Trồng thứ củ to dài ngoằng, nông dân chế biến thành thức uống có tác dụng "hạ nhiệt" cơ thể

T. Ngọc Thứ hai, ngày 15/11/2021 09:39 AM (GMT+7)
Gia đình ông Bùi Văn Tùng ở thôn Nguyên Ngoại, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình đã gắn bó với nghề trồng sắn dây hơn 10 năm để lấy củ chế biến thành bột sắn dây và đem đi thi sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Bình.
Bình luận 0

Lúc đầu, gia đình ông Bùi Văn Tùng trồng và chế biến sắn dây thủ công nên rất vất vả. Năm đầu thu củ, gia đình ông làm được 50 kg bột bán trung bình 100.000 đồng/kg bột, trừ phí đầu tư ban đầu, có lãi nhưng chưa được nhiều. Khách mua bột sắn dây cũng chỉ là người quen, bạn bè, hàng xóm.

Trồng thứ củ to dài ngoằng, nông dân chế biến thành thứ bột uống vào có tác dụng "hạ nhiệt" cơ thể - Ảnh 1.

Rửa củ sắn để đưa vào chế biến, tạo ra bột sắn dây có tác dụng "hạ nhiệt" cơ thể. Ảnh: NVCC.

Khi nhiều người biết tiếng về chất lượng bột sắn dây gia đình ông làm tốt, một số người ở thôn, xã khác, thậm chí huyện khác gọi điện đến đặt mua. Nhưng do diện tích trồng sắn ít nên sản lượng không nhiều, chỉ đủ để bán cho trong làng, trong xóm. 

Thấy vậy, ông nghĩ sao không mở rộng diện tích trồng sắn dây để chế biến tinh bột sắn bán. Việc này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho gia đình mà còn giúp lan tỏa công dụng của bột sắn dây tới mọi người đang có nhu cầu tiêu dùng.

"Cuối năm 2015,  gia đình tôi mở rộng diện tích trồng cây sắn dây ở vùng đất huyện Nho Quan, thuê lao động tại địa phương làm thường xuyên là 3 người để trồng và chăm sóc cây, lúc thu hoạch củ thì cần 15 người tham gia" - ông Tùng thông tin và cho biết từ diện tích hơn 1 ha, đến nay gia đình ông đã tạo thành vùng nguyên liệu sắn dây tập trung khoảng 4ha và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng thêm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Trong quá trình chế biến bột sắn, khâu ông Tùng quan tâm nhất là lọc bột: "Lọc bột sắn rất kì công. Nếu lọc ít quá, bột sẽ không được sạch, lắng cạn, màu không được trắng, sẽ bị ngà vàng. Nhưng lọc nhiều quá, sẽ mất hết tinh bột và các chất dinh dưỡng trong bột. Bởi vậy, khi lọc cần để lắng một ngày, sau đó mới đem lọc cặn có trong bột. 

Thời tiết là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm bột. Do đó, gia đình ông Tùng đã đầu tư hệ thống máy móc trang thiết bị như: máy rửa công suất cao, máy nghiền tinh bột, rồi máy sấy nhiệt để giữ nguyên màu sắc, hương vị và chất lượng của sản phẩm tinh bột sắn dây.

Để nâng cao chất lượng và tạo dựng lòng tin cho khách hàng, ông Tung dự định trong năm tới sẽ xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm "Tinh bột sắn dây Thanh Tùng"; thực hiện đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) để bảo vệ quyền sở hữu, thiết kế logo, bao bì, mẫu mã và tem truy xuất nguồn gốc, xác minh 100% sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Cùng với đó, gia đình sẽ đầu tư máy hút chân không, giúp bảo quản sản phẩm được lâu hơn.

Trong năm 2021, ông Tùng đã đem sản phẩm "Tinh bột sắn dây Thanh Tùng" của gia đình tham gia thi sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Bình với mong muốn khẳng định chất lượng và thương hiệu sản phẩm tinh bột sắn dây do cơ sở sản xuất, chế biến.

Bột sắn dây ta có đặc tính mát nên thường sử dụng để trị táo bón, đặc biệt trẻ nhỏ bị táo bón, hoặc người bị nóng trong người lấy củ giã lọc bột uống rất hiệu quả. Bột sắn dây làm mát cơ thể, nhanh chóng hạ nhiệt, tỉnh rượu, cơ thể trở về trạng thái ban đầu sớm nhất không còn triệu chứng nhức đầu, khó chịu, nóng trong người, ói mửa sau "chè chén" gây ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem