Tâm sự nghẹn lòng của bà chủ quán chè hơn nửa thế kỷ ở chợ Bến Thành
Tâm sự nghẹn lòng của bà chủ quán chè hơn nửa thế kỷ ở chợ Bến Thành
Phúc Minh
Chủ nhật, ngày 10/10/2021 10:51 AM (GMT+7)
Bà chủ quán chè hơn nửa thế kỷ ở chợ Bến Thành nghẹn ngào: "Chưa từng thấy một cơn đại dịch nào như thế này. Nó khiến người ta 'kỳ thị' cách nhau 2m, gọi nôm na là làm phách, làm thinh...". Bà gọi nơi này là ngôi nhà thứ hai và tin rằng một ngày chợ sẽ thêm đông, chợ vui Bến Thành.
Tới chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM), đi vào từ cửa Bắc, vừa qua khu thực phẩm tươi sống, hỏi quán Bé Chè nổi tiếng - quán chè hơn nửa thế kỷ ở chợ Bến Thành, không tiểu thương nào không biết. Khách quen của chợ Bến Thành, ai cũng phải đôi ba lần dừng chân tại đây, Việt kiều đi xa cũng vấn vương, thương nhớ.
Cả đời chăm chú vào nồi chè
"Đây, Bé Chè là tôi đây" - bà Trương Thị Tuyết Trinh, chủ quán Bé Chè vừa cười, vừa lên tiếng khi chúng tôi đến hỏi.
Bà Trinh là người kế nghiệp và gìn giữ thương hiệu Bé Chè của gia đình có từ năm 1968, tức đến nay đã hơn nửa thế kỷ.
Ngày nhỏ, bà vẫn thường hay ra chợ Bến Thành phụ cha mẹ bán chè cho khách nhưng chưa từng nghĩ sẽ nối nghiệp gia đình.
"Khi tôi tốt nghiệp đại học thì bị má dụ dỗ. Má nói con theo nghề này, vừa có tiền vừa được đi chơi nhiều nơi. Tôi thì hay thích đi chơi nên lúc đó nghe theo má", bà nhớ lại.
Bà Trinh nhắc đi nhắc lại rằng mình bị "má dụ dỗ", bởi từ ngày quyết định đứng ra nối nghiệp gia đình, bà phải quanh quẩn suốt bên nồi chè. Tối 8h phải đi ngủ, chợp mắt được vài tiếng là dậy để chuẩn bị đường, nấu đậu, nấu xôi, làm bánh. Thời đắt khách, bà phải dậy từ tờ mờ 3-4h sáng, luôn tay luôn chân, sao cho chè phải thật ngon nhất trước khi chợ mở cửa.
"Nước dừa mình nấu, mình làm không được như ý khách thì khách phản ánh. Mình buồn chứ nhưng mình phải làm lại, điều chỉnh sao cho khách vừa ý nhất. Cả đời tôi, tôi chỉ chăm chú vào nồi chè, bánh chuối, đường, đậu. Tôi hy sinh rất nhiều rồi. Nghề cực lắm nhưng nếu cho tôi chọn lại, tôi vẫn chọn bán chè ở chợ Bến Thành này", bà Trinh cười.
Thực đơn hơn chục món chè Nam bộ từ chè đậu, chè thưng, đậu xanh bánh lọt, chè đá, chè nóng… cùng với những ly chè nhiều màu sắc bắt mắt trên kệ khiến ai nhìn cũng phát thèm.
Đi chợ Bến Thành, người Sài Gòn sắm ít quần áo, mua vài bó rau rồi ghé vào ăn ly chè cho mát dạ. Tham quan chợ Bến Thành, du khách vào cửa Nam, xuống cửa Bắc, xuyệt qua cửa Đông - Tây, mua quà lưu niệm rồi ghé vào ăn ly chè đặc trưng của Sài Gòn. Việt kiều về TP.HCM chơi ít ngày, gia đình, bạn bè rủ nhau đi chợ Bến Thành ăn lại ly chè xưa.
Cứ người này giới thiệu người kia, khiến hàng chè của bà Tuyết Trinh thêm đắt khách. Khách Tây, khách ta, Việt kiều cùng ghé khiến quán chè nhỏ nhưng phải đến 6-7 người mới phục vụ kịp.
"Vui nhất là giai đoạn những năm 1997 đến 2005. Lúc đó, chợ Bến Thành rất là vui, chợ rất là đông, đủ mọi thành phần. Khách từ khắp nơi đổ đến, từ mọi miền Việt Nam đến khách nước ngoài", bà Trinh nhớ lại.
Bà kể, có ông giám đốc một doanh nghiệp Singapore ngỏ ý, mong một ngày bà mở một chi nhánh tại Singapore để được giải cơn thèm chè, nhưng bà từ chối vì với sự tin tưởng và ủng hộ như hiện nay đã là đủ với bà.
Ra được ngôi nhà thứ hai buôn bán lại là đã mừng
Chợ Bến Thành đông vui, nhộn nhịp khách Tây, khách ta, quán chè nườm nượp người, lao xao đủ chuyện trên đời hiện chỉ còn trong ký ức của bà Trinh. Bởi TP.HCM vừa trải qua giai đoạn giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì Covid-19. Đó cũng là thời gian chợ Bến Thành phải tạm ngưng hoạt động.
Khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam vào đầu năm 2020, các đường bay quốc tế bị gián đoạn, người dân hạn chế đến nơi đông người, ngôi chợ sầm uất nhất TP.HCM này đã bắt đầu ảm đạm. Gặp thêm cú đánh bồi nặng nề 4 tháng vừa qua, tiểu thương càng "chết đứng".
"Chưa từng thấy một cơn đại dịch nào như thế này, nó khiến người ta 'kỳ thị' đến nỗi cách nhau 2m, gọi nôm na là làm phách, làm thinh, người khác gọi, mình cũng không dám trả lời. Nhưng thực ra là do dịch Covid-19, chúng ta phải giữ khoảng cách, phải giữ mình", bà Trinh chua xót.
Từ chỗ phục vụ luôn tay, luôn chân, làm tại chỗ còn không kịp, hiện mỗi ngày bà Trinh chỉ còn bán được vỏn vẹn khoảng 30-50 ly chè. Khách quen nhớ chè, chưa dám ra chợ Bến Thành, alo đặt hàng, bà ship tận nhà. Nhiều khi chị em tiểu thương trong chợ ủng hộ nhau ly chè, tô bún.
"Chợ Bến Thành mới mở lại, tôi bán từ hôm 3/10. Chưa có khách nên chợ tan sớm, tầm 2h chiều là đóng cửa. Doanh thu giảm nhiều nhưng được bán lại, cảm xúc của chúng tôi rất vui mừng và dâng trào. Đã ra được chợ Bến Thành, ngôi nhà thứ hai của mình, buôn bán lại là chúng tôi rất vui mừng, lời lỗ cũng vào trong đây cả thôi", bà Trinh giữ giọng.
Mong ngày chợ thêm đông, chợ vui Bến Thành
Nhìn cảnh chợ Bến Thành hẩm hiu, chỉ mới khoảng 80 hộ tiểu thương, chủ yếu thuộc ngành hàng thực phẩm tươi sống và ngành hàng thức ăn hoạt động lại, trong khi hơn cả nghìn sạp còn lại vẫn đang đóng cửa, bà chủ quán chè lâu đời nhất ở đây không khỏi chạnh lòng.
"Thông thường mọi năm thời gian gần Tết, khoảng 1 tháng nữa, là chợ đông và vui lắm. Hàng hóa nhộn nhịp chất đầy kho, đầy sạp để hân hoan chào đón Tết Nguyên đán của mình. Năm nay dù có dịch Covid-19, nhưng TP đã cho bán trở lại, chúng tôi phải chuẩn bị hàng cho Tết", bà Trinh nói.
Mọi năm, với những tiểu thương ngành hàng đồ khô, họ dự trữ hàng hóa trước Tết 2 tháng, ngành hàng tươi trữ trước 1,5 tháng. Bà Trinh cũng phải chuẩn bị đậu, đường các loại để phục vụ người dân, nhất là sau 23 tháng Chạp, người Sài Gòn cấp tập đi chợ Tết.
Nhớ về những năm huy hoàng của chợ Bến Thành và nhìn về thực tại, bà Trinh có chút buồn nhưng vẫn lạc quan.
Nữ tiểu thương cho hay không phải 10 người mắc Covid-19 là không may tử vong hết. TP.HCM đang dần tiêm đủ vaccine cho người dân. Tiểu thương chợ Bến Thành cũng đã được tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19, người dân ra vào cũng phải có thẻ xanh. Do đó, việc cần làm hiện nay là phải "giữ mình", tuân thủ quy định, phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh.
Chợ Bến Thành mở lại sau 4 tháng đóng cửa vì Covid-19. Video: Hồng Phúc.
Bà Trinh luôn nhắc, chợ Bến Thành là ngôi nhà thứ hai của bà và cả nghìn tiểu thương ở đây. Dù khó khăn nhưng bà vẫn đặt nhiều hy vọng.
"Tôi chỉ mong rằng một ngày gần đây, chợ Bến Thành sẽ càng phát triển hơn, TP.HCM sẽ càng tươi đẹp, sống động hơn. Đường sá sẽ đông lại, phố đi bộ lại nhộn nhịp. Chợ Bến Thành tấp nập giống như cảnh ngày xưa, hàng giao không kịp. Chợ chúng ta sẽ lại thịnh vượng như ngày xưa. Chợ thêm đông, chợ vui Bến Thành mà", bà Trinh nói với nhiều lạc quan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.