Nghệ sĩ nông dân gìn giữ di sản văn hóa thời Covid: Người "đốt cháy" trái tim cho nghệ thuật truyền thống (Bài 2)

Hà Thúy Phương - Thanh Hà Thứ hai, ngày 26/07/2021 13:30 PM (GMT+7)
Trong khi rap du nhập vào nước ta đã được gọi tên “rap Việt” thì ca trù và hát xẩm - hai loại hình nghệ thuật truyền thống lại có nguy cơ biến mất, nếu không có những người dành cả cuộc đời miệt mài gìn giữ và truyền lửa như nghệ nhân Phan Thị Kim Dung và Đoàn Văn Hựu.
Bình luận 0

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Kim Dung "cháy hết mình" cho nghệ thuật hát xẩm

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Kim Dung đã bước sang tuổi 70, nhưng giọng nói sang sảng, dáng người hoạt bát. Bà hiện là chủ nhiệm của CLB Dân ca làng Mọc, Quan Nhân, Hà Nội.

Nghệ sĩ nông dân gìn giữ di sản văn hóa thời Covid Bài 2: Người "đốt cháy" trái tim mình cho nghệ thuật hát xẩm - Ảnh 1.

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Kim Dung - người sáng lập CLB Dân ca làng Mọc, Quan Nhân, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Bà Phan Thị Kim Dung có một người cha rất mê hát chèo, hát xẩm… Từ nhỏ bà theo cha đi tập văn nghệ rồi tình yêu với nghệ thuật hát xẩm ngấm vào người từ lúc nào không hay. Lên 7 tuổi bà đã biết hát xẩm. Từ đó bà được cha dạy cho những làn điệu quen thuộc.

Được định sẵn cái duyên với nghệ thuật hát xẩm bởi chất giọng đặc trưng, bà còn có cái duyên nữa là được gặp cụ Hà Thị Cầu. Lần ấy, gặp được cụ Hà Thị Cầu ở quê hương Nam Định của mình, bà Phan Thị Kim Dung nhất quyết xin cụ Cầu cho theo học. Từ đó lúc nào tiếng hát của cụ Cầu cũng hiện lên trong đầu bà, bà về học và bắt chước. Dần dần bà biết hát Xẩm Chợ, Xẩm Thập ân …

Hát xẩm là loại hình nghệ thuật của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp. Hát xẩm là một hình thức mưu sinh của người dân nghèo, người khiếm thị nay đã được sân khấu hóa và đưa vào phục vụ khách du lịch.

Một quá trình dài bà Kim Dung tham gia vào các hoạt động văn nghệ quần chúng, đội văn nghệ của cơ quan và giành được nhiều giải thưởng văn nghệ quần chúng. Khi lên Hà Nội theo gia đình bà được vào CLB Chi hội văn nghệ dân gian Đài Tiếng nói Việt Nam, đi học rồi được đi diễn.

Vượt qua những thăng trầm của cuộc đời, bà cũng không ngờ rằng trời cho mình giọng hát cùng sự đam mê ngày càng ngấm sâu trong mình. Đặc biệt bộ môn hát xẩm, bà mê nó không bao giờ bỏ được. Trời cho có sức khỏe thì bà còn hát. Và bà đã quyết định tự sáng lập CLB Dân ca làng Mọc Quan Nhân năm 2009.

Nghệ sĩ nông dân gìn giữ di sản văn hóa thời Covid Bài 2: Người "đốt cháy" trái tim mình cho nghệ thuật hát xẩm - Ảnh 3.

CLB hát xẩm của nghệ nhân ưu tú Phan Thị Kim Dung được đánh giá cao về chất lượng, sự chuyên nghiệp. Ảnh: NVCC

Những ngày đầu rất khó khăn, các thành viên chưa biết hát, biết múa phải hướng dẫn tỉ mỉ. Rồi khó khăn về kinh phí, các chị em CLB tự bỏ tiền đóng quỹ, mua đạo cụ. CLB được nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ, được Ban Quản lý di tích rất quan tâm nhưng bà Kim Dung không nhận một đồng thù lao nào cho riêng mình.

Bà động viên mọi người tham gia. Đầu tiên có ít người, đến khi CLB hoàn thiện bà đi vào truyền dạy cho mọi người. CLB hiện có khoảng người lớn 25 người lớn và 30 trẻ em. Trẻ nhất 7 tuổi, cao tuổi nhất là 73 tuổi. Thành viên của CLB là những người nông dân từng làm ruộng, những bộ đội, công an về hưu và các cháu học sinh. CLB thường sinh hoạt vào thứ 6 hàng tuần. Cho đến giờ phút này CLB đi diễn nhiều nơi được đánh giá rất cao về chất lượng nghệ thuật.

Nghệ sĩ nông dân gìn giữ di sản văn hóa thời Covid Bài 2: Người "đốt cháy" trái tim mình cho nghệ thuật hát xẩm - Ảnh 4.

CLB Dân ca làng Mọc (Quan Nhân, Hà Nội) trong một buổi sinh hoạt. Ảnh: NVCC

Nhiều gia đình cả hai vợ chồng đều tham gia từ khi CLB mới thành lập. Bà thấy vui, hạnh phúc khi mọi người biết hát, biết diễn, được mời đi diễn khắp nơi. CLB được đi thi cuộc thi do Bộ VHTT&DL tổ chức lần đầu tiên của Đồng bằng sông Hồng được huy chương Vàng. Năm 2019, bà thi hát chầu văn ở Hà Nam, nhóm múa đi cùng. Mọi người nhiều việc nhưng vẫn nhiệt tình tham gia.

Trong CLB có cô Hạnh làm nghề bán phở ở phố Quan Nhân, quán nhà cô đông khách thường bán cả trăm cân bánh mỗi ngày nhưng gia đình luôn động viên cô tham gia CLB. Có những ông chồng ốm nhưng vẫn động viên vợ ra CLB sinh hoạt cho tinh thần vui vẻ.

"Mọi người đi diễn không quen đòi hỏi thù lao bởi làm nghiệp dư nên không nghĩ đến kinh tế. Các điểm diễn cũng trả thù lao nhưng nhiều khi chúng tôi lại ủng hộ lại người ta"- nghệ nhân Kim Dung chia sẻ.

Ngoài tham gia CLB nghệ nhân Kim Dung còn dạy cho trẻ khuyết tật quận Thanh Xuân. Kể lại lần dạy múa cho các cháu khuyết tật nghệ nhân Kim Dung xúc động: "Có cháu sau lưng có cục u to bằng bát tô úp trên vai, tôi không kìm được nước mắt hỏi cháu "Con có múa được không?". Cháu bảo "Cô cứ dạy con đi, con múa được hết".

Nghệ sĩ nông dân gìn giữ di sản văn hóa thời Covid Bài 2: Người "đốt cháy" trái tim mình cho nghệ thuật hát xẩm - Ảnh 5.

Nhóm trẻ khuyết tật quận Thanh Xuân biểu diễn bài múa do nghệ nhân ưu tú Phan Thị Kim Dung hướng dẫn. Ảnh: NVCC

Trưa về tôi gọi cho cô bên trường khuyết tật bảo: "Tình hình không ổn đâu, chị nhìn chúng nó tập mà thương lắm! Mà chúng nó vô tư và nhiệt tình quá!". Nhóm trẻ bà dạy có 5 em khuyết tật chân, tay,… hầu như khuyết tật nặng. Có bạn Minh Châu chỉ cao 80cm. Bà dạy các em một bài múa trên nền bài hát văn của bà diễn, các bạn không hát được do nói ngọng vì mặt bị biến dạng.

Có một động tác múa rất khó khăn với các bạn là múa hoa sen. Do bị cụt tay, các bạn phải làm chun ở khuỷu tay rồi cài hoa sen vào đó. Có bạn đi lại khó khăn, mỗi động tác đều không dễ dàng. Chính vì đam mê của các bạn mà bà cố gắng truyền tải, dạy kỹ từ những động tác nhỏ nhất. Tại các cuộc thi trẻ khuyết tật nhóm đều mang bài bà dạy đi diễn và được đánh giá rất cao, nhóm vừa được giải thưởng của một cuộc thi ở Ấn Độ. Giờ các bạn vào diễn ở cả các trường đại học, trên các sân khấu.

Giới trẻ gìn giữ tinh hoa hát xẩm

Các thành viên của CLB Dân ca làng Mọc, Quan Nhân còn được bà đích thân tìm tuyển từ các trường cấp 1. Bà tuyển gần 200 em. Dần dần lọc những em có năng khiếu giữ lại. Khi gặp các em nhỏ bà hỏi: "Bà có bộ môn này, các cháu xem có thích không?". Rồi bà hát thử, các cháu nghe rồi đăng ký luôn. 

Trước khi dạy bà phải có giáo án, phân tích xem thể loại này nội dung về cái gì, dạy cách lấy hơi, nhả chữ, đánh phách … Trẻ con tiếp thu rất nhanh, bà nói một lần là hiểu. Bà đặt ra mục tiêu mình làm được 10 thì các cháu phải làm được 9. Trong CLB có rất nhiều cháu đã tỏ rõ năng khiếu và niềm đam mê như: Hà Vy, Thùy Chi, Linh Đan, Linh Chi, Hồng Hạnh, Gia Linh, Thảo Nguyên, Minh Hiền…

Nghệ sĩ nông dân gìn giữ di sản văn hóa thời Covid Bài 2: Người "đốt cháy" trái tim mình cho nghệ thuật hát xẩm - Ảnh 6.

Nghệ nhân Phan Thị Kim Dung đặt rất nhiều kỳ vọng vào các cháu nhỏ của CLB. Ảnh: NVCC

Gia đình của bé Hồ Hà Vy (lớp 3A4 trường Tiểu học Nguyễn Tuân) từng có 4 đời sống ở phố cổ Hà Nội nên rất yêu thích hát xẩm. Mỗi lần Hà Vy đi học thì cả nhà đi cùng ngồi nghe suốt 2 tiếng đồng hồ. Thậm chí bố bé còn ghi âm về để tối cùng học với con. Bé Nguyễn Thái Thùy Chi cũng 1 người đi học thì 4 người đi theo xem gồm bố mẹ và 2 em của Thùy Chi. Bố mẹ Thùy Chi từng nói với bà Kim Dung: "Ngày xưa con được nghe hát xẩm trên ti vi rất thích, nay được gặp bà chúng con rất quý, bà cố gắng khỏe mạnh để dạy các cháu!".

"Bây giờ mọi người diễn tốt, kinh tế ổn định. Tôi cảm thấy yên tâm, tự hào, đi đâu CLB cũng được đánh giá cao, trang phục chỉn chu" - Bà cảm thấy CLB này phát triển rất tốt, mọi người đều biết chuyên môn, chỉ bảo lẫn nhau. Giờ bà tập trung cho bọn trẻ.

Bà mong truyền cho các cháu thiếu nhi, giữ lại nghệ thuật truyền thống nên dạy rất kĩ từ cách lấy hơi, nhả chữ, nhịp phách, tiết tấu, cao độ,… giữ được cốt cách hát xẩm như thế nào, hát văn ra sao,… cố gắng để lớp trẻ giữ được tinh hoa. Nghệ nhân Kim Dung mong nghệ thuật truyền thống tồn tại mãi mãi và sự lan tỏa ngày càng rộng hơn.

Trong thời gian Covid-19 CLB không hoạt động được. Bà chuyển những bài thơ 6/8 của các cụ trong CLB viết sang thành bài hát, rồi ghi âm cho các thành viên về tự học. Chờ ngày qua dịch Covid-19, CLB sẽ tiếp tục sinh hoạt và thực hiện các hoạt động đã dự định còn dang dở.

Năm 2015, nghệ nhân Phan Thị Kim Dung giành Huy chương Vàng hát Xẩm Nhị tình lời cổ tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng đàn, hát dân ca của Bộ VHTT&DL. Năm 2019, NNƯT Kim Dung giành giải Ba hát Xẩm miền Bắc do Bộ VHTT&DL tổ chức… Năm 2010, bà được công nhận là Nghệ nhân dân gian. Năm 2015, bà được công nhận là NNƯT. Năm 2021, bà đang được đề nghị phong tặng Nghệ nhân Nhân dân.

Đau đáu bảo tồn và truyền dạy ca trù 

Nghệ nhân Đoàn Văn Hựu từng thành viên CLB ca trù Thăng Long và giờ là chủ nhiệm CLB ca trù Hoa Hựu, tại Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.

Là người xuất thân trong môi trường nghệ thuật dân gian, nghệ nhân Đoàn Văn Hựu vẫn luôn đau đáu trong việc bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là ca trù.

Ông vốn là tay trống chính của CLB ca trù Thăng Long, thế rồi sau một lần tai nạn bị gẫy tay ông chuyển sang làm vai trò quản lý. Không đành lòng vì cánh tay yếu của mình mà giảm đi tình yêu sâu đậm với ca trù, ông bàn với con gái lấy luôn ngôi nhà của mình làm CLB  chuyên dạy ca trù cho các cháu nhỏ, như một cách đi khác cho di sản văn hóa phi vật thể này.

Nghệ sĩ nông dân gìn giữ di sản văn hóa thời Covid Bài 2: Người "đốt cháy" trái tim mình cho nghệ thuật truyền thống - Ảnh 8.

Nghệ nhân Đoàn Văn Hựu và con cháu cùng đam mê và gìn giữ nghệ thuật ca trù. Ảnh NVCC

 

CLB Hoa Hựu ra đời từ đó và nghệ nhân Đoàn Văn Hựu đã đi nhiều nơi, thâu nạp thành viên cho CLB. Ông đến lớp mẫu giáo gần nhà, giới thiệu các cô giáo về chương trình miễn phí của mình và đề nghị được dạy các cháu một tuần 2 buổi.  Các bé mẫu giáo học rất nhanh, biểu diễn được cả một chương trình. Khi có chương trình ở Văn Miếu Quốc Tử Giám các cháu biểu diễn và được giải.

Ông tìm đến một nghệ sĩ đoàn chèo quân đội, sau một lần xem bà biểu diễn một trích đoạn về ca trù ở bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông đến tận nhà nghệ sỹ để dạy, sau sự nhiệt tình của ông, dần dần, nữ nghệ sỹ đó cũng đến CLB Hoa Hựu sinh hoạt.

Nghệ nhân Đoàn Văn Hựu nói rằng ở các nước phương Tây, trẻ em được học âm nhạc từ nhỏ. Còn ở Việt Nam đa số dân nghèo không có điều kiện học đàn, học nhạc. Ông đã nghiên cứu và thấy rằng ca trù hay ở chỗ vừa gõ phách vừa hát. Dạy ca trù cho các em từ mẫu giáo rất có lợi: tay gõ, mắt nhìn, tai nghe, miệng đọc… Đạo cụ chỉ cần 2 cây đũa, rất hiệu quả cho các giác quan được linh hoạt. Bộ môn này rất có ích cho sự phát triển toàn diện của các cháu nhỏ.

Nghệ nhân Đoàn Văn Hựu mong muốn đưa ca trù vào giảng dạy ở bậc mẫu giáo để các em nhỏ được phát triển toàn diện các giác quan do lợi ích của ca trù mang lại. (Nguồn: CLB Hoa Hựu)

"Phách, nhạc đều học trên khẩu không cần phải viết thành nốt nhạc. Phương pháp này phát huy truyền thống của các cụ là dạy trên khẩu cộng với công nghệ hiện đại bây giờ là hình ảnh thì ở đâu cũng có thể học được. Không chỉ ca trù mà các thể loại âm nhạc dân gian Việt Nam như: trống quân, quan họ, tuồng, chèo, cải lương... đều như thế" – nghệ nhân Đoàn Văn Hựu cho biết.

Nghệ nhân Đoàn Văn Hựu chia sẻ thêm: "Cô giáo không cần phải là người giỏi về ca trù, trong khi dạy cô có thể học luôn và một hai lần có kinh nghiệm là cô trở thành người giỏi. Việc truyền dạy văn hóa dân tộc cho các cháu ngay từ khi còn đi học sẽ ngấm vào người, sau này sẽ dễ dàng phát triển, có thể phát triển ra thế giới. Hiện tại, với sự hội nhập, giao lưu, tiếp xúc văn hóa, thế hệ trẻ đa số đi theo nền âm nhạc nước ngoài cho nên văn hóa dân gian Việt Nam dần bị mờ nhạt đi.

Nghệ sĩ nông dân gìn giữ di sản văn hóa thời Covid Bài 2: Người "đốt cháy" trái tim mình cho nghệ thuật truyền thống - Ảnh 10.

Nghệ nhân Đoàn Văn Hựu và các học viên nhí của CLB ca trù Hoa Hựu. Ảnh NVCC

Mới đây thành viên của CLB Hoa Hựu đã đạt được 3 giải: "Tài năng trẻ xuất sắc" cho một thành viên sinh năm 1996, Giải B của các cháu nhỏ 4,5 tuổi về múa,  Giải A cho Nguyễn An Như về hát tại cuộc thi "Tài năng trẻ ca trù" lần thứ 2 của thành phố Hà Nội tổ chức. CLB Hoa Hựu cũng từng biểu diễn tại tượng đài Lý Thái Tổ.

"Trên thế giới không có thể loại nhạc nào như ca trù. Cách hát của ca trù ém hơi từ bụng, miệng hơi hé mở. Người ta chỉ nghe thấy âm thanh cao bổng, khi thì êm như suối, khi thì như chim hót. Khách du lịch thắc mắc là sao người hát mở bé miệng mà hát hay thế, điều đó gây ấn tượng cực kỳ sâu sắc với họ" - nghệ nhân Đoàn Văn Hựu.

An Như là một thành viên đặc biệt của CLB Họa Hưu. Bé là người khiếm thị, học sinh của con gái nghệ nhân Đoàn Văn Hựu bộ môn đàn thập lục ở Nhạc viện Hà Nội. An Như có mẹ rất yêu thích ca trù nên thường đưa cô bé đi xem mỗi khi CLB Thăng Long biểu diễn.

Sau khi tham gia CLB ca trù Hoa Hựu, cuộc sống của Như đã có những thay đổi ít nhiều. Từ một cố gái khép kín và ít nói, Như đã dần hòa nhập và có nhiều niềm vui. Khi mới tham gia sinh hoạt tại CLB, Như gặp rất nhiều khó khăn. Ban đầu Như còn tỏ ra e dè và ngần ngại với mọi người do những khiếm khuyết của mình. Khả năng cảm âm của Như bị ảnh hưởng nhiều do những trở ngại và khiếm khuyết của thị giác. Tuy nhiên, sau khi được mọi người trong CLB động viên và tận tình giúp đỡ, Như đã dần hòa đồng và nhanh chóng hoàn thiện cùng mọi người.

Nghệ sĩ nông dân gìn giữ di sản văn hóa thời Covid Bài 2: Người "đốt cháy" trái tim mình cho nghệ thuật truyền thống - Ảnh 12.

An Như - học sinh khiếm thị của nghệ nhân Đoàn Văn Hựu đạt Giải A tại cuộc thi "Tài năng trẻ ca trù" lần thứ 2 của Thành phố Hà Nội tổ chức. Ảnh NVCC

Với CLB ca trù, trong quá trình sinh hoạt Như luôn nhận được niềm vui và sự quan tâm của mọi người. Sau mỗi lần biểu diễn trên sân khấu hay được các phương tiện đại chúng quan tâm, Như đều tỏ ra rất vui và háo hức. Thông qua các hoạt động tại CLB, Như được mọi người biết đến và động viên nhiều hơn. Từ đó em cũng dần mở lòng và mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.

Mong muốn của nghệ nhân Đoàn Văn Hựu là truyền dạy và quảng bá ca trù bằng cách giới thiệu với khách du lịch nước ngoài. Qua ca trù, du khách được tìm hiểu nghệ thuật, từ đó biết đến văn hóa, cuộc sống của con người Việt Nam, vừa phát triển được nghề nghiệp cho những nghệ nhân ca trù.

(Còn tiếp)

Ca trù là loại hình nghệ thuật của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp. Ca trù là kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đứng thứ hai sau ả đào pansori của Hàn Quốc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem