Nhưng với xu thế nguồn nước và cách đánh bắt như hiện nay, cá đồng về đâu giữa mùa nước nổi...
ĐBSCL đang trong thời kỳ lũ chính vụ, nhưng mực nước đầu nguồn vẫn thấp nhiều hơn so với mọi năm. Tình trạng này đã xảy ra từ sau năm lũ lớn 2011 đến nay.
Mức lũ, diện phân bố lũ và thời gian lưu nước trên đồng càng ngắn làm cho môi trường sinh sống của các loài thủy sản, trong đó có cá đồng trên đồng cũng ngắn theo.
Ở Vĩnh Long, các đợt triều cường rằm tháng 8, 30/8 và rằm tháng 9 âl nước lên không cao. Tại trạm Mỹ Thuận, mực nước đỉnh triều lần lượt đạt mức dưới báo động 1 rồi chỉ vượt báo động 2 và xấp xỉ báo động 3.
Riêng đỉnh triều cường vào con nước đầu tháng 10 âl thì mực nước trên báo động 3 một ít và đây được xem là đỉnh triều cường cao nhất trong năm.
Với mức nước này, nhờ có hệ thống thủy lợi khép kín thì đồng ruộng ở Vĩnh Long không bị ngập sâu như trước đây, chỉ ngập từ 0,4- 0,8m, có nơi dưới 0,5m.
Vào mùa khô, nước sông, rạch, ao, hồ cạn kiệt, môi trường sống của cá đồng, cá sông bị thu hẹp. Nước về tràn đồng mở rộng môi trường sống cho chúng.
Ruộng đồng, ao, hồ, mương, vũng ven cánh đồng ngập nước là vùng ở mới cho các loài thủy sản nước ngọt bản địa và thủy sản di trú vào đồng tìm thức ăn, sinh sản và lớn lên.
Trước đây, mỗi năm ruộng chỉ làm có một vụ lúa mùa. Trong khi bờ bao, đê bao thủy lợi chưa có nên thời gian sinh sản của tôm, cá đồng trên đồng kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10.
Sau mùa lũ, nước đồng rút dần, cá, tôm đủ lớn gom xuống ao, đìa, kinh mương, rồi dân ở ruộng đồng vừa thu hoạch lúa mùa, vừa vào mùa bắt cá đồng. Tôm, cá vừa nhiều mà lại lớn, ăn không xuể.
Dần dà, sản xuất tăng lên 2- 3 vụ lúa/năm mà còn trồng luân canh thêm màu thì thời gian lưu nước trên đồng rất ngắn, khoảng chừng 1 tháng.
Cuối tháng 8 âm lịch xả đồng thì cuối tháng 9 đầu tháng 10 âm lịch lại cho nước ra. Đóng cống sạ lúa Đông Xuân. Cho nên các loài thủy sản ở đồng, thủy sản di trú vào đồng không đủ thời gian sinh trưởng. Có lứa chưa kịp sinh sản đã phải trôi ra sông rạch. Môi trường sống của cá đồng, cá sông ngày càng bị thu hẹp.
Mặc dù là tỉnh ở hạ nguồn sông Cửu Long nhưng nguồn lợi thủy sản nước ngọt ở tỉnh Vĩnh Long rất phong phú. Các loài bản địa và hoang dã trong đồng có: cua đồng trê vàng, cá lóc, cá rô, cá chạch, cá sặt, cá rằm, rắn, rùa, ếch, lươn, tép,…
Các loài di trú vào đồng như cá linh, cá thiều, cá hô, mè vinh, bống trứng, tôm lóng, tôm càng xanh,… Nguồn lợi thủy sản tự nhiên phong phú như thế, nhưng mỗi khi nước tràn đồng thì cũng là lúc chúng bị đánh bắt với cường độ cao.
Đi qua vùng rốn lũ Bình Tân, Bình Minh và Long Hồ vào những ngày triều cường của con nước rằm tháng 9 âm lịch những cánh đồng xả lũ sau khi đã thu hoạch lúa Thu Đông, đâu đâu cũng thấy những “ma trận” dớn bủa vây trên đồng nước.
Đây là ngư cụ giăng trên mặt ruộng bằng lưới cước, chúng bắt không từ bỏ bất kỳ loại thủy sản nào. Chưa kể lưới giăng, người kéo lưới, kéo côn. Trên đồng là vậy, còn ở những chân vườn, mặt đập thì có: nò, lờ, lọp, dớn. Ở kinh mương thì chài, lưới, vó, vợt.
Đó là cách đánh bắt tôm, cá đồng, cá sông bằng dụng cụ khai thác tương đối thân thiện với môi trường vào ban ngày.
Ban đêm thì người ta còn dùng những ngư cụ tận diệt như: giựt điện, xiệc điện và cả thuốc độc! Nhiều loại ngư cụ có mắc lưới rất nhỏ, đánh bắt tất cả các loài cá tạp, cá lớn và cả cá con!
Tôm cá vào đồng mùa nước nổi đa số mang trứng, sinh sản. Bắt cá mang trứng, cá con trong lúc này sẽ không còn tôm, cá lớn khai thác vào cuối mùa lũ.
Đây là một trong những nguyên nhân chính làm sụt giảm nhanh lượng tôm cá đồng, cá sông trong những năm gần đây. Cá đồng về đâu mùa nước nổi…