Đột phá vào công nghệ cao, nông nghiệp Bình Dương thích ứng với thị trường, mang lại hiệu quả cao

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 13/10/2021 09:09 AM (GMT+7)
Là địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhưng dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng nông sản của Bình Dương bộc lộ những hạn chế nhất định. Giai đoạn bình thường mới, Bình Dương xác định sẽ tiếp tục khắc phục khó khăn để nông nghiệp công nghệ cao có giải pháp kết nối và thích ứng tốt hơn với thị trường.
Bình luận 0

Nông nghiệp công nghệ cao Bình Dương thích ứng thị trường

Phát triển mạnh mô hình công nghệ cao

Nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Dương đang tập trung phát triển khá mạnh ở các huyện phía Bắc của tỉnh.

HTX cây ăn quả Tân Mỹ là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả ở huyện chuyên canh cây có múi Bắc Tân Uyên. Với diện tích trên 60ha, HTX trồng chủ yếu bưởi, cam, quýt với tổng sản lượng trên 300 tấn/năm.

Ông Lê Minh Sang - Giám đốc HTX Tân Mỹ kể, trước dịch Covid-19, tổng doanh thu trung bình hàng năm của HTX đạt 10 tỷ đồng. HTX giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/tháng/người.

Trong năm 2021, HTX Tân Mỹ tiếp tục ứng dụng nông nghiệp thông minh để phát triển mô hình dưa lưới công nghệ cao. HTX Tân Mỹ đang có 14ha dưa lưới với 10 nhà màng.    

HTX Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên ứng dụng nông nghiệp thông minh để phát triển mô hình dưa lưới công nghệ cao. Ảnh: Hiếu Thuần

HTX Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên ứng dụng nông nghiệp thông minh để phát triển mô hình dưa lưới công nghệ cao. Ảnh: Hiếu Thuần

Theo ông Sang, nông nghiệp thông minh có thể hiểu là việc ứng dụng tin học và kết nối điện toán đám mây vào trong sản xuất. Từ đó, nông dân có thể quản lý và chăm sóc trang trại một cách thông minh thông qua việc sử dụng nước tưới, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật một cách hợp lý.

Việc ứng dụng công nghệ IoT (Internet of Things - hệ thống kết nối các thiết bị, máy móc được điều khiển thông qua internet) trong nhà màng không chỉ khắc phục được tính mùa vụ mà còn đảm bảo cho năng suất cao, chất lượng; vừa sạch tránh được côn trùng và các loại sâu bệnh.

"Với số vốn đầu tư 400 triệu đồng/1.000m2 dưa lưới, mỗi năm HTX thu hoạch 4 vụ dưa lưới. Mỗi vụ có thể thu được 100 triệu đồng", ông Sang kể.

Dưa lưới cũng là mặt hàng nông nghiệp công nghệ cao thế mạnh của huyện Phú Giáo. Bà Nguyễn Thị Trường, thành viên HTX công nghệ cao dưa lưới Kim Long kể mình trồng dưa lưới được 2 năm nay.

Nhờ đội ngũ cán bộ của HTX hỗ trợ, bà Trường đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật trồng dưa lưới. Bà Trường cho biết, công nghệ tiên tiến cùng với chăm bón bằng phân hữu cơ sinh học nên sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng trái tốt nhất để ra thị trường.

"Nếu chăm sóc tốt, dưa lưới có thể  trọng lượng từ 1,5-1,9 kg/trái. 1.000m2 có thể cho năng 4 tấn dưa mỗi vụ", bà Trường kể.

Xã viên HTX công nghệ cao dưa lưới Kim Long, huyện Phú Giáo chăm sóc vườn dưa lưới Ảnh: Hiếu Thuần

Xã viên HTX công nghệ cao dưa lưới Kim Long, huyện Phú Giáo chăm sóc vườn dưa lưới Ảnh: Hiếu Thuần

Ông Nguyễn Hồng Quyết - Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long kể, HTX hiện có hơn 50 thành viên. Quy trình hoạt động của HTX được phân chia bài bản ra nhiều khâu từ hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức sản xuất, đến thu mua sản phẩm.

Tháng 2/2021 vừa qua, dưa lưới của HTX Kim Long đã đạt được chứng nhận GlobalGAP. Đồng thời, sản phẩm của HTX Kim Long cũng đã được tỉnh Bình Dương công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Theo ông Quyết, chứng nhận này là kết quả của nỗ lực cải thiện quy trình sản xuất kinh doanh, nhất là ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm chất lượng. 

"HTX Kim Long đang nỗ lực phấn đấu tiến lên chuẩn OCOP 5 sao. Khi đó sản phẩm sẽ có nhiều lợi thế hơn để tiến tới xuất khẩu", ông Quyết nói.

Thích ứng trị trường

Hiện nay, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân Bình Dương đang dần được phục hồi. Tuy nhiên sức mua thị trường vẫn ở mức thấp.

Ông Nguyễn Hồng Quyết chia sẻ, nhiều mặt hàng nông sản vẫn chưa phục hồi hoàn toàn chuỗi cung ứng. Giá bán giảm cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, khả năng tái sản xuất cho chu kỳ sản xuất tiếp theo.  

Hiện tại, HTX Kim Long không tập trung xuống giống dưa lưới 1 lần như các vụ trước. Thay vào đó, HTX lựa chọn phương án rải vụ nhằm giảm áp lực thu hoạch tại cùng một thời điểm, tranh gây ra ùn ứ, giảm giá trị.

Thu hoạch dưa lưới ở HTX công nghệ cao dưa lưới Kim Long, huyện Phú Giáo. Ảnh: Trần Khánh

Thu hoạch dưa lưới ở HTX công nghệ cao dưa lưới Kim Long, huyện Phú Giáo. Ảnh: Trần Khánh

HTX Kim Long cũng xây dựng "vùng xanh" trong sản xuất để tiếp tục cung ứng hàng hóa tới khách hàng. Theo đó, 1 nhóm công nhân ở lại nông trại vừa làm việc; 1 nhóm bên ngoài chỉ lo nhiệm vụ giao hàng.

"Tuy sản lượng được điều tiết giảm xuống, HTX vẫn nỗ lực cung ứng mỗi tháng 50 tấn dưa lưới chất lượng cao cho thị trường", ông Quyết cho hay.

Ông Lê Minh Sang - Giám đốc HTX Cây ăn quả Tân Mỹ cũng cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, có thời điểm HTX ùn ứ lên tới 50 tấn hàng.

Tuy nhiên, HTX và nông dân đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Sở NNPTNT thời gian qua, trong việc tìm các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Tính đến nay, tổng diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tỉnh Bình Dương đạt 6.200 ha. Toàn tỉnh có gần 100 hộ sản xuất được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt (khoảng 469ha); và có khoảng 600ha trồng trọt theo hướng hữu cơ...

(Nguồn Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương)

Ngoài sản phẩm chủ lực là bưởi da xanh, sắp tới đây, HTX Tân Mỹ sẽ tiếp tục đưa ra thị trường dòng đặc bản bưởi đường lá cam.

Theo ông Sang, nhờ ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào trong canh tác, bưởi đường lá cam của Bình Dương cũng không thua kém gì bưởi đường của Đồng Nai.

"Vì thế, HTX đề nghị chính quyền có chính sách hỗ trợ quảng bá và xúc tiến thương mại tốt hơn cho nông sản thế mạnh của tỉnh nhà", ông Sang đề nghị.

Bình Dương: Nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với thị trường - Ảnh 5.

Ông Lê Minh Sang - Giám đốc HTX Cây ăn quả Tân Mỹ thăm vườn dưa lưới. Ảnh Trần Khánh

Theo Sở NNPTNT Bình Dương, dù chỉ chiếm hơn 3% GDP toàn tỉnh, nhưng Bình Dương luôn chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.

Việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất các loại cây trồng có giá trị như dưa lưới, cây có múi, chuối... được nhiều cá nhân, tổ chức mạnh dạn đầu tư thâm canh, nhằm đem lại năng suất, chất lượng sản phẩm cao nhất.

Điểm đến lý tưởng cho đối tác

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt cho biết, diện tích cây ăn trái của tỉnh Bình Dương năm 2020 khoảng 10.000ha.

Vùng trồng cây ăn trái ở huyện Dầu Tiếng, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Vùng trồng cây ăn trái ở huyện Dầu Tiếng, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

So với các tỉnh khác như Tiền Giang với 80.000ha hoặc Vĩnh Long 60.000ha, diện tích cây ăn trái ở Bình Dương có thể không lớn.

Tuy nhiên, Bình Dương sở hữu thế mạnh đặc thù của các tỉnh miền Đông Nam Bộ là có diện tích tập trung các trang trại và HTX và được đầu tư phát triển theo hướng chuyên nghiệp.

Điều này tạo ra khả năng cung ứng lượng hàng hóa lớn theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Còn so với các tỉnh miền Đông như Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương cũng có lợi thế hơn hẳn về nông nghiệp công nghệ cao, nhất là lĩnh vực trồng cây rau màu.

Theo ông Tùng, TP.HCM là nơi tạo ra công nghệ, nhưng Bình Dương mới là tỉnh có thế mạnh tạo ra sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Các mô hình nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ trong nhà kính, nhà lưới, thuỷ canh của Bình Dương cũng phát triển hơn hẳn so với Đồng Nai, Tây Ninh.

Đây là lợi thế để Bình Dương cung ứng sản phẩm trong nội tỉnh, cho thị tường TP.HCM và cả xuất khẩu.

Thế nhưng, cũng theo ông Tùng, từ việc hàng hóa nông sản còn ùn ứ số lượng lớn trong đợt dịch Covid-19 bùng phát: "Có thể thấy thông tin kết nối giữa bên bán với bên mua ở Bình Dương vẫn còn rất thiếu".

Ông Tùng đề nghị, tỉnh Bình Dương cần khẩn trương phát huy các thế mạnh của mình. Bình Dương cần vẽ bản đồ quản lý vùng trồng để các HTX, trang trại, hộ nông dân định hướng trong từng mùa vụ.

"Khi đã đẩy mạnh sản xuất theo mô hình liên kết và đảm bảo các tiêu chuẩn ATTP thì không lo gì chuyện không bán được hàng", ông Tùng nhấn mạnh.

Bình Dương: Nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với thị trường - Ảnh 7.

Người dân ở TX.Thuận An đầu tư nhà kính trồng rau thủy canh. Ảnh: Trần Khánh

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng, Bình Dương còn rất nhiều tiềm năng thế mạnh khác để phát triển nông nghiệp như thủ công mỹ nghệ, du lịch sinh thái hoặc nông nghiệp hữu cơ...

Ngoài việc nỗ lực quảng bá, kết nối tiêu thụ; Bình Dương cần đẩy nhanh triển khai cấp mã số vùng trồng, phát triển nông nghiệp theo các tiêu chuẩn GAP.

"Từ thế mạnh nông nghiệp công nghệ cao của mình, Bình Dương phải phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành điểm đến tin tưởng để các đối tác yên tâm ký kết bao tiêu sản phẩm", Thứ trưởng Nam đề nghị.

Ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương xác định nông nghiệp vẫn luôn là ngành sản xuất quan trọng, cần tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.

Việc thực hiện tái cơ cấu, hướng tới phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển toàn diện, bền vững thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Việc triển khai các chính sách phát triển nông nghiệp cũng có những bước đột phá... Qua đó, Bình Dương đã tạo được cơ chế để thu hút doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, tạo nên sức bật mới.

Tuy nhiên, những đứt gãy của chuỗi cung ứng nông sản thời gian vừa qua cho thấy ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Kể cả nông nghiệp công nghệ cao cũng bị ảnh hưởng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, Bình Dương vẫn mong muốn được chào đón các doanh nghiệp tìm đến, để cùng xây dựng hướng đi chuyên nghiệp hơn, tạo ra chuỗi cung cấp sản phẩm hiệu quả.

"Đồng thời, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục khắc phục các hạn chế để giúp nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bình Dương tiếp cận tốt hơn với thị trường", ông Dũng chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem