Dân Việt

Sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, đã rõ trách nhiệm vụ thăng hạng chức danh, 101 viên chức

Trần Anh 18/11/2021 15:49 GMT+7
Liên quan sự việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp tại huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình), 101 giáo viên bỗng nhiên bị ảnh hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình có chỉ đạo sở, ngành liên quan vào cuộc và đã xác định được nguyên nhân, bản chất, trách nhiệm của từng đơn vị liên quan.

Kỳ thi không sai

Cụ thể, liên quan tới việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp sai, 101 viên chức gánh chịu, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình có chỉ đạo kiểm tra, báo cáo nội dung phản ánh của báo Dân Việt, ngày 15/11, Sở Nội vụ đã có báo cáo số 1997/SNV-CBCCVC gửi UBND tỉnh Quảng Bình.

Vụ thăng hạng chức danh nghề nghiệp sai, 101 viên chức gánh chịu: Trách nhiệm thuộc về UBND huyện Minh Hóa - Ảnh 1.

Liên quan tới tăng hạng chức danh nghề nghiệp sai, 101 giáo viên gánh chịu, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Bình về nội dung phản ánh của báo Dân Việt. (Ảnh: Trần Anh)

Theo báo cáo số 1997 của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình, việc tổ chức kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức theo Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 17/5/2017 của UBND huyện Minh Hóa đối với các viên chức của các đơn vị trực thuộc UBND huyện Minh Hóa đảm bảo thẩm quyền và ra quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với 31 giáo viên mầm non hạng III và 70 giáo viên tiểu học hạng III trúng tuyển kỳ xét thăng hạng là đúng quy định. 

Tuy nhiên, việc xếp lương đối với 29/31 giáo viên mầm non hạng III và 70 giáo viên tiểu học hạng III trúng tuyển kỳ thi xét thăng hạng và việc tổ chức xét thăng hạng cho 2 viên chức Đài Truyền thành – Truyền hình từ ngạch "Kỹ thuật viên hạng IV" lên ngạch "Phóng viên hạng III" là không đúng quy định. 

Cụ thể: Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hạng III, nhưng xếp lương hạng II (Đại học) cho 29 giáo viên mầm non.

Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hạng III, nhưng xếp lương hạng II (Đại học) cho 70 giáo viên tiểu học.

Thăng hạng từ ngạch Kỹ thuật viên chức IV (thuộc ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ) lên ngạch Phóng viên hạng III (thuộc ngành, lĩnh vực thông tin và truyền thông) cho 2 viên chức là sai quy định (thăng hạng không cùng ngành, lĩnh vực); Theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 29, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính Phủ về tuyển dụng, sử dụng, và quản lý viên chức: "Khi thăng hạng từ hạng thấp lên hạng cao hơn trong cùng ngành, lĩnh vực phải thực hiện thông qua việc thi xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp".

Không hủy kết quả, điều chỉnh xếp lại lương

Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình cũng đề ra hướng xử lý việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, 101 viên chức bị ảnh hưởng theo hướng: Ngày 26/10/2021, UBND huyện Minh Hóa họp thống nhất không hủy kết quả thăng hạng mà điều chỉnh xếp lại lương đối với 99 viên chức giáo dục và cũng thay thế Quyết định số 1074/QĐ-UBND ngày 14/7/2021 của UBND huyện Minh Hóa. 

Riêng việc thăng hạng 2 viên chức Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện Minh Hóa, UBND huyện này sẽ ban hành quyết định hủy kết quả trúng tuyển xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lại lương theo quy định.

Vụ thăng hạng chức danh nghề nghiệp sai, 101 viên chức gánh chịu: Trách nhiệm thuộc về UBND huyện Minh Hóa - Ảnh 2.

UBND huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình). (Ảnh: Trần Anh)

Lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình thông tin, theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý viên chức của UBND tỉnh Quảng Bình, việc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức từ hạng IV lên hạng III thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện, việc xếp lương sai đối với viên chức trúng tuyển xét thăng hạng thuộc trách nhiệm của Hội đồng Xét thăng hạng và của UBND huyện Minh Hóa.

"UBND huyện Minh Hóa kiểm tra và sắp xếp lại lương, sau khi sắp xếp lại lương sẽ tính thất thoát bao nhiêu và thu hồi như thế nào và báo cáo Thường vụ Huyện ủy để đề xuất với cấp trên có hướng xử lý", ông Nguyễn Văn Túc – Trưởng phòng Cán bộ, Công chức, viên chức Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình.