Phân tích về việc phải chấp nhận "có Covid-19" trong giai đoạn hiện nay, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết: "Khi thực hiện mở cửa để các hoạt động trở lại bình thường thì chúng ta phải chấp nhận số ca mắc có thể tăng. Do đó, người dân không nên hoang mang khi hàng ngày vẫn có thông báo về các ca Covid-19 mới, các ổ dịch ở đâu đó.
"Hiện virus SARS-CoV-2 đã tổn tại trong cộng đồng trên diện rộng nên việc một ngày "sạch Covid-19" là chưa thể xảy ra trong thời gian tới. Mục tiêu lớn nhất của chúng ta hiện nay là đẩy mạnh tiêm phủ vaccine Covid-19 để tăng cường miễn dịch cộng đồng, đồng thời giảm người mắc Covid-19 bị triệu chứng nặng", PGS Phu nói.
Đồng thời, PGS Phu cũng cho rằng vẫn cần có các biện pháp khoanh vùng ở diện hẹp tại các ổ dịch nhỏ, xét nghiệm phát hiện F0 để cách ly F0 khỏi cộng đồng, tránh để dịch bùng phát trên diện rộng.
Theo PGS Phu, hiện nay số người chưa được tiêm vaccine Covid-19 trong cộng đồng còn nhiều. Nếu những người này mắc Covid-19 thì nguy cơ bị bệnh nặng, phải nhập viện lớn. Nếu vậy hệ thống y tế sẽ quá tải, nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong.
"Tiêm vaccine vẫn có thể mắc virus SARS-CoV-2 nên người dân dù đã tiêm vaccine vẫn phải thực hiện tốt 5K để tránh lây virus cho người chưa tiêm vaccine, người có bệnh nền", PGS Phu khuyến cáo.
Bộ Y tế vừa có Quyết định 5804/QĐ-BYT thành lập 3 Đoàn kiểm tra việc triển khai công tác bảo đảm khả năng thu dung, điều trị, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Các đoàn sẽ do lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh làm trưởng đoàn sẽ kiểm tra công tác bảo đảm khả năng thu dung, điều trị, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và xét nghiệm SARS-CoV-2, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tránh tình trạng lạm thu sau khi hết dịch tại các địa phương được Bộ trưởng Bộ Y tế phân công.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị Covid-19 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định: "Với diễn biến dịch bệnh hiện nay, tiêu chí đánh giá 100.000 ca Covid-19 mới một tuần không còn quá quan trọng.
Xu hướng hiện nay là tập trung đánh giá tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong và tình hình đáp ứng thu dung, điều trị của các địa phương để đánh giá tình hình dịch bệnh.
Theo đó, ngành y tế sẽ khuyến khích người dân tự phát hiện bản thân và người nhà nhiễm Covid-19 (bằng test nhanh), thông báo cho cơ quan y tế để quản lý và tự cách ly. Chỉ khi khi có triệu chứng mới cần đến đến bệnh viện điều trị", Thứ trưởng cho biết.
Theo quy định hiện hành, 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch là tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine; bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
Để thích ứng hơn với tình hình dịch Covid-19 hiện nay, Thứ trưởng Sơn cho biết, vài ngày nữa (cuối tháng 11), Bộ Y tế sẽ có một số điều chỉnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với một số Cục, Vụ của Bộ Y tế đang xây dựng chiến lược tổng thể phòng, chống Covid-19.
Thích ứng với xu hướng khuyến khích người dân tự phát hiện nhiễm virus, tự cách ly tại nhà theo hướng dẫn của ngành y tế, chỉ đến viện khi có triệu chứng, Thứ trưởng Sơn cho rằng, hệ thống y tế cơ sở phải nâng cao năng lực đáp ứng điều trị, y tế phải đến được với từng người dân khi họ cần, cung cấp thuốc, hướng dẫn, tư vấn cho người dân.
"Điều trị Covid-19 tại các tuyến y tế cơ sở phải được hết sức coi trọng. Công tác thu dung điều trị bệnh nhân nặng tầng 2, 3 phải được triển khai tại các địa phương. Đồng thời, tăng cường sử dụng thuốc kháng virus đường uống tại cơ sở y tế, làm giảm tình trạng bệnh nhân năng phải nhập viện ở tầng 3", Thứ trưởng nói.
"Nhiệm vụ số 1 trong giai đoạn hiện nay là: thực hiện nghiêm khắc 5K, các biện pháp phòng chống dịch. Mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng chúng ta hoàn toàn không thể lơ là cảnh giác.
Chúng ta đề ra mục tiêu "Sống chung với dịch Covid-19", nhưng sống chung như thế nào để an toàn, đảm bảo cho đời sống của người dân là vấn đề cần sự chung tay của cả người dân, của y bác sĩ và của hệ thống chính quyền.
Đặc biệt các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện phải đáp ứng sẵn sàng thích ứng 4 tại chỗ. Các bác sĩ phải được huấn luyện, thực hành để ứng phó sẵn sàng đối phó đại dịch; mặt khác, phải tích cực triển khai công tác điều trị các bệnh thông thường…".
PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế)