PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Di sản văn hóa phi vật thể là hạt nhân tạo nên “sức mạnh mềm văn hóa” (Bài 3)
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Di sản văn hóa phi vật thể là hạt nhân tạo nên “sức mạnh mềm văn hóa” (Bài 3)
Thanh Hà (thực hiện)
Thứ ba, ngày 27/07/2021 08:00 AM (GMT+7)
Tiếp nối loạt tuyến bài "Nghệ sĩ nông dân gìn giữ di sản văn hóa thời Covid", PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam chia sẻ với Dân Việt rằng: "Di sản văn hóa tín ngưỡng tâm linh là hạt nhật tạo nên “sức mạnh mềm văn hóa”.
Thưa PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Việt Nam luôn tự hào bởi có bề dày văn hóa truyền thống, trong đó loại hình nghệ thuật dân gian được cho là rất phong phú và đặc sắc như: ca trù, xẩm, chèo, hát văn, quan họ…Vậy để hiểu đúng, những di sản văn hóa phi vật thể này được kết tinh từ đâu?
- Những di sản văn hóa phi vật thể này chính là sản phẩm văn hóa tinh thần của người dân lao động, do chính họ sáng tạo ra, được lưu truyền, bồi đắp và gìn giữ qua các thế hệ. Đó cũng chính là sản phẩm của quá trình con người ứng xử với môi trường văn hóa sinh thái, môi trường văn hóa nhân văn và môi trường văn hóa xã hội cũng như ứng xử giữa con người với con người trong những điều kiện sống nhất định.
Tuy nhiên, cung cách ứng xử đó còn phụ thuộc vào đặc điểm cư trú, khí hậu, địa hình địa mạo và từ đó còn là phong tục tập quán, thói quen của người dân ở từng vùng, tiểu vùng, nhỏ hơn nữa là từng làng xóm/làng bản – nơi cư trú sinh tồn của một cộng đồng người nhất định, của một dân tộc/tộc người nhất định.
Chính vì thế, nói đến hạt nhân của văn hóa Việt Nam trước hết là sự hiện diện của văn hóa làng, một không gian văn hóa cùng không gian sinh kế - cư trú khép kín, chủ yếu tự cung tự cấp, từ văn hóa tinh thần (phi vật thể) đến văn hóa vật chất (vật thể). Cũng từ môi sinh văn hóa đó mà hình thành nên nét văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam, trường tồn, bồi đắp trên tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Hà Nội cũng là nơi hội tụ các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó các câu lạc bộ di sản văn hóa phi vật thể như: ca trù Chanh Thôn, hát xẩm Hà Nội, rối cạn Tế Tiêu… phát triển mạnh. Vậy theo ông các câu lạc bộ này đã có ảnh hưởng như thế nào tới đời sống người dân? Giá trị của các câu lạc bộ này như thế nào?
- Trước hết, phải nhận thấy rằng, mỗi loại hình nghệ thuật truyền thống nói riêng và mỗi thành tố của di sản văn hóa phi vật thể nói chung đều ẩn chứa, dung nạp trong nó những đặc trưng biểu hiện khác nhau, những biểu tượng văn hóa riêng, từ đó mang lại những giá trị đa dạng, phong phú về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ và giá trị đáp ứng nhu cầu giải trí, thụ hưởng văn hóa của từng người, từng cộng đồng người.
Cho nên, nhìn trong phạm vi văn hóa làng, bản, những di sản văn hóa phi vật thể do cộng đồng sáng tạo trong không gian văn hóa làng, bản đó luôn luôn có tác động ở những mức độ, cấp độ và phạm vi khác nhau tới đời sống người nông dân.
Đặc biệt, các loại hình di sản gắn với thực hành sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh còn là hạt nhân tạo nên "sức mạnh mềm văn hóa", đủ sức góp phần tạo nên thiết chế văn hóa vô hình, có vai trò quy tụ, hiệu chỉnh, điều hành mọi hành vi, ứng xử của các thành viên trong cộng đồng, từ quan hệ trong phạm vi gia đình đến dòng họ, làng xóm, nhà trường và xã hội.
Cũng chính từ môi sinh văn hóa với sự hiện tồn của các di sản văn hóa đó đã hình thành nên các giá trị và hệ giá trị văn hóa, trở thành môi trường nuôi dưỡng tâm hồn, điều chỉnh nhân cách và đạo đức con người nói chung theo những chuẩn mực được cộng đồng chấp nhận, tuân thủ và tin theo.
Bị biến tướng hoặc có nguy cơ biến mất
Nhiều người cho rằng, trong thời đại công nghệ 4.0, văn hóa nước ngoài du nhập vào Việt Nam, những di sản văn hóa phi vật thể cũng có sự thay đổi, thậm chí bị méo mó, biến tướng… Ông nghĩ sao về nhận xét này?
- Quả thực, thực tế đã và đang cho thấy, chục năm trở lại đây, trước thời đại công nghệ 4.0, qua con đường hội nhập và giao lưu quốc tế, văn hóa nước ngoài đã và đang du nhập vào Việt Nam, chuyển tải cả những dung lượng văn hóa tích cực lẫn tiêu cực.
Cũng từ đây, cùng với việc phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hệ thống di sản văn hóa phi vật thể ở hầu khắp các làng, bản trên phạm vi cả nước đã và đang có những tiếp biến, biến đổi mạnh mẽ, ở những mức độ, cấp độ và phạm vi khác nhau. Không ít các thành tố văn hóa phi vật thể truyền thống bị biến thái, tiếp biến hoặc có nguy cơ biến mất.
Một số hình thức sinh hoạt văn hóa, thực hành tín ngưỡng bị không ít đối tượng lợi dụng, thương mại hóa, xuyên tạc làm phản văn hóa… khiến cho môi trường văn hóa và môi trường sáng tạo của cộng đồng bị tác động dữ dội.
Nhiều hội làng bị hướng theo mục đích kinh tế, du nhập hoặc duy trì những hoạt động hội không phù hợp, phản cảm. Hàng loạt trò chơi dân gian biến mất, nhường chỗ cho trò chơi điện tử cờ bạc ăn tiền. Giới trẻ đa phần không còn yêu thích văn hóa nghệ thuật truyền thống, dẫn tới vô cảm với giá trị của di sản do cha ông truyền lại…
Chính vì thế, tôi nghĩ rằng, các bộ ngành chức năng và liên quan cần có những giải pháp bám sát thực tiễn, giải mã được những vấn đề đang đặt ra trong thực trạng xã hội, để có những thiết chế, cơ chế và nguồn lực quản lý văn hóa phù hợp với điều kiện xã hội đương đại, hiện tại và lâu dài.
Rất nhiều CLB như: CLB ca trù Chanh Thôn; Phường Rối cạn Tế Tiêu; CLB ca trù Hoa Hựu Hà Nội… đứng trước bài toán đau đầu cho việc làm sao vừa có kinh phí để tổ chức truyền dạy, tìm người kế cận vừa để níu giữ các thành viên trong CLB? Ông nghĩ sao về bài toán này?
- Tất cả những điều nêu ra trên đây đều là thực tế đã và đang diễn ra ở hầu khắp các địa phương có di sản văn hóa phi vật thể, trong đó các thế hệ nghệ nhân là lực lượng nòng cột đảm trách nhiệm vụ bảo về và phát huy giá trị di sản phục vụ đời sống cộng đồng trong điều kiện hiện nay.
Thực trạng đó cũng đã và đang cho thấy, hệ thống chính sách, cơ chế trong quản lý văn hóa các cấp ở nước ta là có vấn đề. Đó là sự thiếu đồng bộ trong nhận thức, xây dựng cơ chế, chính sách và cung cách ứng xử với di sản cũng như với nghệ nhân từ các bộ ngành ở Trung ương đến các cấp địa phương.
Chỉ nhìn giới hạn ở việc ứng xử với các CLB, các phường ca trù, rối nước hay các di sản khác như ví, giặm, dân ca quan họ… có thể thấy khá rõ cung cách ứng xử với di sản và nghệ nhân ở mỗi tỉnh một kiểu. Ngoài ra, còn có thể thấy rõ: mọi cơ chế, chính sách được xây dựng đều mang ý nghĩa duy vật, biện chứng về mặt lý thuyết, nhưng khi vận dụng để đi vào ứng xử thực tiễn thì lại rất duy tâm. Nghĩa là, chỉ động viên thuần túy về mặt tinh thần chứ không quan tâm cụ thể đến sự sinh tồn và điều kiện sống của chủ nhân thực hành và bảo vệ di sản ở các làng, bản.
Chính từ thực tế này, theo tôi, trước hết cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ quản lý văn hóa, xây dựng chính sách tầm vĩ mô và thường xuyên nâng cao nhận thức cho đội ngũ quản lý văn hóa cũng như chính quyền địa phương về vị thế của di sản và vai trò nghệ nhân đối với nhiệm vụ bảo vệ, phát huy giá trị di sản phục vụ đời sống văn hóa cộng đồng và cả nước nói chung.
Bên cạnh đó, cần có sự học tập, tham khảo các cơ chế, chính sách ứng xử với di sản văn hóa phi vật thể và các thế hệ nghệ nhân từ các nước tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là một số nước có sự tương đồng về mặt văn hóa với Việt Nam như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Theo ông ở nước ngoài, việc bảo tồn, gìn giữ những nghệ thuật truyền thống này như thế nào?
- Tìm hiểu hoạt động bảo tồn, gìn giữ những nghệ thuật truyền thống này ở một số nước trên thế giới và trong khu vực, không khó để nhận thấy rằng, đa số các nước có nền văn hóa tiên tiến, đời sống xã hội hiện đại (một số nước có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam) đều có hệ thống chính sách, cơ chế tầm vĩ mô và vi mô bao quát nhưng lại cụ thể, mang lại hiệu quả thực tiễn rất tốt đẹp.
Các chính sách, cơ chế đó hướng đến hai đối tượng, hệ thống di sản (cả vật thể và phi vật thể) và nguồn lực chủ thể văn hóa trong đó hạt nhân là các thế hệ nghệ nhân. Từ các chính sách, cơ chế được xây dựng đến quá trình vận dụng vào thực tiễn văn hóa quản lý đã đem lại hiệu quả bền vững.
Đó là sự tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể trên cơ sở được đầu tư bảo vệ hệ thống cơ sở hạ tầng, đầu tư nguồn kinh phí cho đội ngũ quản lý di tích lịch sử văn hóa, trong đó có sự phối kết hợp giữa chính quyền địa phương, các nhà quản lý văn hóa với đội ngũ các doanh nhân và bộ máy điều hành các thành phần phát triển và tổ chức hoạt động du lịch trong, ngoài nước.
Đối với các thế hệ nghệ nhân, nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đã có những cơ chế và chính sách ứng xử rất cụ thể, từ thù lao lao động nghệ thuật đặc thù đến các chế độ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, trang bị phương tiện phục vụ hành nghề, bảo vệ thân thể… Kèm theo đó là hàng loạt các chính sách cụ thể gắn với các hình thức vinh danh các nghệ nhân tiêu biểu, có đóng góp xuất sắc cho cộng đồng dân tộc và quốc gia.
Và điều cốt tử nữa là, trong khi các loại hình hoạt động nghệ thuật truyền thống khó khăn trong việc bảo tồn hệ thống nội dung di sản và nuôi dưỡng nguồn lực nghệ nhân thì Nhà nước luôn sẵn sàng đầu tư bao cấp cho hình thức hoạt động nghệ thuật đặc thù gắn với hệ thống di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc và quốc gia trong điều kiện xã hội hiện đại…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.