Vẫn còn tình trạng lén lút chích hút, bán mật gấu
Liên quan đến việc tòa án nhân dân huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) vừa tuyên phạt Thào A Tủa (SN 1979) và Lò Thị Mỷ (SN 1965), cùng trú tại thôn Pa Mu, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn, mỗi người 1 năm tù về hành vi nuôi nhốt trái phép 1 cá thể gấu chó.
Trao đổi riêng với PV Dân Việt về việc, vì sao không có biện pháp giáo dục, truyền thông mà phạt tù đối với người dân nuôi trái phép 1 con gấu chó?, bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho rằng: Với hình phạt tù 1 năm đối với đối tượng nuôi nhốt gấu ở Lai Châu dù không quá nặng nhưng cũng phần nào giúp răn đe, phòng ngừa đối với hành vi nuôi nhốt động vật hoang dã.
Theo bà Hà, hiện nay các quy định của pháp luật trong việc xử lý các hành vi vi phạm về nuôi nhốt gấu nói riêng và động vật hoang dã nói chung đã khá chặt chẽ, nghiêm khắc. Trong đó, mức hình phạt cao nhất đối với hành vi nuôi nhốt động vật hoang dã lên đến 15 năm tù giam, cho thấy loại tội phạm này thuộc loại rất nghiêm trọng.
"Trong thời gian vừa qua theo dõi các vụ án xử lý các vụ án về động vật hoang dã tôi thấy các cơ quan chức năng, các cơ quan tư pháp ngày càng quan tâm và ý thức hơn trong việc xử lý nghiêm hơn các đối tượng vi phạm về động vật hoang dã.
Hiện, mức phạt tù các đối tượng về động vật hoang dã trung bình khoảng 4 - 4,5 năm tù giam, theo tôi đây là một mức đáng kể. Tuy nhiên hiện nay đâu đó ở một số địa phương vẫn còn tình trạng xử lý chưa thực sự nghiêm khắc đối với loại tội phạm này", bà Hà nói và kiến nghị cơ quan chức năng cần tiếp tục xử lý nghiêm hơn các vị phạm về động vật hoang dã để đảm bảo ý nghĩa răn đe, ngăn ngừa tội phạm.
Thông tin thêm về hoạt động nuôi nhốt gấu hiện nay ở Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và các địa phương, các tổ chức, số lượng cá thể gấu nuôi nhốt đã giảm nhanh từ 4.300 con năm 2005 đến nay xuống còn hơn 300 con. Trong đó, địa bàn huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đang là nơi nuôi nhốt nhiều cá thể gấu nhất, chiếm tỷ lệ khoảng 1/4 số lượng gấu còn nuôi nhốt cả nước.
Theo bà Hà, vấn đề này cũng do hậu quả của quá khứ để lại. Từ thời điểm năm 2005 khi phát hiện 4.300 cá thể gấu nuôi nhốt trái phép tại đây nhưng các cơ quan chức năng không có giải pháp xử lý dứt điểm lại giao lại cho người dân ở đây nuôi nhốt để bảo tồn với cam kết không được chích hút, bán mật gấu.
"Tiếng là giao lại cho người dân nuôi, các hộ vẫn cho gấu ăn và vẫn lén lút chích hút, buôn bán mật gấu. Trước thực trạng trên, nhiều tổ chức dư luận lên tiếng, các cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc, nhiều hộ tự nguyện giao nộp và bỏ nuôi nhưng số hộ nuôi còn lại rất cứng rắn, khó thuyết phục.
Các trường hợp nuôi nhốt gấu từ năm 2005 đã được đăng ký và gắn chíp thì họ được phép nuôi nhốt đến hết vòng đời. Các cơ chức năng cũng không thể xử lý, tịch thu cá thể gấu này được mà chỉ có thể giám sát không để các hộ chích hút, buôn bán mật gấu. Trừ khi phát hiện các hành vi vi phạm ở địa điểm nuôi nhốt trên, các cơ quan mới xử lý được.
Dù số lượng gấu nuôi nhốt tại các địa phương còn khá lớn, tuy nhiên theo bà Hà, những cá thể gấu này đều đã ở giai đoạn cuối vòng đời.Theo nhận định của các tổ chức bảo tồn, nếu chúng ta không tác động gì mà chỉ cần kiểm soát đảm bảo không để phát sinh thêm các cá thể gấu bị nuôi nhốt khác thì hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam sẽ chấm dứt.
"Chúng tôi đang nỗ lực làm mọi việc để thúc đẩy tiến trình chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam diễn ra nhanh hơn", đại diện ENV nói.
Dù vậy, bà Hà vẫn thừa nhận công việc cứu hộ gấu ra khỏi các cơ sở nuôi nhốt vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. "Đến nay, chúng tôi vẫn ghi nhận có trường hợp trại nuôi nhốt đã đăng ký có gấu sinh sản.
Chúng tôi đã kiến nghị với các cơ quan chức năng cần có giải pháp kiểm soát và không cho gấu tái sinh trong các trại nuôi nhốt này nhằm thực hiện đúng cam kết "Việt Nam chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu vào năm 2022.
Tuy nhiên, vấn đề này hiện vẫn chưa có quy định để xử lý nên các cá thể gấu ở các cơ sở nuôi nhốt trên vẫn có thể được sinh sản. Chúng tôi đang đề xuất với Bộ NNPTNT và các cơ quan của Chính Phủ cần tăng cường hơn nữa việc quản lý các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã hiện nay đang được cho là không vì mục đích thương mại kể cả các cơ sở nuôi nhốt hổ, gấu.
Trong thời gian tới, ENV sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để đưa ra các văn bản quản lý, quy định, xử lý cụ thể đối với trường hợp nào được phép cho động vật hoang dã sinh sản, trường hợp nào không được phép, điều kiện sinh sản...Qua đó để quản lý hiệu quả các cơ sở nuôi động vật hoang dã phi thương mại", bà Hà nói.
Đảm bảo đủ năng lực cứu hộ gấu
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề có nên khuyến khích, hướng dẫn người dân nuôi bảo tồn gấu không? bà Hà cho hay: Mục đích của nuôi bảo tồn là bảo vệ động vật hoang dã trong quần thể tự nhiên của nó. Theo đó, việc nuôi nhốt gấu để sinh sản và thả về tự nhiên là hoạt động vô cùng tốn kém, đòi hỏi cá thể gấu đó phải thuần chủng, tránh lai tạo, vấn đề này không phải ai cũng có thể làm được mà đòi hỏi phải có các nhà khoa học và có sự giảm sát của các cơ quan quản lý nhà nước.
Khi nuôi được gấu có nguồn gen thuần chủng còn phải có đủ các tập tính của động vật trong tự nhiên, khi tái thả cũng cần phải có kế hoạch cụ thể và thả vào khu vực sống phù hợp với nó mới đảm bảo cân bằng sinh thái.
"Để việc nuôi đóng góp cho công tác bảo tồn động vật hoang dã thì đòi hỏi phải có sự kiểm soát chặt chẽ. Đương nhiên chúng ta cũng vẫn khuyến khích các tầng lớp tham gia đóng góp vào bảo vệ động vật hoang dã, thế nhưng việc nuôi bảo tồn các loài này cần đặt dưới sự giám sát chặt của các cơ quan nhà nước.
Theo tôi việc này nên được thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân có uy tín đã có kế hoạch, chương trình phối hợp với các cơ quan nhà nước, các nhà khoa học để làm" bà Hà nói và cảnh báo các bạn trẻ ở Việt Nam đang nuôi thú cưng lại đang kích thích nhu cầu tiêu thụ các cá thể động vật hoang dã dần dần sẽ có thể xảy ra tình trạng bắt các cá thể trong tự nhiên về để phục vụ thú chơi này nếu không có sự kiểm soát, quản lý chặt của các cơ quan chức năng.
Đến nay trên địa bàn cả nước có 7 trung tâm có thể tiếp nhận gấu và có 3 trung tâm chuyên biệt dành cho gấu. Hiện các tổ chức bảo tồn cũng đang có kế hoạch mở rộng các trung tâm cứu hộ về gấu và các loài động vật hoang dã khác.
"Với năng lực và sự chuyên nghiệp trong lĩnh vực cứu hộ động vật hoang dã, các tổ chức bảo tồn cam kết nếu tất cả người dân, các hộ nuôi nhốt gấu còn lại tự nguyện chuyển giao gấu, các trung tâm sẽ sẵn sàng đáp ứng đầy đủ việc cứu hộ gấu diễn ra an toàn, thuận lợi nhất có thể", Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên nhấn mạnh.
Sẽ không có bồi thường cho các cơ sở nuôi nhốt gấu
Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên khẳng định: Hiện nay nhiều cơ sở nuôi nhốt gấu vẫn đòi bồi thường mới chịu chuyển giao động vật. Tuy nhiên, quan điểm của các cơ quan nhà nước và các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã là sẽ không có bồi thường.
Các hộ phải chủ động chuyển giao để vừa giúp gấu có cuộc sống tốt đẹp hơn vừa giảm áp lực về kinh tế. Đặc biệt là tránh các nguy cơ bị xử lý pháp lý nếu các cơ quan chức năng phát hiện các hộ này vẫn tiếp tục chích hút và bán mật gấu.