Dân Việt

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển có được yêu cầu khởi tố CEO Nguyễn Phương Hằng?

Quang Trung 17/11/2021 16:07 GMT+7
Thông tin nhà báo Nguyễn Đức Hiển – Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP HCM tố CEO Nguyễn Phương Hằng đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển gửi đơn dựa theo điều luật nào?

Trong một diễn biến mới nhất, nhà báo Nguyễn Đức Hiển vừa gửi đơn lên cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương yêu cầu khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng, với các hành vi "làm nhục", "vu khống" và "lợi dụng các quyền tự do dân chủ" xâm phạm lợi ích hợp pháp của cá nhân ông Hiển.

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển có được yêu cầu khởi tố CEO Nguyễn Phương Hằng?  - Ảnh 1.

CEO Nguyễn Phương Hằng liên tục gọi tên nhà báo Nguyễn Đức Hiển trong các buổi phát sóng trực tiếp. Ảnh chụp màn hình

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, nhà báo Nguyễn Đức Hiển có được yêu cầu khởi tố CEO Nguyễn Phương Hằng?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, khởi tố vụ án hình sự là quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm duy trì trật tự và công lý, không phụ thuộc vào ý muốn cá nhân và không ai có thể can thiệp.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, pháp luật quy định cho phép người bị hại lựa chọn quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.

Khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại nhằm tạo điều kiện cho người phạm tội có cơ hội để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra, hạn chế gây thêm những tổn thất, mất mát về mặt tinh thần, danh dự không cần thiết đối với bị hại.

Quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của người bị hại được quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Cụ thể, điều luật này nêu rõ chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Theo đó, có hai chủ thể được yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đó là: Người bị bị và người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại phần lớn là các tội phạm xâm phạm đến nhân thân của con người. Xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, pháp luật cho phép họ được lựa chọn quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.

Điều này cũng phù hợp với những nguyên tắc về tôn trọng quyền nhân thân của Bộ luật Dân sự, đó là nguyên tắc tự định đoạt.

Như vậy với 10 tội danh sau, người bị hại được quyền yêu cầu khởi tố: Điều 134 Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;  Điều 135 Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

Điều 136 Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.

Điều 138 Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Điều 139 Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.

Điều 141 Tội hiếp dâm; Điều 143 Tội cưỡng dâm; Điều 155 Tội làm nhục người khác; Điều 156 Tội vu khống; Điều 226 Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Nhân đơn của nhà báo Nguyễn Đức Hiển, cơ quan CSĐT có khởi tố?

Từ những phân tích trên, luật sư Hòe cho biết, trong vụ việc này nhà báo Nguyễn Đức Hiển cho rằng mình là bị hại vì đã bị CEO Nguyễn Phương Hằng vu khống, làm nhục và lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Như vậy, đối chiếu với khoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, nhà báo Nguyễn Đức Hiển hoàn toàn có quyền yêu cầu khởi tố CEO Nguyễn Phương Hằng.

Tuy nhiên, luật sư Hòe nhấn mạnh, đây là quyền công dân, nhưng không có nghĩa là khi tiếp nhận yêu cầu thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án ngay. Trong vòng 30 ngày kể từ khi tiếp nhận yêu cầu, cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ.

Trong quá trình xác minh, nếu có dấu hiệu tội phạm mới khởi tố vụ án, ngược lại, nếu không có dấu hiệu tội phạm thì sẽ có thông báo không khởi tố.

Trao đổi với PV  Dân Việt, nhà báo Nguyễn Đức Hiển cho biết, ông và bà Nguyễn Phương Hằng hoàn toàn không có mối liên hệ, quan hệ nào; bất kể là trực tiếp gặp mặt hay qua điện thoại, hoặc bất kỳ mối quan hệ xã hội nào khác.

Thế nhưng, mọi chuyện bắt đầu, kể từ khi ông Hiển trả lời phỏng vấn qua điện thoại với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), về các phát ngôn thiếu chuẩn mực của bà Nguyễn Phương Hằng trên các nền tảng mạng xã hội. 

Và, buổi phỏng vấn phát sóng chương trình thời sự chiều (18h00 ngày 11/6/2021) trên kênh sóng phát thanh của VOV (được đăng tải lại trên báo điện tử VOV ngày 12/06/2021) với tiêu đề: "Không thể cho mình quyền xúc phạm bất kỳ ai trên mạng".

Nhà báo Đức Hiển khẳng định: Nội dung chính của bài phỏng vấn là quan điểm, nhận định pháp lý của cá nhân ông Hiển, đối với các phát ngôn trong các buổi phát sóng trực tiếp của bà Hằng, mà ông Hiển đã trực tiếp theo dõi trước đó. 

Một số nhận định của ông, thực chất chỉ là những đánh giá đơn thuần về pháp lý của một người có chuyên môn về pháp luật, thể hiện quan điểm khoa học của ông Hiển đối với hành vi diễn ra trong cuộc sống có dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Được biết, cho đến thời điểm hiện tại, nội dung bài phỏng vấn này vẫn đang tồn tại trên VOV và nhà báo Nguyễn Đức Hiển giữ nguyên quan điểm đã thể hiện qua các luận điểm trong bài phỏng vấn.

Tuy nhiên, phía bà Phương Hằng lại cho rằng, bài phỏng vấn trên thể hiện sự công kích, gán ghép, quy buộc cho bà phải đi tù (?). 

Từ đó, bà Phương Hằng sử dụng các ngôn từ bịa đặt, vu khống, nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo Đức Hiển và vợ ông Hiển; thậm chí, xúc phạm cả cơ quan - nơi ông đang làm việc, cũng như cả giới báo chí và nhiều ngành nghề khác.