CUỘC SỐNG CỦA NHỮNG CHÚ GẤU BÊN TRONG TRUNG TÂM CỨU HỘ LỚN NHẤT VIỆT NAM

Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo là nơi cưu mang hàng trăm cá thể gấu trong nhiều năm trở lại đây, hầu hết những cá thể gấu ở đây đều là nạn nhân của hoạt động buôn bán, tàng trữ động vật hoang dã trái phép và nền công nghiệp hút mật hiện đang khá phổ biến.


Video: Toàn cảnh trung tâm cứu hộ gấu ở Tam Đảo.

TRUNG TÂM CỨU HỘ GẤU LỚN NHẤT VIỆT NAM

Dự án xây dựng trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam do Tổ chức Động vật châu Á (AAF) đầu tư gần 3,4 triệu USD, được khởi công xây dựng năm từ năm 2006, sau khi được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chấp thuận, phê duyệt. Đây được coi là trung tâm cứu hộ gấu lớn nhất Việt Nam.

Nằm ở thung lũng Chắt Dậu thuộc Vườn Quốc Gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc), trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam là nơi đầu tiên có chức năng cứu hộ gấu mang tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam.

Với diện tích khoảng 12 ha, đây là nơi chăm sóc trọn đời cho khoảng 200 cá thể gấu cũng như tạo công ăn việc làm cho gần 100 nhân viên địa phương, cùng với sự tham gia chăm sóc của các chuyên gia nước ngoài.


Khám phá cuộc sống của những chú gấu trong "thiên đường" lớn nhất Đông Nam Á - Ảnh 1.

Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam nằm cách Hà Nội khoảng 70 km, thuộc địa bàn huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc).

Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam được xây dựng theo tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt với thiết kế thân thiện với môi trường và cảnh quan. Nơi đây có hai hệ thống xử lý nước thải hiện đại có khả năng xử lý, thanh lọc mỗi ngày 70 m3 nước thải sinh hoạt từ các nhà gấu theo quy trình xử lý nước sinh học, nhằm đảm bảo hoạt động của trung tâm không gây ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước tự nhiên của địa phương.


img
img

Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam có gần 30.000 m2 không gian bán hoang dã ngoài trời được thiết kế và trang bị nhằm khuyến khích các hành vi tự nhiên của gấu.

NHỮNG CUỘC GIẢI CỨU NGOẠN MỤC

Hầu hết những cá thể gấu sống trong Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam đều được cứu thoát từ các trang trại nuối hút mật gấu để phục vụ cho lợi ích kinh tế của con người, mặc dù hành vi nuôi gấu lấy mật đã bị cấm tại Việt Nam.

Ở các trang trại, chúng bị nhốt suốt đời trong lồng sắt thậm chí đến hơn 25 năm. Để thực hiện hành vi hút mật, gấu bị đánh thuốc mê rồi dùng máy siêu âm để xác định vị trí túi mật. Sau đó đâm liên tiếp những mũi kim dài tới 10 cm chưa qua khử trùng vào bụng gấu cho đến khi tìm thấy túi mật. Trung bình cứ 20 ngày, các cá thể gấu lại bị hút mật một lần.


Khám phá cuộc sống của những chú gấu trong "thiên đường" lớn nhất Đông Nam Á - Ảnh 3.

Chiếc cũi sắt được trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo mang về trong một hành trình đi giải cứu những chú gấu trong trại hút mật.

Năm 2010, sự kiện 25 con gấu của một ông chủ người Đài Loan tại cơ sở H.TH ở ấp 3, xã Khánh Bình (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) do nuôi nhốt không đáp ứng yêu cầu theo quy chế về quản lý nuôi gấu buộc phải giao nộp cho cơ quan chức năng đã thu hút sự quan tâm của dư luận về đợt cứu hộ gấu lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam.

Biết được thông tin trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo (thuộc Tổ chức Động vật châu Á) đã tiến hành cứu hộ 19 con gấu của cơ sở này (6 con khác được chuyển giao cho Công ty cổ phần Đại Nam, Bình Dương). 


img
img
img

Cho đến tháng 9/2020, Tổ chức Động Vật Châu Á đã cứu hộ được 219 cá thể gấu ở Việt Nam, trong đó có 187 cá thể vẫn đang sống yên ổn ở trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam. Riêng từ đầu năm 2020 tới nay, 8 cá thể gấu đã được cứu hộ từ Vĩnh Phúc, Nam Định, Yên Bái, và Gia Lai đưa về trung tâm. Hơn 20 chú gấu được giải cứu khi chúng vẫn còn nhỏ và đang trên đường bị những kẻ buôn lậu vận chuyển đến các trại khai thác mật.

Sau 2 ngày đưa những chú gấu trong khu nuôi nhốt về trung tâm cứu hộ ở Tam Đảo, các chuyên gia y tế của Tổ chức Động vật châu Á đã khẩn trương tiến hành khám, kiểm tra tổng thể cho các cá thể gấu. Trong số 19 con gấu được giải cứu lần này có một con bị mù hoàn toàn và hai con khác bị cụt chân do dính bẫy của dân săn bắn trộm.

Một nhân viên của trung tâm cứu hộ cho biết, sau khi được đưa về, một số cá thể gấu có dấu hiệu hoảng loạn kéo dài như đứng đung đưa toàn thân liên tục hàng tiếng đồng hồ không nghỉ. Tuy nhiên, sau một thời gian được chăm sóc và bảo vệ tại trung tâm, các cá thể gấu đã dần lấy lại được bản năng hoang dã của mình và không còn phải chịu đau đớn đến từ các mũi kim hút mật.

THIÊN ĐƯỜNG DÀNH CHO LOÀI GẤU

Hiện nay, trong trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam ở Tam Đảo đang có 187 cá thể gấu, trong đó có 12 cá thể gấu chó, còn lại là gấu ngựa. Mỗi ngày chúng đều được các nhân viên trong trung tâm chăm sóc tận tình từng bữa ăn, giấc ngủ, theo dõi và ghi chép tình hình sức khỏe hằng ngày.


Khám phá cuộc sống của những chú gấu trong "thiên đường" lớn nhất Đông Nam Á - Ảnh 5.

Những con gấu mới đưa về, sau khi điều trị nhận thấy sức khỏe con gấu nào dần dần ổn định, lúc đó quá trình hòa nhập sẽ bắt đầu, gấu sẽ được đưa vào buồng và tiếp xúc với các cá thể gấu khác trong những điều kiện hạn chế nhất định.

img
img
img

Món ăn yêu thích của gấu là hoa quả và mật ong.

Sau khi được cứu hộ và đưa về trung tâm, gấu sẽ được đưa tới khu bán hoang dã để tập thói quen sống bầy đàn. Đây là khu đẹp nhất tại trung tâm với 2 dãy nhà có 24 chuồng nuôi đặt ở giữa, hai bên là khuôn viên bán tự nhiên rộng 5.000 m2 với thảm cỏ, hồ, núi, hang, xích đu. Khu vực này dành cho những cá thể gấu đã được chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, có không gian để vận động và tập lại những thói quen.


img
img
img

Để bảo đảm an toàn, bao quanh khu gấu có 2 lớp hàng rào, bên ngoài là lưới thép cao hơn 2 m, bên trong là dây điện trần. Toàn bộ đều được bảo vệ nghiêm ngặt có hàng theo mô hình doanh trại.


img
img
img
img

Thức ăn được cho vào trong ống tre, hộp nhựa, trong phiến đá hay treo cao lên các thanh gỗ để gấu vận động, tốt cho sức khỏe và hỗ trợ chúng lấy lại bản năng vốn có.

img
img
img

Tất cả thức ăn dành cho gấu trong ngày đều phải lên thực đơn, bảo quản trong phòng lạnh và đảm bảo vệ sinh.

Để gấu có thể phục hồi sức khỏe và phát triển tốt, việc chuẩn bị và cho gấu ăn là rất quan trọng. Thực đơn của gấu bao gồm rất nhiều loại rau, củ quả và không thể thiếu những món yêu thích của gấu như nước mật ong ướp đá, yến mạch đựng trong hồ lô, sữa chua trộn quả khô.


Khám phá cuộc sống của những chú gấu trong "thiên đường" lớn nhất Đông Nam Á - Ảnh 10.

Gấu cũng liên tục được theo dõi tình trạng sức khỏe. Các bác sĩ cho biết, hiện trung tâm đã có nhiều thiết bị thú y tốt và hiệu quả. Chị Heidi Quine – Giám đốc Thú y và quản lý gấu của trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam, người đã gắn bó 9 năm với trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo.

Trung bình 2 năm, các cá thể gấu tại trung tâm sẽ được khám sức khỏe định kỳ 1 lần. Trong suốt quá trình chăm sóc cho các cá thể gấu, các nhân viên sẽ phải ghi chép lại tình hình sức khỏe của từng cá thể và nếu có biểu hiện bất thường sẽ báo tình hình lên chuyên gia.


img
img
img

Trong trung tâm sẽ có một nhóm chuyên trách ghi chép lại tình hình của những chú gấu trong ngày.

Chị Bình đã gắn bó với công việc chăm sóc gấu tại trung tâm cứu hộ đến nay cũng đã được 10 năm, ngồi quan sát bầy gấu chị cho biết: "Những chú gấu ở đây rất đáng thương, hầu hết cá thể gấu nào cũng bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý do bị nuôi nhốt quá lâu và chịu nhiều tổn thương vì bị hút mật. Vì vậy, chúng tôi phải cố gắng hết sức chăm sóc, tạo mọi điều kiện tốt nhất về môi trường và sinh hoạt cho chúng. Hàng ngày, sẽ phải quan sát hết các cá thể gấu trong chuồng, có biểu hiện lạ, lập tức tôi sẽ thông báo lên thú y và các chuyên gia".


img
img
img
img

Để cứu chữa và phục hồi cho từng con gấu, các chuyên gia, bác sĩ và điều dưỡng viên ở trung tâm phải miệt mài chăm bẵm từng ngày.

Hiện trung tâm đang nuôi trồng, phát triển một vườn thảo dược gồm những loài cây thuốc và cây hoa truyền thống đóng vai trò là giải pháp thay thế cho việc sử dụng mật gấu. Qua đó có thể phần nào cứu những chú gấu thoát khỏi nạn rút mật gấu.

TS. Tuấn Bendixsen – Giám đốc trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam – Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam cho biết: "Các cá thể gấu trưởng thành mà chúng tôi tiếp nhận ở Việt Nam đều bị các bệnh lý từ nhẹ tới nghiêm trọng, chẳng hạn như; tổn thương túi mật, sẹo ở các cơ quan trong ổ bụng và sỏi mật do quá trình hút mật, răng bị vỡ… đến đây các chuyên gia phải tích cực chữa trị để đảm bảo cho các cá thể gấu có thể sinh trưởng bình thường".

TS. Tuấn Bendixsen chia sẻ thêm, trung tâm cứu hộ gấu sẽ là nơi trọng điểm cho công tác giáo dục cộng đồng về các vấn đề bảo tồn và chăm sóc sức khỏe cho loài gấu trong môi trường bán hoang dã. Công tác nâng cao và phổ biến kiến thức, nhận thức về những mặt trái của nạn buôn bán mật gấu là vi phạm pháp luật, sẽ giúp người dân nâng cao nhận thức về việc không nên sử dụng mật gấu, từ đó giảm nhu cầu tiêu thụ trong tương lai.


NGỌC HẢI



Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem