Dân Việt

Nông sản ngon nhưng chế biến, đóng gói kém nên giá bán lúc lên lúc xuống

Trần Quang 24/11/2021 07:00 GMT+7
Chia sẻ tại diễn đàn trực tuyến "Kết nối tiêu thụ rau vụ đông các tỉnh đồng bằng sông Hồng" mới đây (do Diễn đàn kết nối nông sản 970 tổ chức), nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, HTX cho rằng, để nông sản có chỗ đứng, dễ tiêu thụ, các địa phương cần đẩy mạnh đầu tư chế biến, đóng gói.

Nông sản ngon nhưng khâu chế biến, đóng gói kém

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Ngô Mạnh Ngọc - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam cho hay: Sản lượng rau vụ đông 2021-2022 của Hà Nam dự kiến đạt 70.800 tấn. 

Trong đó, lượng rau từ nay đến Tết Nguyên đán cần bán ra ngoài tỉnh là 15.000 tấn, chiếm 28%, trung bình 3.750 tấn/tháng thông qua thương lái, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản sạch.

Tuy nhiên, thời vụ thu hoạch tập trung các cây trồng vụ đông cuối tháng 12 đến đầu tháng 1 nên đây là thời điểm rất cần huy động nhiều doanh nghiệp, đối tác, thương lái tập trung thu mua nông sản cho nông dân.

Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc HTX rau an toàn Văn Đức cho biết, hiện HTX có 250ha chuyên canh rau, cho sản lượng khoảng 35.000 - 37.000 tấn/năm, trung bình mỗi ngày từ 70 - 80 tấn, cá biệt có những ngày thu gần 200 tấn rau.

Đẩy mạnh chế biến để tiêu thụ nông sản  - Ảnh 1.

HTX Rau an toàn Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) đưa sản phẩm đến trưng bày, giới thiệu tại diễn đàn trực tuyến "Kết nối tiêu thụ rau vụ đông các tỉnh đồng bằng sông Hồng" ngày 20/11. Ảnh: Trần Quang

Đẩy mạnh chế biến để tiêu thụ nông sản  - Ảnh 2.

"Dù giá rau trong thời gian qua tăng cao, có thời điểm tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng chỉ có khoảng trên dưới 30% sản phẩm rau Văn Đức tiêu thụ tại các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị. Còn lại đa phần người dân vẫn phải tiêu thụ tại các điểm chợ dân sinh, chợ đầu mối, rất bấp bênh" - ông Minh bộc bạch.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX Rau Văn Đức từng liên kết với doanh nghiệp đầu tư nhà sơ chế, đóng gói với diện tích trên 2.000m2, công suất 30 tấn/ngày, nhưng đến nay đơn vị này đã bỏ cuộc khiến HTX gặp rất nhiều khó khăn.

 "Hiện năng lực sản xuất rau của bà con Văn Đức khá cao, chất lượng sản phẩm tốt nhưng việc sơ chế, chế biến còn hạn chế dẫn đến việc tiêu thụ rất bấp bênh. HTX rất mong được nhà nước hỗ trợ cơ chế, thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, kho lạnh bảo quản để bà con yên tâm sản xuất ra sản phẩm tiêu thụ đến nhiều thị trường trong và ngoài nước" - ông Minh kiến nghị.

Đại diện cho các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam cho rằng: Nông sản của bà con nông dân hiện nay đã cải thiện được chất lượng nhưng vẫn yếu về sơ chế, đóng gói do số lượng các cơ sở này rất ít. 

"Từ kinh nghiệm xuất khẩu và bán lẻ nhiều năm qua, tôi cho rằng các địa phương cần đầu tư hơn vào chế biến, đóng gói hoặc tốt hơn là chế biến sâu để đáp ứng được tiêu chuẩn cho các nhà mua" - bà Diễm Hằng nói.

Theo lãnh đạo Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam, các địa phương có thể nghiên cứu, xem xét để đưa các hệ thống sơ chế, đóng gói về cấp HTX, từ đó hỗ trợ nông dân trong khâu này. 

Khi hệ thống sơ chế, đóng gói được đầu tư, bà Hằng cam kết sẽ ưu tiên cho hàng hóa của các hệ thống sản xuất vừa và nhỏ cũng như các HTX, các hộ nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm.

"Chúng ta phải hướng đến chế biến để đẩy mạnh xuất khẩu. Các địa phương hiện nay có nguồn hàng lớn, nông sản ngon, chất lượng nhưng hệ thống sơ chế, chế biến lại đang kém, chưa theo kịp năng lực sản xuất" - bà Nguyễn Thị Diễm Hằng nhận định và cho rằng, để đưa hàng hóa lên các quầy kệ trong siêu thị hoặc xuất khẩu, thì việc tăng cường sơ chế, chế biến là không thể chậm trễ.

Ông Trần Phương Minh - Giám đốc bộ phận xuất nhập khẩu Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Thagri cho biết, với lợi thế về logistics và kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm nông sản, Thagri rất mong muốn sẽ kết hợp với các HTX, vùng trồng của người dân, giúp người dân thấu hiểu xu hướng thị trường, thị hiếu thị trường.

Kết nối đưa nông sản vụ đông tới khu công nghiệp

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, vụ đông là vụ quan trọng nhất của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng với sản lượng xấp xỉ 2 triệu tấn, chủ yếu là cây ngắn ngày. Rau củ vụ này hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên rất ngon, chất lượng. 

Để giúp nông dân tiêu thụ nông sản an toàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 cần xây dựng chương trình kết nối nông sản an toàn vụ đông tới các trang trại, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho các khu công nghiệp.

"Cung ứng nông sản vẫn phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Tôi đề nghị chúng ta nên lưu ý kết nối doanh nghiệp cung ứng thực phẩm. Các doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ nông sản nên liên hệ với các đơn vị như Co.op Mart, Big C để trao đổi thông tin" - Thứ trưởng Thanh Nam nói. 

Với sản phẩm hữu cơ, ông Nam cho biết Bộ đang triển khai các chương trình liên quan. Nhu cầu về sản phẩm này sẽ tăng, Bộ đang nghiên cứu thêm các tiêu chuẩn, rất mong các doanh nghiệp tham gia.