn giá nguyên liệu đầu vào trong sản xuất nông nghiệp như là vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, chế phẩm sinh học... để giúp cho người nông dân sản xuất có lợi nhuận trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 như hiện nay.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay giá phân bón và nhiều mặt hàng thiết yếu không ngừng tăng cao, vô hình chung đẩy người nông dân vào thế đã khổ nay càng thêm khổ. "Đơn cử như giá phân bón sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu đều tăng cao, trung bình các mặt hàng tăng giá từ 60 - 80% và dự báo còn tăng cao. Giá mặt hàng thức ăn chăn nuôi cũng vậy" - bà Hương nêu thực tế.
Trong bối cảnh giá các vật tư đầu vào liên tục tăng cao thì giá sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi lại rất bấp bênh, đặt ra nhiều thách thức cho người nông dân trong việc tiếp tục duy trì sản xuất. "Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến an ninh lương thực của khu vực và sự phát triển của khu vực ĐBSCL trong thời gian tới" - đại biểu Hương nhận định, và đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cũng như các bộ ngành trung ương quan tâm và trước mắt có giải pháp hạ giá phân bón nói riêng và bình ổn các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nói chung một cách căn cơ. Từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn nhiều hơn cho bà con nông dân trong thời gian tới.
Liên quan đến đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, đại biểu Hương đề nghị Bộ NNPTNT cần có chiến lược tăng cường phối hợp với các bộ ngành liên quan để triển khai xây dựng các mô hình mới kết nối với cung cầu. Đồng thời tăng cường liên kết vùng một cách hiệu quả hơn, xây dựng chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách chính quy, chuyên nghiệp...
Cần đưa phân bón vào danh mục chịu thuế VAT
Nói về giải pháp bình ổn giá phân bón và vật tư nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đây là lĩnh vực luôn được Bộ Công Thương chú trọng chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời đề xuất, áp dụng nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất có lãi, qua đó nâng cao đời sống ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên thời gian qua, giá phân bón, vật tư nông nghiệp vẫn tăng cao là do giá nguyên liệu đầu vào, chủ yếu là nhập khẩu và chi phí vận tải logistics do giãn cách xã hội tăng cao.
"Mặt hàng phân bón không thuộc danh mục chịu thuế VAT nên các nguyên vật liệu đầu vào không được khấu trừ thuế cũng làm tăng giá thành sản phẩm. Nhu cầu tiêu thụ mặt hàng phân bón của thế giới tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Bộ trưởng cho biết, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp như đã làm thời gian qua, đồng thời tiếp tục phối hợp tốt hơn các bộ, ngành, địa phương để có các giải pháp hiệu quả hơn trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm. Bộ trưởng Diên đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng để mặt hàng phân bón được bổ sung vào danh mục chịu thuế VAT, giúp cho mặt hàng này có cơ hội giảm giá và nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.