Trong phiên xét xử sơ thẩm Đường "Nhuệ" (Nguyễn Xuân Đường, SN 1971, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) và đồng phạm liên quan vụ bảo kê hỏa táng ở Thái Bình sáng 17/11, Đường "Nhuệ" đã trình bày rằng bị oan ức.
Theo cáo trạng, trong vụ bảo kê hỏa táng người chết ở Thái Bình, Đường là người khởi xướng, chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng danh nghĩa và núp bóng công ty do vợ mình làm giám đốc, tự xưng là Chủ tịch Hiệp hội tang lễ Thái Bình.
Đường "Nhuệ" bị cáo buộc dùng nhiều thủ đoạn, đe dọa, ép buộc 25 chủ cơ sở dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh Thái Bình muốn kinh doanh trong lĩnh vực hỏa táng phải tham gia Hiệp hội tang lễ Thái Bình, thực hiện các quy định của Hiệp hội do Đường đặt ra.
Đường còn bị cáo buộc ép các cơ sở dịch vụ phải đóng cho Đường 500.000 đồng/1 ca hỏa táng.
Cơ quan truy tố nêu, tổng số tiền Đường chiếm đoạt của những người bị hại là hơn 2,4 tỷ đồng. Hành vi của Đường đã phạm vào tội "Cưỡng đoạt tài sản", quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 170 Bộ luật Hình sự.
Trở lại diễn biến phiên tòa, Đường "Nhuệ" nói gần 2 năm qua sống trong cay đắng, oan ức.
"Cả một xã hội Việt Nam nói gia đình bị cáo ăn trên những xác chết. Thông tin từ đâu?" - Đường "Nhuệ" nói trước tòa. Đường còn cho rằng bị Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát "tìm mọi thủ đoạn để trù dập".
"Gia đình tôi cả một đời làm được những việc mà người thường không làm được. Kiếm tiền bằng mồ hôi, trí óc… Thông tin nói gia đình Đường Dương cưỡng đoạt tiền của những xác chết. Có cay đắng không?" - Nguyễn Xuân Đường trình bày.
Ở một diễn biến khác, Bùi Mạnh Tiến (Tiến "trắng", SN 1995, Nguyên Xá, Vũ Thư, Thái Bình) tại tòa hôm nay cũng đã "dứt tình cạn nghĩa" với bố mẹ nuôi.
Khi được gọi lên kiểm tra căn cước, Tiến xin Hội đồng xét xử (HĐXX) được nói vài lời.
Tiến đầu tiên nói về bố mẹ nuôi, người mà sau đó ít phút Tiến đề nghị bỏ thông tin bố mẹ nuôi trong cáo trạng.
"Tôi làm cho ông bà không ít việc, toàn việc lớn, bà bảo cho tôi tiền nọ tiền kia nhưng tôi cũng chưa lấy đồng nào. Đến giờ phút này, tôi cũng chỉ muốn nói với ông bà là tôi không nợ nần ông bà một đồng tiền nào cả, chỉ ông bà nợ tôi thôi. Tôi nói ra vậy để xanh chín, dứt tình cạn nghĩa tại đây" - Tiến nói với vợ chồng bị cáo Đường "Nhuệ" tại tòa.
Ở phần trình bày của mình, Tiến nhiều lần bị HĐXX yêu cầu chấp hành các quy định, tuy nhiên bị cáo sinh năm 1995 này lại thể hiện thái độ bất cần, "xin nhận án 20 năm".
Trong vụ án này, tài liệu truy tố thể hiện Tiến "trắng" là người được vợ chồng Đường, Dương nhận làm con nuôi. Tiến biết rõ Công ty Đường Dương không có chức năng, không đầu tư kinh tế, phương tiện vật chất gì đối với các cơ sở dịch vụ tang lễ Thái Bình.
Trong cuộc họp tại khách sạn Dầu khí Thái Bình, sau khi Nguyễn Khắc Nin thông báo việc các dịch vụ tang lễ Thái Bình phải báo ca và nộp 500 nghìn đồng/ca hỏa táng, Tiến tự đứng dậy giới thiệu là con nuôi của Đường, đọc số điện thoại để các dịch vụ tang lễ biết, có gì thì gọi cho Tiến giải quyết.
Cơ quan truy tố cáo buộc, Tiến tiếp nhận ý chí của Nin trong việc cưỡng ép các chủ cơ sở dịch vụ tang lễ phải nộp tiền cho Đường, cùng Nin tuyên bố để ép buộc những người này.
Ngoài ra, Tiến còn đi cùng Đường đến cuộc họp tại quán cà phê ở TP.Thái Bình, tạo số đông để Đường đe dọa các chủ cơ sở dịch vụ tang lễ.
Tiến còn cùng Đường đi chặn xe hỏa táng của dịch vụ Tân Đại (TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương), từ đó giúp cho Đường ngăn không cho các cơ sở dịch vụ tang lễ của tỉnh ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh, gián tiếp đe dọa các chủ cơ sở dịch vụ ở Thái Bình.