Phát ngôn có dấu hiệu nhục mạ báo chí khi CEO Nguyễn Phương Hằng "livestream", xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ tư, ngày 17/11/2021 13:58 PM (GMT+7)
Luật sư đã có những phân tích xung quanh vụ việc CEO Nguyễn Phương Hằng tổ chức phát trực tuyến (livestream), để khách mời phát ngôn có dấu hiệu nhục mạ báo chí đang gây xôn xao dư luận.
Bình luận 0

Phát ngôn trong livestream của CEO Nguyễn Phương Hằng là nghiêm trọng

Thông tin mới nhất vụ CEO Nguyễn Phương Hằng livestream tại khu du lịch Đại Nam, để khách mời phát biểu nhục mạ báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ TT&TT cho rằng nội dung phát ngôn trong buổi livestream có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tung tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

CEO Nguyễn Phương Hằng livestream có dấu hiệu nhục mạ báo chí, xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Hình ảnh chụp từ buổi livestream ngày 14/11 của CEO Nguyễn Phương Hằng. Ảnh: M.Q

Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, chiều 14/11, bà Nguyễn Phương Hằng và ông Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng "lò vôi", chủ khu du lịch Đại Nam) đã tổ chức chương trình "Doanh nhân Huỳnh Uy Dũng và CEO Nguyễn Phương Hằng gặp gỡ và giao lưu cùng quý khán giả".

Đáng chú ý, trong các phát ngôn của khách mời tham dự buổi livestream có nội dung cho rằng "Báo chí của cộng sản chung với phản động để đánh một Nguyễn Phương Hằng".

Trao đổi với PV Dân Việt dưới góc độ pháp lý, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 25 Hiến pháp 2013 nêu rõ: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Tại Điều 2 Luật An ninh mạng quy định: An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Bảo vệ an ninh mạng là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng…

Tuy chưa đề cập trực tiếp đến vấn đề livestream, nhưng mọi hoạt động đều phải tuân thủ đúng quy định pháp luật, chính vì thế cá nhân, tổ chức cần phải tìm hiểu kĩ càng cho những phát ngôn của mình trên không gian mạng.

Đôi khi những phát ngôn tưởng chừng giản nhưng lại đòi hỏi phải ứng xử văn minh, tránh vi phạm các chuẩn mực đạo đức, văn hóa, các quy định pháp luật.

Theo luật sư Khuyên, hành vi tung tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của nền báo chí cách mạng Việt Nam đã được pháp luật điều chỉnh và quy định các chế tài xử lý.

Cụ thể, tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính Phủ quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội.

Tại Điều 101 của Nghị định này nêu rõ: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân…

Ngoài ra, các hành vi vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội tùy thuộc vào tính chất, mức độ khác nhau mà chủ thể thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội làm nhục người khác"; "Tội vu khống" hoặc "Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông'.

Chủ thể vi phạm còn phải bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị xâm phạm do hành vi vi phạm pháp luật của chủ thể vi phạm gây ra.

Bởi vậy hành vi tung tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong buổi livestream của CEO Nguyễn Phương Hằng có thể sẽ bị xem xét xử lý theo các quy định trên.

Từ những phân tích trên, luật sư Khuyên cho rằng, hành vi tung tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng ngày 14/11 đang bị Bộ TTTT kiến nghị xử lý, đây là hành vi có tính chất nghiêm trọng.

Cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nhanh và dứt điểm để tránh những tiền lệ xấu tiếp diễn.

CEO Nguyễn Phương Hằng livestream, Bộ TT&TT vào cuộc

Chiều 16/11, trao đổi với PV Dân Việt, lãnh đạo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) cho biết Cục vừa có văn bản yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) tỉnh Bình Dương xác minh, xử lý phát ngôn vi phạm trên mạng liên quan buổi phát trực tuyến (livestream) của bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng Giám đốc Khu du lịch Đại Nam.

Văn bản do lãnh đạo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử ký ngày 15/11 nêu rõ: Qua theo dõi, nắm bắt tình hình trên mạng và tiếp nhận thông tin từ báo chí, cục nhận thấy ngày 14/11, bà Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức buổi "gặp gỡ và giao lưu khán giả" tại Khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương), được phát trực tuyến trên mạng qua nhiều kênh Facebook, YouTube...

Đáng chú ý, trong các phát ngôn của khách mời tham dự buổi livestream có nội dung cho rằng "Báo chí của cộng sản chung với phản động để đánh một Nguyễn Phương Hằng".

"Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử nhận thấy nội dung phát ngôn nêu trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tung tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Vì vậy, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử yêu cầu Sở TTTT tỉnh Bình Dương kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật (nếu có) liên quan đến vụ việc trên và báo cáo trước ngày 30/11", công văn nêu rõ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem