Tại buổi tiếp xúc, cử tri TP.Đà Nẵng nêu lên nhiều vấn đề liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, các chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch…
Cử tri Phạm Xuân Thạnh (quận Hải Châu) cho rằng, việc phòng, chống dịch trong tình hình mới hiện nay khiến nhiều ca mắc Covid-19 tại Đà Nẵng gia tăng.
"Cần phải giám sát chặt hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch, có những chế tài răn đe các hành vi vi phạm theo quy định. Thời gian qua, việc xét nghiệm và tiêm vaccine trên địa bàn thành phố đạt được nhiều kết quả tốt, tuy nhiên, tôi đề nghị cần có quy chế giám sát chặt hơn trong quy định về giá xét nghiệm. Đặc biệt là quy định giá cho mũi tiêm tăng cường nếu có trong thời gian tới", cử tri này nói.
Nhiều cử tri cũng băn khoăn về tiến độ các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố. Cử tri Lê Đình Thi (quận Cẩm Lệ) đề nghị Quốc hội nên quan tâm đến một số công trình trọng điểm tại Đà Nẵng.
"Có rất nhiều công trình chỉ hứa mà chưa thực hiện được, ví dụ như di dời Ga đường sắt, dự án Bến cảng Liên Chiểu sau dịch vẫn chưa nghe thông tin gì, hay một số công trình dở dang như sân vận động Chi Lăng, khu đô thị Đà Phước cũng còn bỏ ngỏ", cử tri Lê Đình Thi nói.
Phát biểu giải trình tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng khẳng định, kết quả phòng chống dịch của Đà Nẵng thời gian qua là thắng lợi của tinh thần trách nhiệm, sự đồng thuận, là sức mạnh nhân dân thành phố.
"Cuộc chiến chống dịch còn ghê gớm hơn chống giặc, mà nếu không có sức mạnh, sự đồng thuận của người dân thì chúng ta sẽ không có được kết quả như thời gian vừa qua. Tôi đề nghị cử tri, nhân dân toàn thành phố tiếp tục đồng hành, ủng hộ các chủ trương, biện pháp chống dịch trong thời gian tới. Người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để bảo vệ cho chính mình, cho người thân và gia đình. Đó là biện pháp hiệu quả nhất", ông Quảng nói.
Bí thư Đà Nẵng cũng nhấn mạnh, công tác kiểm soát người và phương tiện từ các địa phương khác là cần thiết phải duy trì, thực hiện quyết liệt để giám sát, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cần thiết. Thực tế, thời gian qua đã có một số trường hợp vi phạm và lãnh đạo thành phố đã có những chỉ đạo xử lý nghiêm.
"Đến thời điểm nay, Đà Nẵng cơ bản đang kiểm soát được dịch. So với nhiều địa phương thì hiện Đà Nẵng có số ca mắc Covid-19 trong ngày ở mức thấp. Tuy nhiên, điều này không cho phép chúng ta được chủ quan mà phải xác định tình hình dịch vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại trên địa bàn thành phố", ông Quảng yêu cầu.
Về vướng mắc tại các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố, Bí thư Đà Nẵng cho hay, hiện địa phương đang tích cực kêu gọi các nhà đầu tham gia vào dự án di dời Ga đường sắt.
"Vấn đề này đã tồn tại nhiều năm, đến giờ vẫn rất khó, vướng nhiều về mặt cơ chế đặc biệt là tìm nhà đầu tư để đầu tư và dự án này. Thành phố đã kêu gọi nhưng hiện nay chưa có nhà đầu tư nào quan tâm, vì họ nhìn thấy rất nhiều khó khăn", ông Quảng nói.
Liên quan đến dự án Bến cảng Liên Chiểu, ông Quảng cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương, thành phố đang triển khai, phấn đấu đến cuối năm 2022 sẽ khởi công dự án.
"Còn về các dự án như sân vận động Chi Lăng, khu đô thị Đa Phước, chúng tôi đã có báo cáo rất cụ thể, các dự án này không thuộc thẩm quyền thành phố", Bí thư Đà Nẵng nói thêm.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển của Đà Nẵng, mới đây là thông qua nghị quyết về chính sách đặc thù, xây dựng chính quyền đô thị và một cơ chế cho Đà Nẵng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng, Đà Nẵng cần chuẩn bị kỹ, nghiêm túc trong việc xây dựng địa phương thành trung tâm lớn về kinh tế - xã hội không chỉ của Việt Nam mà còn của cả vùng Đông Nam Á. Trong đó, xác định Đà Nẵng là trung tâm của khởi nghiệp, của đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính...
"Trong quá trình phát triển của Đà Nẵng, thành tích đạt được nhiều, nhưng cũng có những thiếu sót và sai lầm. Để khắc phục cần phải kiên trì, tích cực phối hợp với các cơ quan T.Ư thì mới giải quyết được. Đặc biệt là trong việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán, thực hiện các bản án đã có hiệu lực. Để giải quyết được những điều này, phải căn cứ vào lịch sử của quá trình sử dụng đất, kinh nghiệm thực tế với các địa phương có vấn đề tương tự", Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nói.