Cuối tuần, chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chỉ lác đác khách. Tại khu vực thực phẩm tươi sống, vài bà nội trợ ghé vào các sạp bán trái cây, rau củ, bún miến. Nhưng như vậy đã là nhiều, bởi đi tiếp vào khu vực nhà lồng chuyên bán bánh kẹo, quần áo, giày dép không có một vị khách.
Mở bán trở lại được hơn 1 tháng nay nhưng tiểu thương các ngành hàng bánh kẹo, quần áo và giày dép tại chợ Bà Chiểu rất ảm đạm. Khu vực chuyên kinh doanh mặt hàng này chỉ có tiểu thương và tiểu thương ngồi với nhau. Họ trông đứng, trông ngồi vì không có khách.
Nhiều tiểu thương ngậm ngùi cho biết có tuần chẳng bán được đồng nào. Chuyện 3-4 ngày vẫn không có người mở hàng trở nên rất bình thường sau đợt giãn cách kéo dài vì Covid-19. Sáng họ đến mở sạp, chiều lại đóng sạp đi về mà không bán được một chiếc áo, đôi giày.
Ngồi ngay vị trí mặt tiền của khu vực hàng thời trang, quần áo, giày dép trên lầu, vừa bước lên là gặp nhưng bà Thu và nhiều chị em tiểu thương khác buồn so.
"Bây giờ sạp ở vị trí vàng hay không vàng thì cũng như nhau thôi, có ai đi chợ đâu mà mua", bà Thu ngán ngẩm.
Trao đổi với Dân Việt, bà Thu cho biết khi chợ Bà Chiểu cho tiểu thương ngành hàng thời trang bán lại, bà đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 nên đăng ký mở sạp. Ở nhà cứ nằm tới nằm lui, không biết phải làm gì nên các tiểu thương nhắn nhau mở sạp, may ra khách đến lai rai cũng có đồng ra đồng vô. Nhưng từ ngày mở bán trở lại, cảnh vắng khách khiến tiểu thương lo lắng.
"Tôi bán được một ngày 400.000 đồng, sau đó 4-5 ngày nay không bán được đồng nào hết. Cứ tình hình này, năm nay chắc không thể hy vọng nhiều", bà Thu buồn bã.
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân - tiểu thương ngành hàng bánh kẹo cứ hết ngồi tại sạp, lại chuyển qua đi tới đi lui để xem có khách nào đi chợ hay không để mời xem hàng. Nhưng không có một ai. Chị cho biết từ ngày mở lại, không mở hàng được là chuyện "nhiều như cơm bữa".
"Bán ở đây mấy chục năm rồi nhưng chưa có năm nào thê thảm như năm nay. 5 tháng nghỉ ở nhà, tôi chịu không nổi đến khi ra bán lại thì không ai mua hết trơn, tôi buồn dễ sợ luôn", chị Vân nói.
Thông thường, thời điểm này, tiểu thương các ngành hàng như đồ khô, bánh kẹo, quần áo, giày dép đã bắt đầu trữ hàng Tết, bởi nếu trữ trễ quá kẻo trở tay không kịp. Nhưng buôn bán ảm đạm, không có khách mua, nhiều tiểu thương cho biết nghĩ đến Tết họ cảm thấy rầu, vì không đoán được tình hình dịch sẽ ra sao, sức mua thế nào nên chưa dám chuẩn bị gì cho thị trường cuối năm.
Chị Vân cho hay nghỉ dịch ròng rã 4-5 tháng liền, hôm mở sạp, phải bỏ rất nhiều bánh kẹo hết hạn sử dụng. Chị chưa tính nhiều cho kế hoạch bán Tết.
"Nay vắng thế này, tôi không dám lấy hàng vào. Lỡ dịch bùng lên nữa là chết do hàng nằm đó, hết hạn sử dụng phải bỏ", chị Vân ngậm ngùi.
Bà Nguyễn Thị Lượng, sạp số 1 ngay đầu chợ Bà Chiểu, chuyên bán hoa vải cũng phải ngậm ngùi vì không bán được hàng. Thời điểm này hàng năm, bà tập trung bán cho mùa Giáng sinh, hàng hóa đa dạng cho khách có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, năm nay, bà Lượng không đặt hàng, mà phải tranh thủ đẩy hết hàng tồn.
"Giờ bán hết tới đâu mới dám lấy tới đó, không dự trữ. Tình hình này không biết thế nào. Tại lượng khách mua ít quá. Đây là toàn là hàng trước dịch tới giờ, chứ mọi năm tôi đều lấy nhiều, bởi bây giờ là thời điểm bán Noel rất tốt. Năm nay, thị trường Tết chắc cũng phải kinh doanh theo kiểu mì ăn liền chứ không dám hy vọng nhiều", bà Lượng nói.
Đại diện Ban quản lý chợ Bà Chiểu cho biết sức mua tại chợ giảm rất sâu từ sau khi tiểu thương các ngành hàng được phép hoạt động trở lại. Hiện mới có khoảng một nửa tổng số tiểu thương tại chợ mở sạp trở lại. Ngoài các biện pháp phòng dịch 5K, hàng ngày chợ đều phun xịt, khử khuẩn để đảm bảo an toàn cho việc kinh doanh tại chợ.
Theo các tiểu thương, chợ Bà Chiểu và nhiều chợ truyền thống tại TP.HCM quá vắng khách là nỗi lo lớn nhất bởi mùa cao điểm mua sắm cuối năm đang đến.
Với hàng loạt biện pháp phòng dịch Covid-19 hiện nay tại các chợ như tiểu thương phải tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19, khai báo y tế, tuân thủ 5K, lắp màn chắn tại sạp, tiểu thương kỳ vọng người dân sẽ quay lại chợ mua sắm nhiều hơn.