Sau khi cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, cùng với những thành tích đáng ấn tượng trong việc phòng chống dịch như xét nghiệm trên diện rộng và triển khai tiêm vaccine, Thủ đô Hà Nội dần chuyển sang nhịp sống "bình thường mới". Thế nhưng, những thành tích đó có thể đổ bể nếu người dân chủ quan, lơ là... quên mất rằng mình đang "sống chung với dịch".
Ghi nhận của PV Dân Việt trong ngày 15/11 cho thấy, tại nhiều nơi công cộng không khó để bắt gặp người dân không đeo khẩu trang. Hay tại các nhà hàng, quán ăn, việc quét mã QR dường như đã bị lãng quên vì chẳng ai nhớ hoặc nhớ nhưng vẫn cố tình không thực hiện.
Đáng chú ý, thời gian gần đây phải kể đến việc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông khi đưa vào vận hành. Đỗ Thùy Trang (20 tuổi, Đông Mai, Hà Đông) chia sẻ: "Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức được đưa vào vận hành là niềm vui với một người con Hà Nội như mình.
Tuy nhiên tôi cảm thấy thật đáng buồn và đáng lo khi nhiều bạn trẻ đến đây để chụp ảnh, quay video và lại tháo khẩu trang ra, cười cười, nói nói rất thản nhiên, trong khi TP hàng ngày vẫn xuất hiện rất nhiều trường hợp mắc Covid-19".
Tại đường Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) rất nhiều tiểu thương không đeo khẩu trang hoặc đeo sai cách trong khi đây là khu vực tiếp xúc với rất nhiều người.
"Tôi rất lo lắng khi ra đường gặp nhiều người không đeo khẩu trang. Đặc biệt là những nơi đông người như chợ, công viên. Ngoài ra, tôi còn thấy những quán ăn đông người, không hề đảm bảo khoảng cách giữa các khách hàng… việc này thực sự rất nguy hiểm khi hiện nay thành phố vẫn phải sống chung với dịch", bà Nguyễn Thị Dung (67 tuổi, Dịch Vọng, Cầu Giấy) bày tỏ.
Chiều 15/11, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 14/11 đến 18 giờ ngày 15/11 Hà Nội ghi nhận 289 ca bệnh trong đó, cộng đồng (47), khu cách ly (178), khu phong tỏa (64).
Trên nhiều quận nội thành của Hà Nội như: Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm mà PV Dân Việt ghi nhận, tình trạng không đảm bảo khoảng cách giữa khách hàng thường xuyên xảy ra tại các cửa hàng, quán ăn. Bên cạnh đó, việc quét mã QR cũng không được thực hiện theo đúng quy định của Thành phố tại một số nơi.
"Tôi thấy trong thời gian đầu, các cửa hàng trong thành phố thực hiện rất nghiêm túc về quy trình khai báo y tế, "check in, check out" bằng mã QR. Nhưng thời gian gần đây, quy trình này dường như không còn được chú trọng nữa.
Tôi để ý có rất nhiều khách hàng không thực hiện khai báo y tế nhưng vẫn có thể tự do ra vào cửa hàng mua sắm, nhất là tại những cửa hàng kinh doanh thu hút nhiều người dân đến như siêu thị, trung tâm thương mai...", Nguyễn Thị Minh Ngọc (27 tuổi, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) cho hay.
Nhiều người dân được hỏi phần lớn đều cho rằng do đã được tiêm vaccine và tin tưởng vào chính sách của Nhà nước nên họ không còn cảm thấy lo lắng như trước, nhiều người cho rằng "cũng chỉ là bệnh cúm" nên tỏ ra chủ quan.
"Không thể phủ nhận việc người dân không cần quá lo lắng, thế nhưng chủ quan có thể dẫn đến những hậu quả khó lường", một chuyên gia y tế của Hà Nội nói với PV Dân Việt.
Thông tin đến PV Dân Việt, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, trong tuần vừa qua, Hà Nội đã xử phạt hơn 100 vụ với số tiền gần 300 triệu đồng.
Trong đó hành vi phổ biến là không đeo khẩu trang nơi công cộng, không giữ khoảng cách khi tiếp xúc, không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch Covid-19…
"Từ ngày 8-12/11, Sở đã kiểm tra việc thực hiện quét mã QR tại 625 điểm tại 4 quận, huyện: Bắc Từ Liêm; Phú Xuyên; Chương Mỹ; Nam Từ Liêm.
Qua kiểm tra, có 130/625 điểm không dán mã QR hoặc mã QR sai (không phải mã địa điểm, sai địa điểm, sử dụng mã QR của đơn vị khác, mã QR của tài khoản Zalo cá nhân…). Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở, hướng dẫn để các đơn vị thực hiện khắc phục", đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho hay.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 do số lượng người đến/về Hà Nội gia tăng; tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine…
Chính vì vậy, các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác quản lý người từ tỉnh, thành khác đến/về địa phương. Tuyên truyền, vận động người dân cùng vào cuộc trong công tác giám sát, kiểm soát người dân từ vùng khác về địa phương; kịp thời phản ánh đến Tổng đài 1022.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo, việc Hà Nội mở cửa để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội phải đối diện với việc xuất hiện nhiều ca bệnh là điều đã được dự báo.
Người dân không được dựa vào việc đã tiêm vắc xin mà chủ quan trong sinh hoạt. Mỗi người cần có ý thức thực hiện "tiêm vaccine + 5K" để bảo đảm chung sống an toàn với dịch.
Mới đây, giải trình về những nội dung liên quan lĩnh vực Y tế tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội (sáng 10/11), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chúng ta đều biết vaccine tiêm rồi vẫn còn lây nhưng lây sẽ chậm đi... ngay các nước ở châu Âu hiện nay dù đã tiêm vaccine rất nhiều vẫn lây nhiễm.
Phó Thủ tướng nêu rõ, chúng ta nhất thiết phải nhớ là bình thường mới không thể là bình thường, đấy là đeo khẩu trang.
"Toàn dân chúng ta vẫn phải nhớ 5K. Tất cả các cơ quan, đơn vị vẫn phải thực hiện, vì nếu chúng ta không làm, lây nhiễm nhiều người thì sẽ quá tải hệ thống y tế", ông Đam nói và cho biết, nếu chúng ta tiêm hết 100% cho những người từ 12 tuổi trở lên đến cuối năm nay cũng chỉ mới được 80% dân số mà vaccine bảo vệ thì tác dụng của nó cũng chỉ được khoảng 80%.
"8 nhân 8 bằng 64, tức là lúc đấy mới được có 64% được bảo vệ, nếu chúng ta không làm tốt an toàn COVID trong sinh hoạt, trong sản xuất thì sẽ dẫn đến quá tải. Tất cả đợt dịch vừa qua chúng ta mới có gần 1 triệu người bị nhiễm, nhưng chúng ta nên nhớ là còn mấy chục triệu người vẫn còn nguy cơ nhiễm", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Hà Nội: 1.505 F0 đang điều trị, phong tỏa 122 điểm
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến sáng 15/11, toàn TP đang điều trị cho 1.505 bệnh nhân Covid-19. Hiện Hà Nội có 14 chùm ca bệnh, số ca nhiễm trong cộng đồng vẫn là điều đáng lo ngại.
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), Hà Nội ghi nhận 6.333 ca mắc, trong đó ghi nhận 1.969 ca tại cộng đồng; 2.967 ca trong khu cách ly tập trung, 1.107 ca tại khu phong toả; 77 trường hợp nhập cảnh; 213 trường hợp mắc tại các bệnh viện trước ngày 30/9.
Cộng dồn đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 6.573 ca mắc, trong đó ghi nhận 2.089 ca tại cộng đồng.
Giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP đến nay (11/10 - 18h00 ngày 14/11), toàn TP có 2.026 ca mắc (trung bình 57,88 ca/ngày), trong đó 649 ngoài cộng đồng (31,03%), 1.051 tại khu cách ly (51,87%), 305 tại khu phong tỏa (15,99%), 21 ca nhập cảnh (1,11%).