Trước tình hình vắng khách, tiểu thương tại nhiều chợ truyền thống ở TP.HCM đã quyết định bán hàng qua điện thoại, qua Zalo, qua Facebook. Đây là hình thức bán hàng trong thời gian thành phố giãn cách xã hội nhưng vì hiện sức mua tại chợ quá thấp, họ phải duy trì cách hoạt động này để bán buôn cầm chừng.
Tới là alo nhận hàng
Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM), chốc chốc, một số tiểu thương ngành hàng trái cây, thực phẩm khô, bún miến lại có khách gọi điện đến đặt hàng. Có tiểu thương trang bị luôn điện thoại bàn ngay tại sạp nhưng phần nhiều vẫn gọi qua điện thoại di động để "chốt đơn" mọi lúc, mọi nơi.
Các tiểu thương cho biết đơn đặt hàng qua điện thoại là khách quen. Nhưng với khách lạ, họ cũng có một hình thức khác khá "độc" để tiếp thị. Đó là treo bảng tên sạp, mặt hàng buôn bán kèm số điện thoại tại khu vực ra vào chợ, nơi dễ thấy nhất để quảng cáo.
Một tiểu thương bán mắm cho biết do sạp nằm gần lối ra cửa phụ, mà chợ đang thực hiện phòng dịch Covid-19, ra vào theo cửa chính nên cửa phụ tạm đóng kín bưng. Thấy khách bất tiện ra vào, chị và các tiểu thương khác treo số điện thoại ở hàng rào, khách đến chỉ việc gọi theo đầu số đó, lấy mắm loại nào, chị mang ra loại đó.
Ghi nhận của Dân Việt cho thấy, trên hàng rào ở cửa phụ ra vào khu vực bán thịt gia súc, mắm các loại của chợ Bà Chiểu, hàng loạt tấm biển thủ công là tấm giấy các-tông với chi chít các số điện thoại của tiểu thương.
Chị Diễm Châu (ngụ quận Bình Thạnh) đứng trước hàng rào, lấy điện thoại gọi điện vào tiểu thương bên trong để mua mắm. Chị cho hay do không có nhu cầu mua nhiều loại hàng nên cách thức này khá hay và tiện lợi, chị không phải gửi xe, không phải khai báo y tế, không tiếp xúc nhiều người bên trong chợ, tránh nguy cơ nhiễm bệnh.
Còn với khách quen, khi gọi điện đặt hàng sẽ được ship (giao hàng) tận nhà, nếu có việc đi ngang chợ, chỉ cần ới tiểu thương là được giao ngay hàng rào, đỡ tốn phí ship.
Đặt 1-2 kg thịt cũng giao
Bà Dương Mai - tiểu thương ngành hàng thịt heo tại chợ Bà Chiểu cho biết do tình hình kinh doanh ế ẩm nên tiểu thương buộc phải linh động. Đã hơn 60 tuổi, không rành về công nghệ nên bà ưu tiên bán hàng qua điện thoại, bên cạnh đón khách trực tiếp tại sạp.
"Nhiều người phường 25 cũng gọi điện đặt hàng (chợ Bà Chiểu phường 1 - PV). Khách gọi điện hỏi có giao được không, tôi nói giao hết, 1-2 kg đều đi hết. Trước dịch, tôi bán được lắm do nhiều hàng quán mở cửa, ở nhà họ cũng mua nhiều. Bây giờ mình phải thích ứng, do ngồi một chỗ không ai mua, không bán qua điện thoại, không giao hàng là mất khách ngay", bà Mai nói.
Bà Đỗ Thúy Hòa - Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ Bà Chiểu cho biết, hiện nay tình hình dịch còn căng thẳng, người đi chợ còn hạn chế nên sức mua giảm, hàng hóa cũng tiêu thụ chậm hơn. Do đó, tiểu thương linh động bán hàng qua điện thoại, Zalo, Facebook.
"Khi khách đặt hàng, tiểu thương sẽ giao tận nhà hoặc giao nhận ở cổng chợ. Cách bán hàng qua điện thoại hạn chế phần nào dịch, tiểu thương cũng có nguồn doanh thu", bà Hòa nói với Dân Việt. Theo bà, ban quản lý chợ luôn khuyến khích tiểu thương có hình thức kinh doanh sáng tạo để thích ứng trong tình hình hiện nay.
Không chỉ tại chợ Bà Chiểu, tiểu thương nhiều chợ truyền thống khác cũng đang duy trì bán hàng qua điện thoại. Chị Trần Thanh Loan - tiểu thương bán mắm, ở chợ Bến Thành (quận 1) cũng cho biết từ ngày chợ hoạt động trở lại đến nay, lượng khách đến mua hàng trực tiếp rất vắng. Do đó, chị vẫn bán qua điện thoại là chính.
"Khách quen họ alo mình, dặn hàng rồi tôi giao tận nơi, bao nhiêu cũng giao. Do họ đã phần nào quen đặt qua điện thoại hồi đợt dịch bùng phát nặng, mình bán hàng uy tín nên bây giờ họ vẫn đặt mà không lo ngại chất lượng", chị Loan nói.
Dù sáng tạo nhiều cách để bán được hàng nhưng theo các tiểu thương, sức mua tại chợ hiện nay rất thấp. Do đó, các tiểu thương đều kỳ vọng người dân sẽ đi chợ nhiều hơn, sức mua hàng sẽ phấn khởi hơn vào dịp cao điểm mua sắm cuối năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.