Đây là cơ sở để nhân rộng mô hình nhằm phát triển nuôi thủy sản trên cát ổn định và bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn ven biển.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị-ông Phan Văn Phương cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 500 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, tập trung chủ yếu ở các xã ven biển bãi ngang.
Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, thu nhập từ nuôi tôm không ổn định và có chiều hướng giảm do chất lượng con giống không đảm bảo, môi trường nuôi ngày càng suy giảm, dịch bệnh liên tục xảy ra gây thiệt hại về kinh tế đối với người nuôi dẫn đến nhiều diện tích bị bỏ hoang.
Nhằm tìm ra đối tượng nuôi mới phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao, vừa tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương, sau khi tìm hiểu, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã đề xuất giải pháp và triển khai nuôi thử nghiệm mô hình nuôi ốc hương trong ao nuôi lót bạt trên cát.
Trong đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị hỗ trợ 70% chi phí ốc hương giống và thức ăn. Điểm mới của mô hình là trong giai đoạn đầu nuôi, ốc hương được ương trong bể tròn.
Sau 3 tháng ương trong bể, ốc hương được san ra các ao nuôi thương phẩm. Ngoài ra, nước thải từ các ao nuôi ốc hương được đưa vào hồ xử lý và được tận dụng để nuôi cá đối. Qua đó giúp rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế rủi ro, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm do nước thải.
Trao đổi với chúng tôi, anh Phan Thanh Hoàng, hộ tham gia thực hiện mô hình cho biết, theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, anh đã xây dựng bể ương có diện tích 300 m2 , phía trên được che bằng lưới lan, có hệ thống cung cấp nước liên tục.
Đáy bể được phủ cát dày từ 5 - 10 cm. Ao nuôi thương phẩm giai đoạn 2 có diện tích 800 m2 , có hệ thống cấp nước chủ động. Nước thải từ bể ương và ao nuôi thương phẩm được dẫn vào ao xử lý có diện tích 2.200 m2 . Số lượng giống ốc hương thả nuôi là 600.000 con. Trong 3 tháng nuôi đầu, ốc hương được ương trong bể để dễ quản lý.
Khi ốc hương đạt kích cỡ bình quân 900 con/kg thì tiến hành san ra ao nuôi thương phẩm đã chuẩn bị sẵn. Thức ăn cho ốc hương chủ yếu là cá tạp, cua, ghẹ đập vỡ vỏ sau đó cắt nhỏ phù hợp với kích cỡ ốc nuôi và chỉ cho ăn 1 lần/ngày. Sau khi cho ăn 60 - 70 phút kiểm tra lượng thức ăn thừa hay thiếu để điều chỉnh lần sau cho phù hợp. Vào những ngày thời tiết thay đổi, mưa nhiều, ốc thường giảm ăn nên chủ động giảm bớt lượng thức ăn.
Đồng thời thường xuyên vệ sinh nền đáy mỗi ngày sau mỗi lần cho ăn để tránh thức ăn dư thừa ảnh hưởng đến sức khỏe của ốc; giữ môi trường khu vực nuôi sạch sẽ là điều kiện tốt giúp ốc lớn nhanh. Nước thải của ốc hương được đưa vào ao xử lý đã thả nuôi 4.500 con cá đối để tận dụng.
Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, môi trường luôn đảm bảo nên ốc hương của mô hình sinh trưởng tốt, không xảy ra dịch bệnh trong suốt thời gian nuôi. Sau 6 tháng nuôi, ốc đạt kích cỡ trung bình 125 con/ kg, tỉ lệ sống đạt trên 70%.
Sản lượng thu hoạch dự kiến hơn 3,2 tấn. Với giá bán 170.000 đồng/kg, mô hình cho lợi nhuận hơn 160 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Bên cạnh đó, cá đối trong ao xử lý nước thải còn cho thu hoạch hơn 0,8 tấn, mang lại lợi nhuận gần 42 triệu đồng.
Theo anh Hoàng, mặc dù chi phí đầu tư nuôi ốc hương khá cao nhưng bù lại kỹ thuật nuôi đơn giản, dễ quản lý, chăm sóc, giá trị sản phẩm cao và dễ tiêu thụ. Đặc biệt, trong quá trình nuôi hoàn toàn không sử dụng hóa chất, kháng sinh nên sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mực nước nuôi ốc hương chỉ từ 30 - 40 cm nên dễ kiểm soát, người nuôi có thể nhìn thấy rõ ốc khỏe hay yếu, ốc có ăn hay không để có biện pháp xử lý kịp thời. Thức ăn cho ốc hương chủ yếu là cá tạp tươi nên rất phù hợp với các xã ven biển.
Ông Phan Văn Phương nhấn mạnh, ưu điểm của mô hình này là giai đoạn đầu ốc hương được ương trong bể có diện tích nhỏ nên dễ quản lý, giảm chi phí. Con giống khi san ra ao nuôi thương phẩm có kích cỡ lớn giúp rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi. \
Bên cạnh đó, do sử dụng thức ăn là cá tạp, cua, ghẹ nên sau mỗi lần cho ăn nguồn nước cũ được tháo xả và bơm nước mới vào. Tuy nhiên, thay vì thải ra môi trường, tại mô hình nước thải của bể ương và ao nuôi ốc hương được đưa về ao xử lý để cá đối sử dụng làm thức ăn nên vừa không gây ảnh hưởng đến môi trường vừa tăng lợi nhuận.
Đây là mối quan hệ “cộng hưởng”, gắn kết chặt chẽ giữa hiệu quả kinh tế và môi trường. Dựa vào đặc điểm sinh học của các đối tượng nuôi để góp phần giảm thiểu ô nhiễm hữu cơ, hạn chế nguy cơ phát sinh dịch bệnh trong ao nuôi.
Theo ông Phương, với những hiệu quả của mô hình có thể khẳng định đây là một đối tượng nuôi mới đầy triển vọng. Tuy nhiên, để thực hiện thành công mô hình nuôi ốc hương, người nuôi cần lưu ý một số điểm như chi phí đầu tư ban đầu cho mô hình khá lớn, nguồn thức ăn phải chủ động.
Người nuôi ốc hương phải có đầy đủ hệ thống cấp nước, ô xy đáp ứng được cho ao nuôi mật độ cao. Ốc hương sử dụng thức ăn tươi sống nên lượng chất thải lớn, người nuôi phải thay nước liên tục và cần có diện tích ao để xử lý chất thải trong vụ nuôi.
“Trên cơ sở này, trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra các địa phương ven biển. Ứng dụng các tiến bộ mới như hệ thống máy lọc nước tuần hoàn khép kín để quản lý chất lượng nước. Đồng thời kiến nghị quy hoạch vùng nuôi ốc hương theo hướng ổn định, mang tính bền vững”, ông Phương cho biết thêm.