Dân Việt

Bắc Kạn: Người say sưa kể những câu chuyện hư hư, thực thực, dị thường về vùng hồ Ba Bể

Chiến Hoàng 05/12/2021 06:25 GMT+7
Những câu chuyện thực thực, hư hư đầy huyền ảo cứ thế nối nhau mà đến, trong ngôi nhà cấp 4 khang trang tại thôn Bó Lù (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) lúc này chừng như chật kín các nhân vật dị thường, bước ra từ những câu chuyện của người kể chuyện đại ngàn Nguyễn Mạnh Cầm.


CLIP: Người kể chuyện đại ngàn Nguyễn Mạnh Cầm, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. (Chiến Hoàng - Đại Lượng)

Chỉ mới nghe giới thiệu về ông Nguyễn Mạnh Cầm, người kể chuyện đại ngàn giữa non xanh Ba Bể (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) mà chúng tôi đã háo hức lắm lắm.

Người kể chuyện đại ngàn giữa non xanh Ba Bể - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Mạnh Cầm (thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) kể về những câu chuyện cổ vùng hồ Ba Bể. Ảnh: Chiến Hoàng

Dò hỏi một hồi, chúng tôi cũng tìm được đến nhà ông Cầm tại thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Đó là một ngôi nhà cấp 4 khang trang, trầm mặc, án ngữ ngay khu vực bờ hồ Ba Bể thơ mộng.

Những câu chuyện cổ vùng hồ Ba Bể

Như mọi ngày, ông Cầm vẫn đang say sưa với những tư liệu về hồ Ba Bể quê ông, ngay cả khi khách bước chân đến cửa, chủ nhà vẫn không hề hay biết. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về ông chính là sự nhiệt huyết, đam mê với các câu chuyện cổ vùng hồ.

Biết mục đích của những vị khách đường xa khi tìm đến, ông Cầm rót chén trà đẩy về phía chúng tôi rồi bắt đầu bằng một thứ giọng âm âm, nhấn nhá, bổng trầm ma mị về những câu chuyện mang màu sắc huyền bí.

Trong câu chuyện ông Cầm kể chừng nghe có cả tiếng vó ngựa, tiếng binh đao từ thẳm sâu vọng về. Chúng tôi mơ hồ cảm được cả tiếng bước chân như sấm dậy của Tài Ngào đục puông giúp người dân vùng nước ngập; ở đó, còn thấp thoáng chiếc thuyền trấu của bà góa bập bềnh giữa sóng nước mênh mông…

Các câu chuyện, từ sự tích hồ Ba bể đến các huyền tích, huyền sử về Ao Tiên, động Nả Phoòng, đền An Mã… cứ vậy theo nhau mà kéo về.

Người kể chuyện đại ngàn giữa non xanh Ba Bể - Ảnh 3.

Động Puông (xã Khang Ninh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) nơi gắn với sự tích Tài Ngào giúp người dân chống ngập úng. Ảnh: Đại Lượng

"Các cụ truyền đạt lại, sự hình thành của hồ Ba Bể có rất nhiều sự tích, trong đó có câu chuyện được cho là cách đây khoảng 250 triệu năm", người kể chuyện đại ngàn đưa chén trà lên môi nhấp một ngụm nhỏ rồi tiếp.

"Chuyện xưa kể rằng, nơi đây có một bà góa. Một hôm, trong vùng tổ chức lễ hội, khi đó người dân còn nghèo lắm chứ không được như bây giờ, họ đã lên trời trộm một con bò của nhà trời xuống thịt.

Mổ xong bò, các chức sắc trong vùng chia nhau hết, còn cái đuôi để cho bà góa. Bà góa biết đuôi bò nhà trời nên không dám ăn. 

Ngày hôm sau có người nhà trời xuống hạ giới tìm bò, mọi người đều lắc đầu không biết. Bà góa thật thà kể, hôm qua có người cho một cái đuôi bò, bà không dám ăn nên để trên gác bếp.

Người nhà trời nhận đuôi bò, thấy bà thật thà nên bảo bà lấy vôi, vỏ trấu rắc xung quanh nhà. Nửa đêm hôm đó, sấm chớp ì ùng, đất đá văng tung tóe, rồi sập xuống, chỉ còn trơ lại nơi bà góa rắc vôi và vỏ trấu.

Những mảnh trấu bà góa rắc xuống nổi lên thành thuyền. Giữa mênh mông nước, bà góa ngồi thuyền vỏ trấu cứu vớt người dân trong vùng. Vỏ trấu ấy chính là con thuyền độc mộc ngày nay, những nơi sập xuống ấy đã hình thành nên hồ Ba Bể bây giờ", ông Cầm chậm rãi kể.

Người kể chuyện đại ngàn giữa non xanh Ba Bể - Ảnh 4.

Pò Giả Mải (đảo Bà Góa) tại xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, nơi gắn với sự tích hình thành hồ Ba Bể. Ảnh: Đại Lượng

Tất cả như thể mới của ngày hôm qua, chúng tôi cảm nhận được cả hơi nước, cả tiếng gió, tiếng sấm ồ ạt đổ xuống chính vùng hồ Ba Bể này. Thi thoảng ông Cầm ngưng lại, mắt dõi nhìn về phía hồ nước mênh mông khiến câu chuyện càng trở nên huyền bí.

Gió ngoài hồ lồng lộng, mang theo hơi nước và sự huyền bí từ xa khơi thổi về, từng trang sách lật giở như có bàn tay người. Ông Cầm trầm ngâm như đang suy tư điều gì đó lung lắm.

Người kể chuyện đại ngàn lúc này như đã chìm đắm hoàn toàn trong những câu chuyện được truyền thừa từ nhiều đời. Gương mặt ông biểu đạt theo từng trường đoạn, từng chi tiết, khi hồ hởi, lúc buồn bã, thể như chính ông là người trong cuộc vậy.

Chuyện xưa phục vụ cuộc sống hôm nay

Sinh ra, lớn lên ở vùng hồ Ba Bể, ông Cầm thạo từng ngóc ngách, từng gốc cây, tảng đá, thạo cả nghề chài lưới, nhưng thạo hơn cả là những câu chuyện cổ.

Ông bảo, từ nhỏ đã thích nghe người già kể chuyện, lớn lên thì lại càng mong muốn ghi chép, sưu tầm lại để truyền thừa cho thế hệ mai sau.

Không biết bao lần ông đội mưa, đội gió tìm đến các bản làng vùng cao để ghi chép, hỏi chuyện từ những thầy Tào, thầy Then (người hoạt động tín ngưỡng của đồng bào Tày), tìm đến các người già để có được những câu chuyện nhân văn, lý giải về sự vật, sự việc liên quan đến hồ Ba Bể.

Người kể chuyện đại ngàn giữa non xanh Ba Bể - Ảnh 5.

Thôn Pác Ngòi, một bản của người Tày vùng hồ thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Đại Lượng

"Nhớ có lần tôi tìm gặp thầy Tào Thượng (một người hoạt động tín ngưỡng trong cộng đồng Tày, nay đã không còn - PV), trú tại xã Hoàng Trĩ để tìm hiểu về dấu chân ngựa vàng còn lưu lại trên một tảng đá ở đèo Kéo Phường, giáp ranh giữa xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể) và xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn).

Đêm hôm mà phải đi qua bờ ruộng nhỏ, trơn trượt, ngã không biết bao nhiêu lần mới đến được nhà Tào Thượng. Khi đến nơi, cả người đều lấm lem bùn đất. Đêm đó ngồi bên bếp lửa, Tào Thượng đã kể về vết chân ngựa vàng khiến tôi mừng đến rơi nước mắt.

Theo Tào Thượng, các cụ xưa kể lại, khi Thánh Gióng cưỡi ngựa đến khu vực đèo Kéo Phường, ngựa vàng ông cưỡi chân có giẫm lên một tảng đá. Thánh Gióng phóng tầm mắt và bị mê hoặc bởi cảnh sắc hồ Ba Bể nên đã dừng ngựa rất lâu. Do dừng lâu nên vết chân ngựa đã hằn sâu lên tảng đá đó.

Sau này, khi Nhà nước làm đường, đơn vị thi công đã cậy tảng đá đó lên. Người dân ở đây không cho phá nên tảng đá đó hiện vẫn còn đặt ở ven đường tại Kéo Phường. Tôi đã ghi lại câu chuyện này và đưa cho các cán bộ của Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Kạn khi họ đến sưu tầm văn hóa phi vật thể vùng hồ", ông Cầm nói.

Người kể chuyện đại ngàn chia sẻ, khu vực hồ Ba Bể có rất nhiều người thực hiện mô hình Homestay. Có "vốn" trong tay, ông đến trực tiếp phổ biến và in những tư liệu mình có, rồi gửi để họ giới thiệu khi du khách đến.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngôn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, du khách đến với quần thể du lịch hồ Ba Bể, ngoài việc thưởng lãm danh thắng vùng hồ còn có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa, con người bản địa.

"Những câu chuyện kể liên quan đến hồ Ba Bể luôn được rất nhiều du khách quan tâm. Ông Nguyễn Mạnh Cầm là một trong số ít người có vốn hiểu biết sâu, rộng về văn hóa vùng hồ. Việc sưu tầm, phổ biến những câu chuyện về văn hóa, vùng đất, con người nơi đây rất có ý nghĩa đối với việc phát triển du lịch của địa phương", ông Sơn nhận định.