Bình Dương: Ngày càng nhiều nông dân đầu tư tiền tỷ vào chăn nuôi gia cầm công nghệ cao

Trần Khánh Thứ tư, ngày 27/10/2021 12:16 PM (GMT+7)
Ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp ở Binh Dương phát triển vượt bậc. Cũng nhờ công nghệ cao mà ngành chăn nuôi Bình Dương chiếm tỷ trọng lớn ở khu vực Đông Nam Bộ.
Bình luận 0

Đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, không chỉ các doanh nghiệp lớn mà các trang trại tư nhân và nông hộ cũng đang tham gia ngày càng mạnh mẽ vào chăn nuôi công nghệ cao.

Nuôi gia cầm công nghệ lạnh

Ông Đinh Ngọc Khương, chủ cơ sở chăn nuôi gà giống theo quy trình công nghệ cao ở xã An Bình, huyện Phú Giáo kể, trước đây ông cũng nuôi gà gia công cho công ty nước ngoài.

Sau nhiều năm làm và rút kinh nghiệm cho bản thân, ông quyết định tự bỏ vốn làm chuồng trại, để tự mình làm chủ.

Ông Đinh Ngọc Khương trong trang trại gà lạnh của mình. Ảnh: Văn Dũng

Ông Đinh Ngọc Khương trong trang trại gà lạnh của mình. Ảnh: Văn Dũng

Ban đầu ông chỉ đủ vốn làm 2 trang trại gà hở với 20.000 con. Từ năm 2014 đến 2017, ông mở rộng thêm 10 trại nuôi nữa.

Khi đã tích lũy đủ vốn và kinh nghiệm, ông Khương lại muốn tự chủ về con giống. Thế là ông đầu tư xây dựng tiếp phòng ấp trứng công suất cao với 600.000 gà con mỗi tháng.

Khi đã tự ấp nở con giống thành công, ông Khương không ngại trao đổi, giao dịch với người chăn nuôi gia cầm ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh để cung cấp gà giống. Sau đó, ông thu mua lại gà thương phẩm của bà con để tiêu thụ.

Những năm gần đây, ông Khương lại chuyển sang đầu tư chăn nuôi gà trại lạnh ứng dụng công nghệ cao. Theo ông Khương, đầu tư chăn nuôi trại lạnh không chỉ phù hợp với chủ trương mà còn là sự lựa chọn cần thiết với nông dân.

Bởi khi nuôi trại lạnh, được đầu tư khép kín, nông dân có thể giảm bớt những tác động từ môi trường, hạn chế dịch hại, yên tâm phát triển kinh tế gia đình.

Ông Khương kể từ kinh nghiệm bản thân với những mô hình chăn nuôi trại hở trước đây, đàn gà hay nhiễm dịch bệnh.

Đầu tư trại hở, sau 3 năm, chủ trại lại phải sửa chữa chuồng nuôi. Chăn nuôi trại hở cũng dài ngày hơn và  tốn nhiều công sức hơn.

Trong khi chăn nuôi trại lạnh, vừa đảm bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh, mà số lượng nhân công chăn nuôi cũng giảm khoảng 70%. Gà do chính mình nuôi và lấy trứng đưa vào ấp cũng đảm bảo chất lượng hơn.

"Đó chính là lý do tôi chuyển sang làm trại lạnh, chủ động cung cấp con giống ra thị trường để người khác nuôi gia công", ông Khương giải thích.

Hệ thống ấp trúng gà hiện đại được ông Khương nhập khẩu từ nước ngoài. Ảnh: Văn Dũng

Hệ thống ấp trúng gà hiện đại được ông Khương nhập khẩu từ nước ngoài. Ảnh: Văn Dũng

Đến nay, ông Khương đang sở hữu một trong những trang trại gà lớn nhất tỉnh Bình Dương khoảng 25.000m2. Bình quân mỗi ngày, đàn gà bố mẹ cho 15.000 – 17.000 trứng. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng ông Khương lãi ròng khoảng 800 triệu đồng.

Tại xã Tân Hiệp (huyện Phú Giáo), bà Nguyễn Thị Vân cũng đang sở hữu trại chăn nuôi gà hiện đại có quy mô lớn, với 14 dãy chuồng và gần 220.000 con.

Theo bà Vân, chăn nuôi  công nghệ cao được hiểu là việc ứng dụng những công nghệ hiện đại vào sản xuất, sử dụng con giống có năng suất và chất lượng nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Việc áp dụng chăn nuôi công nghệ cao giúp giảm bớt công sức lao động, nâng cao độ chính xác, tốc độ làm việc tối đa. Quan trọng nhất là công nghệ cao giúp giảm chi phí xử lý ô nhiễm môi trường, phòng chống hiệu quả sự xâm nhập của dịch bệnh từ môi trường vào trại nuôi.

Kỹ thuật viên của chăm sóc sức khỏe đàn gà trong trang trại của bà Vân. Ảnh: Trần Khánh

Kỹ thuật viên của chăm sóc sức khỏe đàn gà trong trang trại của bà Vân. Ảnh: Trần Khánh

Tại trang trại của bà Vân, hệ thống phun sương tẩy khuẩn hoạt động thường xuyên. Khách vào trại tham quan hoặc liên hệ làm việc được tiếp tại khu vực văn phòng, hạn chế đến khu vực sản xuất.

Bên trong trại nuôi có hệ thống làm mát cho gà trưởng thành, hệ thống nhiệt để ủ ấm cho gà con. Tình hình sức khỏe đàn gà được theo dõi sát trong suốt quá trình nuôi.

"Ngay cả công nhân trực tiếp chăm sóc cũng ở lại khu vực trại nuôi, không ra ngoài khi không thật sự cần thiết", bà Vân kể.

Chăn nuôi vịt cũng công nghệ cao

Nói đến chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao ở Bình Dương, nhiều người thường nghĩ đến nuôi heo hoặc nuôi gà trại lạnh. Thế nhưng, 1 số mô hình chăn nuôi vịt công nghệ cao gần đây cũng bắt đầu cho hiệu quả kinh tế khá.

Gia đình ông Nguyễn Tiến Hiếu ở xã Long Hòa (huyện Dầu Tiếng) là hộ tư nhân có kinh tế phát triển thuận lợi nhờ mô hình nuôi vịt thịt trong trại mát.

Trước khi ứng dụng mô hình nay, ông Hiếu vốn đã có nhiều năm gắn bó với nghề nuôi vịt thịt bằng cách quây lưới dưới tán cây cao su.

Chuyển sang chăn nuôi trại mát là bước đi mạo hiểm nhưng cho hiệu quả kinh tế tốt hơn. Vì thế ông Hiếu phải nghiên cứu rất kỹ về giống, kỹ thuật chăm sóc.

Mô hình chăn nuôi vịt thịt trong trại mát của ông Nguyễn Tiến Hiếu. Ảnh: Trần Khánh

Mô hình chăn nuôi vịt thịt trong trại mát của ông Nguyễn Tiến Hiếu. Ảnh: Trần Khánh

Sau chuyến tham quan tại công ty chăn nuôi C.P ở Đồng Nai, năm 2017, ông thanh lý 2ha cao su để đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng trại mát nuôi vịt gia công.

Ông Hiếu kể, thời gian đầu gặp nhiều khó khăn từ vốn đến kiến thức. Ngoài số tiền đầu tư lớn, nông dân phải vừa học vừa làm nên hiệu quả chưa cao, kết quả chăn nuôi chỉ đạt hơn 70%.

Càng về sau, khi càng chủ kỹ thuật, công nghệ cho tới con giống, mô hình của ông Hiếu ngày càng phát triển ổn định. 

Vịt vốn nhạy cảm khi thay đổi thời tiết nên mỗi lứa nuôi, ông Hiếu phải tiêm vacccine cho chúng ít nhất 5 lần. Đồng thời, mỗi tuần 1 lần, ông cho tiến hành phun hóa chất khử trùng ở bên ngoài khu vực chăn nuôi. 

Duy trì nguồn điện ổn định cũng là yêu cầu quan trọng suốt chu kỳ nuôi. Ngoài đầu tư đường dây đủ công suất, ông còn lắp máy phát điện dự phòng, phòng khi gặp sự cố mất điện.

Ông Hiếu nhẩm tính, vịt nuôi trại mát từ 40-45 ngày thì xuất chuồng. Sau mỗi lứa nuôi, chủ trại phải dọn vệ sinh, sát trùng và nghỉ chuồng từ 3-4 tuần mới nuôi lại lứa mới.

Mô hình chăn nuôi gia cầm khép kín có ứng dụng công nghệ giúp giảm thiểu áp lực dịch bệnh từ môi trường vào chuồng nuôi. Ảnh: Trần Khánh

Mô hình chăn nuôi gia cầm khép kín có ứng dụng công nghệ giúp giảm thiểu áp lực dịch bệnh từ môi trường vào chuồng nuôi. Ảnh: Trần Khánh

Với 2 trại lạnh, mỗi trại ông thả nuôi từ 10.000-13.000 con vịt. Trung bình mỗi năm ông nuôi được 4-5 lứa vịt thịt. Sau khi trừ chi phí, mỗi trại sẽ đem về nguồn thu bình quân khoảng 500 triệu đồng.

Thấy ông Hiếu đầu tư chăn nuôi trại vịt khá hiệu quả, một số người quen cũng đến tìm hiểu rồi đầu tư cho mô hình tương tự. Dù quy mô lớn nhỏ khác nhau nhưng điều dễ nhận ra ở các trại chăn nuôi khép kín là hệ thống cung cấp thức ăn và nước uống đều tự động.

"Vì thế, việc vận hành quy trình nuôi dưỡng khá nhàn so với cách chăn nuôi thông thường. Và hiệu quả cũng cho thu nhập khá hơn so với các một số mô hình chăn nuôi hay trồng trọt khác", ông Hiếu kể.

Hiệu quả từ chăn nuôi gia cầm công nghệ cao

Ông Trần Phú Cường - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương cho biết, sự chuyển đổi mạnh mẽ từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, có ứng dụng công nghệ cao là thay đổi vượt bật trong chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi của tỉnh.

Những năm gần đây, đàn gia cầm của Bình Dương tăng bình quân mỗi năm 11,2%. Hiện toàn tỉnh có tổng đàn gia cầm gần 13 triệu con; với 86% là chăn nuôi quy mô trang trại.

"Trong đó, chăn nuôi gia cầm công nghệ cao mà chủ yếu là gà, vịt chiếm hơn 70% tổng đàn", ông Cường cho biết.

Chăn nuôi gia cầm công nghệ cao ở Bình Dương chủ yếu là gà, vịt chiếm hơn 70% tổng đàn. Ảnh: Thoại Phương

Chăn nuôi gia cầm công nghệ cao ở Bình Dương chủ yếu là gà, vịt chiếm hơn 70% tổng đàn. Ảnh: Thoại Phương

Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Bình Dương, hầu hết các trang trại chăn nuôi công nghệ cao đều được xây dựng theo mô hình chuồng kín, trại mát, có điều hòa nhiệt độ, có hệ thống quạt thông gió từ bên trong.

Nhiều trang trại còn tự động hóa quá trình chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, sử dụng hệ thống phân phối và định lượng thức ăn tại chuồng; có hệ thống tiêu độc khử trùng tự động ngay lối ra vào cổng chính của trại nuôi. Các trại nuôi cũng yêu cầu công nhân ở lại trong phạm vi chuồng trại để hạn chế tối đa nguồn lây bệnh từ ngoài vào.

Tất cả những giải pháp trên nhằm nâng cao năng suất và đạt hiệu quả cao nhất trong phòng chống dịch trên đàn vật nuôi.

Ông Cường cho biết, thực tế đã chứng minh, mô hình chăn nuôi khép kín có ứng dụng công nghệ thì ảnh hưởng của dịch bệnh giảm thiểu đi rất nhiều.

Ngược lại, khi dịch bệnh gây thiệt hại nặng cả trên gia súc lẫn gia cầm thì việc tái đàn chỉ có thể thực hiện hiệu quả tại các trang trại chăn nuôi công nghệ cao, xây dựng theo mô hình nuôi chuồng kín, bảo đảm an toàn sinh học.

"Việc đẩy mạnh các mô hình chăn nuôi công nghệ cao, trong đó có chăn nuôi gia cầm thời gian qua là hướng đi phù hợp, quyết định đến hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, và hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai của tỉnh Bình Dương", ông Trần Phú Cường chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem