Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra chương trình nghệ thuật với chủ đề "Bình minh đất Việt" vào tối 18/11. Đây cũng là sự kiện khai mạc Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" năm 2021.
Tại sự kiện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" là hoạt động thường niên, nơi quy tụ những nét văn hóa cơ bản nhất của 54 dân tộc anh em. Chủ đề sự kiện năm nay có ý nghĩa sâu sắc, hưởng ứng Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời, biểu dương các tấm gương tiêu biểu từ cộng đồng các dân tộc trong cả nước; tôn vinh các hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2021 diễn ra từ ngày 18 đến ngày 23/11 với nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa. Trong đó, 8 sự kiện giao lưu văn hóa các vùng miền, các hoạt động dân ca, dân vũ, giới thiệu nghề truyền thống của các dân tộc, tái hiện một số lễ hội đặc sắc.
Tuần "Đại đoàn kết - Di sản văn hóa Việt Nam" hứa hẹn mang lại bầu không khí tốt tươi, đoàn kết, lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc; mang lại sự trải nghiệm quý báu đối với các du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Được biết, 12 bộ áo dài ngũ thân truyền thống của các nghệ nhân Đỗ Minh Tám, Phạm Văn Tuyền, Nguyễn Minh Đời, Lê Đăng Toản, Phan Thị Thuận, Phạm Văn Thực và Kiến trúc sư Ngô Trần Thiện Toàn (Việt kiều hiện định cư tại Australia hiến tặng) cho 7 bảo tàng, gồm: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; Bảo tàng Hà Nội; Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng; Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.
Đây là sự kiện do Trung tâm Hỗ trợ phát triển Áo dài ngũ thân truyền thống – CLB Đình làng Việt tổ chức nhằm hướng tới kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 và chào mừng Hội Nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Ban tổ chức mong muốn, những tấm áo này phần nào sẽ hỗ trợ các bảo tàng trong việc trưng bày, quảng bá phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam hiệu quả nhất.
Theo nghệ nhân may Nguyễn Minh Đời chia sẻ: "Toàn bộ quá trình may do tôi thực hiện 90% may tay nên đòi hỏi việc cắt, may phải thực hiện hết sức tỉ mỉ, chi tiết. Đặc biệt là vải lụa mềm, mỏng nên cũng khó thao tác hơn các loại vải khác. Ngoài ra, kỹ thuật ghép mối hoa văn (đậu bông) thực hiện ở 2 áo này cũng đòi hỏi rất cẩn trọng, sao cho các hoa văm ghép trên các đường sống áo thật chính xác và tinh tế".
Nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam năm nay, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và Sưu tập An Biên khai mạc trưng bày chuyên đề "Gốm Việt Nam: Một truyền thống riêng biệt - Nhìn từ Sưu tập An Biên" vào ngày 19/11 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội.
Theo PGS.TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, nhóm hiện vật gốm men trắng thời Lý chính là sưu tập quý nhất trong bộ sưu tập An Biên. Ngoài ra, nhiều hiện vật khác trong bộ sưu tập An Biên cũng rất xuất sắc như lư hương thời Mạc của ông Đặng Huyền Thông. Lư được trang trí rất đẹp, thể hiện sự phóng khoáng, cởi mở của thợ thủ công trên đồ gốm đặc biệt…
Theo PGS-TS Phạm Quốc Quân nhận định, mỗi quốc gia dù giàu có đến đâu thì cũng không thể không bảo tồn di sản. Định hướng hiện nay phản ánh đúng sự phát triển theo xu thế thế giới.
Trưng bày "Gốm Việt Nam: Một truyền thống riêng biệt - Nhìn từ sưu tập An Biên" được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến trên fanpage Bảo tàng đến hết tháng 12/2021.
Cũng nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam năm nay, Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Ban quản lý Phố cổ Hà Nội kết hợp cùng Câu lạc bộ Âm nhạc truyền thống Đình làng Việt thực hiện chương trình giới thiệu và biểu diễn giao lưu âm nhạc truyền thống vào chiều qua 21/11 vừa qua.
Sự kiện được phát trực tiếp trên fanpage "Phố cổ Hà Nội", fanpage "Đình làng Việt" thu hút đông đảo sự quan tâm của cộng đồng. Tại sự kiện, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như: chèo, hát then, hát xẩm, quan họ, diễn xướng chầu văn được nghệ sĩ Tạ Hạnh, họa sĩ Lê Anh Thư, họa sĩ Vũ Đình Tuấn và nhiều nghệ nhân khác thể hiện.
Chương trình giới thiệu và biểu diễn giao lưu âm nhạc truyền thống tại Ngôi nhà Di sản - 87 Mã Mây. (Ảnh: Vũ Tài)
Ngày 22/11, triển lãm "Không gian Di sản văn hóa Việt Nam" do Bộ VHTTDL giao Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện. Lễ khai mạc triển lãm sẽ chính thức diễn ra vào 19 giờ 30 ngày 22/11 tại Sân khấu ngoài trời Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội).
Triển lãm được tổ chức theo hai hình thức trực tiếp và online. Theo đó, triển lãm trực tiếp diễn ra từ 22 - 27/11/2021 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam. Triển lãm online diễn ra từ 22/11 - 31/12/2021 trên website Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (địa chỉ:http://trienlamvhnt.vn) và website Cục Di sản văn hóa (http://dsvh.gov.vn).
Được biết, triển lãm sẽ được chia thành nhiều khu trưng bày. Cụ thể, khu trưng bày chủ đề "Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam" với các nội dung: Trưng bày ảnh di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được thế giới ghi danh và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Trưng bày trang phục, nhạc cụ truyền thống dùng trong các di sản văn hóa phi vật thể (Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Đờn ca tài tử Nam Bộ...); Trưng bày "Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" giới thiệu khái quát về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt qua một số tư liệu, hình ảnh, hiện vật, trang phục, nhạc cụ… góp phần nâng cao hiểu biết về một tín ngưỡng dân gian đặc sắc, có sức sống lâu bền của người Việt.
Khu trưng bày Di sản văn hóa Việt Nam của các tỉnh/thành phố do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành phố: Tuyên Quang, Hải Phòng, Lạng Sơn, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Gia Lai thực hiện sẽ tập trung giới thiệu: Di sản văn hóa của địa phương; Sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu; Nghệ thuật ẩm thực, sản vật của địa phương…
Triển lãm ảnh cuộc thi "Di sản văn hóa toàn quốc - lần thứ Nhất" với chủ đề "Di sản văn hóa vật thể tại Việt Nam" trưng bày tác phẩm nhiếp ảnh được tuyển chọn của các tác giả tham gia cuộc thi, những tác phẩm có giá trị, tiêu biểu về di sản văn hóa.
Triển lãm chủ đề "Di sản quanh ta" với các nội dung: Trưng bày và trình diễn thời trang áo dài truyền thống; Trưng bày ảnh nghệ thuật chủ đề "Di sản ký ức"; Trưng bày "Di sản nghề truyền thống"; Quảng bá giới thiệu dự án du lịch di sản.
Khu vực ngoài trời do Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam thực hiện sẽ trưng bày các sản phẩm nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam.