Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Hải Dương vừa phối hợp với Cục Kiểm lâm và tổ chức bảo vệ Động vật thế giới (WAP), Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV) tiến hành kiểm tra gấu sau gắn chíp tại địa bàn tỉnh Hải Dương.
Qua kiểm tra, các cơ sở nuôi gấu đều đáp ứng yêu cầu về điều kiện nuôi nhốt, gấu phát triển tốt, chíp gắn trên gấu hoạt động tốt. Đoàn kiểm tra đã thực hiện vận động hộ gia đình tự nguyện trao trả gấu cho nhà nước nhưng các gia đình bày tỏ quan điểm đã chăm sóc, gắn bó nhiều năm và có tình cảm sâu sắc với loài gấu nên chưa thực hiện việc giao nộp.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Phạm Hồng Hải, Chi cục Trưởng chi cục Kiểm Lâm tỉnh Hải Dương cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn 3 cá thể gấu. Các cá thể gấu nuôi trong các hộ đều được gắn chíp điện tử để các cơ quan chức năng giám sát và quản lý quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng.
Các cá thể gấu hiện đang được chăm sóc và phát triển tốt. Chúng được các hộ nuôi lâu đời và coi như người bạn trong gia đình họ. Có cá thể gấu còn sống trong các hộ dân tới 20 năm.
"Do các cá thể gấu đã gắn bó với người dân lâu ngày nên việc trả về với tự nhiên phải trải qua các quy trình và được các giới chuyên môn chăm sóc. Có như vậy, các cá thể gấu này mới có thời gian thích nghi, làm quen với môi trường mới và tồn tại được", ông Hải cho biết thêm.
Được biết, thức ăn cho gấu chủ yếu là cháo, mật ong, xương gà… Mỗi cá thể gấu có trọng lượng khoảng trên dưới 1 tạ được nhốt trong chuồng riêng.
Ông Phan Văn Hòa, sinh năm 1953 tại xã Hà Kỳ (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) là một trong 3 hộ nuôi gấu hiện nay cho biết, gia đình ông gắn bó với chú gấu hơn 20 năm nay. Đó là con vật đã cứu ông qua trận ốm thập tử nhất sinh. Giờ ông nuôi nó coi như người bạn, như ân nhân đã cứu sống mình. Hiện nay, cá thể gấu tại gia đình ông đã được gắn chíp để các cơ quan chức năng dễ quản lý. Ông cũng chưa sẵn sàng cho việc phải rời xa nó.
"Tôi vẫn đang chăm sóc gấu rất tốt, cứ nhìn vào nó là biết. Nhà tôi có vườn rộng nên hoa quả, thức ăn cho gấu thoải mái", ông Hòa hồ hởi khoe.