Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, bệnh CGC đã xảy ra tại 35 hộ thuộc 22 thôn của 18 xã ở 10 huyện. Tổng số gia cầm bị chết, buộc phải tiêu hủy là gần 70.000 con. Đến nay, Hà Nội không còn ổ dịch nào, bệnh CGC cơ bản được kiểm soát tốt.
Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) Nguyễn Văn Long đánh giá, các ổ dịch CGC chủ yếu xảy ra tại hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng vaccine... Nguyên nhân là do tổng đàn chăn nuôi gia cầm của cả nước hiện rất lớn, nhưng chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, chưa đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học; nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vaccine.
Đại diện Cục Thú y cũng cảnh báo tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm còn xảy ra tại nhiều tỉnh biên giới phía Bắc. Bên cạnh các chủng virus đã được ghi nhận, một số chủng virus CGC mới như: A/H7N9, A/H5N2 có nguy cơ xâm nhiễm cao vào lãnh thổ Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, hiện nay đơn vị đang chỉ đạo Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương I tập trung tiến hành khảo nghiệm 7 loại vaccine CGC. Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương cũng đang tổ chức đánh giá hiệu lực 4 loại vaccine khác. Trên cơ sở đánh giá, Bộ NNPTNT sẽ xem xét, cho phép đưa vào kế hoạch sản xuất.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm, để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập của bệnh CGC, thời gian qua, Bộ NNPTNT đã ban hành nhiều công văn gửi các địa phương (nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc), Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (bao gồm Bộ đội Biên phòng) đề nghị phối hợp chỉ đạo ngăn chặn tình trạng gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu. "Tình trạng này thực tế còn rất phức tạp, nếu không có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành, địa phương, nguy cơ xâm nhiễm bệnh CGC vào Việt Nam là rất đáng lo ngại..." - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.