Dân Việt

Bình Dương: Tìm lại hồn xưa lưu dấu trên đất cù lao trù phú Tân Uyên

Trần Khánh 16/11/2021 10:28 GMT+7
Trên dòng sông Đồng Nai hiền hòa, cù lao Rùa và cù lao Bạch Đằng sở hữu những vườn cây xanh mát. Cùng với những di tích lịch sử - văn hóa đặc sắc, làng quê trù trên những dải đất cù lao khiến bước chân du khách lưu luyến không muốn rời, mỗi khi có dịp về với vùng đất thị xã Tân Uyên.

Theo quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương, thị xã Tân Uyên được chọn làm điểm phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, kết hợp với điểm nhấn là tham quan di tích  trên cù lao Rùa và cù lao Bạch Đằng. 

Hồn xưa lưu dấu trên đất cù lao

Đất Đồng Nai xưa thường được ví là vùng đất tứ linh với long – lân – quy – phụng. Sông Đồng Nai như thể con rồng uốn lượn, mà đầu rồng ở phía núi Bửu Long, đuôi rồng là núi Châu Thới.

Ở ngay bên cạnh "đầu rồng", dòng Đồng Nai chia làm 2 nhánh ôm lấy cù lao Rùa. Nhìn từ trên cao, cù lao Rùa chập chờn giữa dòng Đồng Nai như linh quy đùa giỡn trong sóng nước. 

Theo địa giới hành chánh ngày nay, cù lao Rùa chính là xã Thạnh Hội, thuộc thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Cù lao Rùa có thể không dành cho những ai ưa thích sự náo nhiệt. Còn muốn tìm đến 1 vùng quê yên ả miền Đông Nam bộ, cù lao Rùa là lựa chọn thú vị

Cù lao Rùa phủ một màu xanh mát bỡi những cánh đồng hành, bạc hà và ruộng lúa. Ảnh: Trần Khánh

Cù lao Rùa phủ một màu xanh mát bỡi những cánh đồng hành, bạc hà và ruộng lúa. Ảnh: Trần Khánh

Hòa mình theo tiếng gió rì rào, tiếng sóng vỗ bờ sông, du khách đi vào cù lao Rùa như lạc vào khoảng thời gian xa xưa của Nam bộ của đầu thế kỷ 20. Hay xa hơn nữa là thuở cha ông đi mở cõi, dựng làng, lập ấp mà những đình Thành Hoàng còn trường tồn đến hôm nay.

Trải qua nhiều thăng trầm, đình thần Nhựt Thạnh vẫn ấp ủ trong mình quá khứ hàng trăm năm với những nghi lễ tín ngưỡng độc đáo, do bao lớp cư dân bản địa còn gìn giữ.

Ngay mặt tiền của đình thần, người ta thấy ghi con số năm 1959 nhưng đó chỉ là năm mà đình được trùng tu. Còn theo sử sách, đình thần được xây dựng từ những đầu thế kỷ XIX. Qua nhiều đợt sửa chữa, năm 1957, ngôi đình được đại tu trong, đến năm 1959 mới hoàn thành. 

Một vùng trời, nước thanh bình ở cù lao Rùa. Ảnh: Trần Khánh

Một vùng trời, nước thanh bình ở cù lao Rùa. Ảnh: Trần Khánh

Ông Đỗ Ngọc Tài (Ban quản lý đình thần Nhựt Thạnh) kể, hơn một thế kỷ trôi qua, ngôi đình vẫn giữ được nét xưa.

Mặt tiền trang trí là những con vật như rồng, hổ, ngựa, cá chép, kỳ lân; được cẩn bằng nhiều mảnh gốm cổ tạo nên vẻ đẹp độc đáo của đình. Đó cũng là những đường nét thể hiện óc sáng tạo của các nghệ nhân địa phương thời buổi đầu lập làng, lập ấp. 

Đình thần Nhựt Thạnh pha trộn phong cách Trung Hoa với tính cách Nam Bộ qua hình dáng kiến trúc 2 gian 3 chái với nhiều chi tiết trang trí đẹp mắt.

Dẫu bề ngoài được phủ bởi màu sơn mới của đợt trung tu, ngôi đình vẫn giữ được gần như nguyên vẹn những đồ thờ cúng: trống, chiên, mõ, sắc phong.

Đình thần Nhựt Thạnh còn có tên gọi khác là Nhựt Thạnh cổ miếu xây dựng khoảng năm 1848, còn lưu giữ Sắc phong của vua Tự Đức ban vào năm 1852. Ảnh: Sở VHTTDL Bình Dương

Đình thần Nhựt Thạnh còn có tên gọi khác là Nhựt Thạnh cổ miếu xây dựng khoảng năm 1848, còn lưu giữ Sắc phong của vua Tự Đức ban vào năm 1852. Ảnh: Sở VHTTDL Bình Dương

Ngày nay, ngôi đình vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân bản địa. Các nghi lễ cúng đình, lễ tống phong xa xưa vẫn được truyền lại qua lễ Kỳ Yên hàng năm.   

"Trong cái tất bật của cuộc sống hôm nay, ai muốn tìm cho mình chút thư thả cuối tuần hãy về cù lao Rùa. Ai muốn tìm cho mình không gian đậm chất cổ xưa, hoài niệm thì về đình thần Nhựt Thạnh", ông Tài chia sẻ.

Những giá trị văn hóa lịch sử buổi đầu khai hoang lập ấp cũng có thể được tìm thấy ở đình Tân Trạch, ngôi đình lớn nhất trên cù lao Bạch Đằng (xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên).

Đình Tân Trạch có lịch sử hình thành gần 200 năm và đã được xếp hạng di tích lịch sử văn háo cấp tỉnh năm 2007. 

Đình xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ Đinh, mái lợp ngói âm dương. Toàn bộ khung sườn từ kèo, cột, xuyên trính đều được làm bằng các loại gỗ quý từ chính đất rừng Bình Dương.

Nhà cổ Đỗ Cao Thứa. Ảnh: Sở VHTTDL Bình Dương

Nhà cổ Đỗ Cao Thứa. Ảnh: Sở VHTTDL Bình Dương

Đặc biệt, đất cù lao Bạch Đằng này còn cuốn hút du khách bằng những ngôi nhà cổ hết sức giá trị như nhà cổ Đỗ Cao Thứa hay nhà cổ Dương Văn Hổ.

Nhà cổ Đỗ Cao Thứa được xây dựng cuối thế kỷ XIX, mang đậm kiểu cách nhà vườn Nam bộ xưa.

Bên ngoài khuôn viên, nhà cổ hòa mình giữa không gian yên bình của cuộc sống nơi làng quê với mảnh vườn xanh ngát của cây ăn trái, của những chậu hoa kiểng được bố trí hài hòa. 

Nhìn ngoài đơn giản, nhưng khi bước chân vào bên trong, du khách mới thấy hêt sự bề thế, sang trọng. Các loại gỗ quý dùng làm nhà vẫn vẫn còn kiên cố, với những nét hoa văn chạm trổ công phu, tinh xảo

Nhà cổ Dương Văn Hổ. Ảnh: Sở VHTTDL Bình Dương

Nhà cổ Dương Văn Hổ. Ảnh: Sở VHTTDL Bình Dương

Tương tự, nhà cổ Dương Văn Hổ cũng đã hơn 100 năm tuổi, vẫn được các thế hệ con cháu họ Dương gìn giữ. Ngôi nhà trở thành 1 trong những di tích nhà cổ có lối kiến trúc gỗ độc đáo, hiếm hoi còn bảo tồn tương đối nguyên vẹn trên vùng đất Bình Dương ngày nay.

Du lịch sinh thái vườn 

Đã đặt chân lên đất cù lao Bạch Đằng (xã Bạch Đằng) thì một điểm đến không thể thiếu chính là những vườn bưởi xanh mát của người dân trong làng.  

Được phù sa bồi đắp, thổ nhưỡng ở cù lao này rất thích hợp để cây bưởi phát triển. Đây là nơi ươm mầm của các giống bưởi truyền thống như bưởi thanh trà, bưởi đường da láng, bưởi đường lá cam, bưởi ổi

Toàn xã Bạch Đằng có gần 500 hộ dân trồng bưởi với diện tích 400ha. Nhờ ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP, sản xuất hữu cơ, trái bưởi nơi đây ngày càng ngon đều quả.

Nông dân trồng đặc sản bưởi đường lá cam trên cù lao Bạch Đằng. Ảnh: Khải Anh

Nông dân trồng đặc sản bưởi đường lá cam trên cù lao Bạch Đằng. Ảnh: Khải Anh

Ông Dương Văn Minh, nông dân trồng bưởi lâu năm trong làng kể, việc mở rộng các loại hình dịch vụ giúp tăng thêm thu nhập cho nông dân trên vườn bưởi của mình.

Vì thế, khi TX.Tân Uyên có chủ trương tổ chức tuyến du lịch sinh thái tại các vườn bưởi thì nông dân rất vui mừng. Người dân tìm thêm được cơ hội để thay đổi cuộc sống.

Không chỉ tận hưởng hương vị của trái bưởi đặc sản, du khách còn được thưởng thức nhiều sản phẩm khác làm từ bưởi như mứt bưởi, chè bưởi.

Hoặc ngồi bên bờ sông mát dịu, ăn miếng gỏi bưởi được làm từ những múi bưởi mọng nước, rồi nhấp nháp chút rượu cũng làm từ bưởi thì thú vị vô cùng.

"Rồi thêm những bài đàn ca tài tử mộc mạc, chân tình càng thêm cuốn hút lòng người ngay dưới những vườn bưởi sai cành trĩu quả", ông Dương giới thiệu.

Mời gọi đầu tư du lịch

Thị xã Tân Uyên hiện có 10 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia và 9 di tích cấp tỉnh, hàng năm thu hút khoảng 20.000 lượt khách tham quan.

Phát huy giá trị các di tích lịch sử, kết hợp lợi thế du lịch sinh thái nhà vườn là hướng đi mà thị xã Tân Uyên đang mời gọi đầu tư.  

Một góc dự án khu du lịch sinh thái Mekong Golf & Villas tại Cù lao Bạch Đằng, TX. Tân Uyên. Ảnh: TX.Tân Uyên

Một góc dự án khu du lịch sinh thái Mekong Golf & Villas tại cù lao Bạch Đằng, TX.Tân Uyên. Ảnh: TX.Tân Uyên

Ông Đoàn Hồng Tươi - Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên cho biết, thị xã có 2 tuyến du lịch. Sắp tới, địa phương sẽ tạo thêm ra 3-4 tuyến du lịch khác nữa để thu hút và mời gọi đầu tư vào du lịch.

Cùng với việc trung tu, gìn giữ các di tích, việc mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư dịch vụ du lịch tại thị xã sẽ góp phần quan trọng vào phát triển cơ sở vật chất, hệ thống dịch vụ du lịch trên địa bàn.

Thị xã Tân Uyên vừa ban hành kế hoạch chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030.  Kế hoạch đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, thị xã phấn đấu thu hút khoảng 145.700 lượt khách khách tham quan và lưu trú. Đến năm 2030, thị xã phấn đấu thu hút 205.700 lượt khách.

"Trước đây, du khách đến thị xã Tân Uyên chỉ lưu trú trong vòng 1 ngày. Kế hoạch sắp tới  phải lôi kéo du khách đến Tân Uyên thì ở lại từ 2-3 ngày", ông Tươi nói.

Kết nối các sản phẩm du lịch chính là giải pháp để thực hiện tốt mục tiêu trên. Theo đó, thị xã sẽ kết nối các đơn vị lữ hành trong và ngoài địa bàn; kết nối tuyến du lịch ven sông Đông Nai; xây dựng các tour du lịch sinh thái kết nối với các điểm di tích lịch sử - văn hóa và các đình, chùa, miếu trên địa bàn thị xã.

"Sau khi các tuyến du lịch được hình thành, thị xã sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp; tạo thành bức tranh tổng thể các tour tuyến, gắn kết liên hoàn du lịch trong và ngoài tỉnh", ông Tươi chia sẻ.