Ngày 12/11 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã công bố một văn bản dự thảo đề xuất một loạt sửa đổi đối với các quy định khác nhau liên quan đến cây trồng biến đổi gen.
Các đề xuất này hiện đang trong quá trình lấy ý kiến công chúng cho đến ngày 12/12.
Việc thay đổi các quy định về hạt giống sẽ tạo điều kiện hơn cho quy trình phê duyệt cây trồng biến đổi gen là một động thái quan trọng của Trung Quốc để tiến hành thương mại hoá cây trồng biến đổi gen, đặc biệt là ngô biến đổi gen tại quốc gia này.
Được biết, năm 2020, Trung Quốc đã kêu gọi một "sự thay đổi" khẩn cấp cho ngành công nghiệp hạt giống trong nước khi ngành này đang phải vật lộn với tình trạng dư thừa năng lực và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tràn lan, gây ảnh hưởng đến sự đổi mới trong ngành.
Những nhà hoạch định chính sách đứng đầu cũng đang thúc giục ứng dụng tiến bộ của công nghệ sinh học vào chọn tạo giống cây trồng, hay cụ thể là cây trồng biến đổi gen - đây được coi là chìa khóa để đảm bảo an ninh lương thực.
Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển cây trồng biến đổi gen trong nhiều năm nhưng vẫn thận trọng trong việc thương mại hóa cây trồng trong chuỗi thực phẩm và chưa bao giờ cho phép trồng đậu nành hoặc ngô biến đổi gen mặc dù chúng được nhập khẩu để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Trong số các thay đổi được đề xuất, có một điểm mới nổi bật của dự thảo đó là khi một sự kiện biến đổi gen đã được cấp phép an toàn, được đưa vào giống ngô lai đã được cấp phép (giống nền) thì chỉ cần tiến hành thêm một lần thử nghiệm canh tác trên đồng ruộng kéo dài trong 1 năm để được cấp phép lưu hành giống – thay đổi khác so với quy định trước đây là phải trải qua quy trình phê duyệt cấp phép giống từ đầu.
Điều này có nghĩa là các tính trạng biến đổi gen đã được phê duyệt gần đây do các công ty Trung Quốc phát triển có thể sẵn sàng ra mắt thị trường trong vòng một năm tới.
Ông Han Gengchen, Chủ tịch Origin Agritech Ltd, công ty Trung Quốc đầu tiên phát triển cây ngô biến đổi gen, cho biết: "Tôi tin rằng đây là một bước tiến quan trọng cho việc thương mại hóa cây trồng biến đổi gen".
"Các quy định mới làm rõ các thủ tục phê duyệt giống biến đổi gen và đơn giản hóa quy trình. Nó sẽ đẩy nhanh quá trình sản xuất thương mại ngô biến đổi gen", ông Han Gengchen chia sẻ với Reuters.
Sau khi các dự thảo này được chấp thuận, theo ước tính của Hua'an Securities, Trung Quốc có thể trồng 33 triệu ha ngô biến đổi gen, tạo ra nguồn thu nhập lên đến 5 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 17.000 tỷ đồng), đồng thời tạo ra các đơn vị dẫn đầu trong thị trường và thúc đẩy sự hợp nhất nhanh chóng trong ngành.
Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành chăn nuôi Trung Quốc khiến nhu cầu nhập khẩu ngô làm thức ăn chăn nuôi của nước này tăng mạnh.
Chỉ tính riêng trong tháng 9/2021, Trung Quốc đã nhập khẩu tới 3,53 triệu tấn ngô (chủ yếu từ Mỹ), tăng tới 226,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 9 tháng năm 2021, lượng ngô được Trung Quốc nhập khẩu tăng đột biến 274,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý IV/2021, Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu ngô trong bối cảnh nhu cầu sử dụng của nước này tăng lên nhưng nguồn cung nội địa suy giảm.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc dự kiến nhập khẩu kỷ lục 26 triệu tấn ngô trong năm 2021 và năm tới.
Do nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc nên giá ngô Mỹ từ đầu năm 2021 đến nay tăng mạnh. Vào tháng 5/2021, giá ngô Mỹ đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 8 năm qua.
Việc giá ngô tăng cao lịch sử đã buộc các hãng sản xuất thức ăn chăn nuôi lẫn nông dân Trung Quốc phải tăng cường sử dụng lúa mì thay cho ngô.