Dân Việt

Nghề bartender: Sức hút và những cám dỗ không thể gọi tên

Doãn Nhàn - Thùy Anh 30/11/2021 06:00 GMT+7
Động tác tay điêu luyện, thuần thục uyển chuyển giữa không trung, bên cạnh những ly rượu đầy màu sắc mê hoặc, bartender (người pha chế đồ uống) đã đem tới cho thực khách thức uống đậm vị mang câu chuyện riêng.

Bartender được hiểu đơn giản là nghề pha chế đồ uống, mang tới cho khách hàng những trải nghiệm hương vị khác nhau với với các loại nước uống có cồn như cocktail, mocktail. Không chỉ giúp thực khách được thưởng thức đồ uống ngon và xem những màn trình diễn đẹp mắt, bartender còn giống như một "người lạ mặt quen biết", lắng nghe những tâm sự của thực khách.

Công việc bartender yêu cầu cao về sự trung thực

Nghề bartender yêu cầu cao về sự trung thực trong công việc, đặc biệt với khách hàng. Ảnh: Nê Cocktail bar

Những đánh đổi phía sau ánh hào quang lấp lánh

Vậy công việc cụ thể của một bartender là gì? Chỉ đơn giản pha chế vài thức uống với nhau và đứng tán gẫu trò chuyện với khách hàng? Thực tế, công việc của một bartender phải làm nhiều hơn thế, từ vệ sinh khu vực làm việc, tới sắp xếp các chai rượu, dụng cụ pha chế, kiểm kê hàng hóa, chất lượng nguyên liệu...

Khẩu vị của thực khách ngày càng cao và đa dạng, bởi vậy, bartender ngoài năng khiếu cần có một đam mê, sự kiên trì và khả năng sáng tạo, đổi mới không ngừng. Nghề pha chế đồ uống đòi hỏi người bartender một vị giác nhạy bén để nhận biết và phân biệt được các loại rượu khác nhau.

Nguyễn Đàm Quí hiện đang là một mixologist tại The  9th Zone Cocktail Bar - Hải Phòng

Nguyễn Đàm Quí xuất sắc giành giải ba tại cuộc thi Tay nghề Quốc gia năm 2018 khi còn là sinh viên. Ảnh: NVCC

Để trở nên thành thục và quen với nhiều loại đồ uống khác nhau, một bartender thường phải mất thời gian từ vài năm trở lên. Bén duyên từ cuộc thi Tay nghề Quốc gia năm 2018, Nguyễn Đàm Quí (SN 1999, làm mixologist tại The 9th Zone Cocktail Bar - Hải Phòng) có cơ hội tìm hiểu sâu hơn với nghề bartender. Quí chia sẻ: "Thời gian ôn thi mình đã phải luyện tập với cường độ rất cao, vì vừa học kiến thức vừa học kĩ năng biểu diễn, ngày nào cũng bắt đầu từ 7 giờ sáng tới 7 giờ tối. Những sự cố bong gân tay, gân chân là chuyện bình thường như cơm bữa vì phải tập với chai thủy tinh. Ngoài ra còn phải nhớ tên, nhớ mùi của từng loại rượu nền. Vì áp lực như vậy nên đợt ấy bạn nữ ôn thi cùng mình có hôm vừa ăn sáng vừa khóc".

Pha chế và trình diễn là 2 kỹ năng bắt buộc, nhưng để trở thành một bartender giỏi thì chưa đủ. Bên cạnh việc pha chế, một bartender chuyên nghiệp còn cần tới sự tinh tế, khả năng nắm bắt tâm lý, giao tiếp với khách hàng để tạo dấu ấn riêng cho mỗi bartender.

Vũ Đức Ngọc Hân (22 tuổi, TP.HCM) từ sự say mê và tò mò với những hương vị khác nhau của rượu, cô gái đã quyết định tìm hiểu chuyên về bartender từ hơn 1 năm nay. Theo Hân: "Khi trò chuyện với khách hàng ngoài việc biết về kiến thức rượu phải biết về kiến thức cuộc sống, cập nhật kiến thức mới liên tục mới có thể giao tiếp với khách hàng nhiều được".

Cơ hội việc làm đa dạng và hấp dẫn với các bartender

Khi học về bartender, ngoài chuyên viên pha chế, người học còn có thể thử ở các vị trí khác nhau và cơ hội phát triển rất lớn. Từ phụ bar đến chuyên viên pha chế, cao hơn nữa là bar trưởng, giám sát thức uống, cuối cùng là quản lý nhà hàng trong các quán bar, nhà hàng khách sạn 5 sao,...

Ngoài ra, sau thời gian làm nghề lâu năm, có nhiều vốn kinh nghiệm từ chuyên môn tới kỹ năng lãnh đạo, quản lý,... không ít bartender đã tự lập các cơ sở kinh doanh, và vừa đảm nhận vai trò ông chủ, vừa làm một bartender phục vụ khách hàng.

Mức lương của nghề bartender được đánh giá là khá là ổn định. Với những người mới bắt đầu làm quen từ việc phụ bar, thu nhập giao động từ 4-5 triệu. Khi đã trở thành nhân viên bartender chính thức, mức lương có thể từ 7-10 triệu, hoặc hơn tùy theo năng lực. Với bar trưởng lương trung bình thường trên 25 triệu - là một khoản thu nhập khá cao trên thị trường hiện nay.

Những hàng rào định kiến sai lệch bủa vây

Mặc dù là bartender là một nghề có nhiều triển vọng và cơ hội phát triển, song vẫn còn nhiều hàng rào định kiến xoay quanh nghề mới này. Nhiều người mặc định những người làm việc trong các quán bar là không đứng đắn, hư hỏng,... Người làm bartender "đào hoa", "chơi bời", "con gái mà làm ở quán bar đều không đàng hoàng"... Đó là số ít trong vô vàn những mặc định sai lầm về nghề bartender hiện nay.

Kim Uyên có niềm đam mê đặc biệt dành cho bartender

Kim Uyên gây ấn tượng bởi niềm đam mê và sự kiên trì đặc biệt dành cho bartender. Ảnh: NVCC

Kim Uyên - cô gái trẻ 24 tuổi đến từ Thái Nguyên, 5 năm trước, lặn lội từ quê lên Hà Nội theo học nghề đầu bếp nhưng "duyên số đưa đẩy" lại rẽ hướng sang tìm hiểu và học về bartender. "Ban đầu mình theo học về bartender cũng chỉ tính học rồi về xin việc làm ở quê, nhưng sau một thời gian học thấy nhiều cái thú vị quá không dứt ra được nên cứ theo tới bây giờ", Uyên chia sẻ.

Uyên tâm sự chị đã phải đấu tranh, chấp nhận đánh đổi nhiều thứ cho việc theo nghề. "Công việc bartender cũng khá đặc biệt, mình là con gái mà làm bar thường hay bị mọi người đồn thổi nhiều thứ. Tuy nhiên mình may mắn vì được gia đình ủng hộ hết mình, cùng sự phấn đấu và yêu nghề nên mình vẫn vừa học vừa làm cho tới tận bây giờ".

Một số địa chỉ đào tạo về nghề pha chế - Bartender uy tín cho các bạn có niềm nghề mới này có thể đam mê tham khảo:

Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội (Khóa học: Pha chế đồ uống (Sơ cấp 4, 6, 9 tháng); Trường Cao đẳng quốc tế Pagasus (Khóa học: Bartender, Pha chế cà phê); Trường Cao đẳng nghề du lịch Đà Nẵng (Khóa học: Pha chế đồ uống, Pha chế Smothies); Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist (Khóa học: Pha chế cà phê nghệ thuật, Pha chế rượu); Trường hướng nghiệp Á Âu (Khóa học: Bar trưởng, Pha chế đặc biệt, Bartender, Barista, Latte Art).

Công việc của một bartender thường bắt đầu từ chiều tối kéo dài tới tận đêm khuya. Một ca làm việc của Uyên thời điểm trước dịch thường bắt đầu từ 17 giờ chiều và kết thúc lúc 1 giờ đêm, sau khi khách hàng đã về hết và việc sắp xếp, lau dọn dụng cụ pha chế, bàn ghế,... hoàn tất. Khung cảnh đường vắng vẻ tĩnh mịch, một mình lặng lẽ hòa vào phố vắng, với chị "lâu dần đi nhiều cũng thành quen".

Cũng giống với Uyên, Hồng Phúc ( SN 1999, TP.HCM) bị thu hút bởi những thao tác điêu luyện, thành thục của các bartender, cách mọi người phối hợp đầy ăn ý và nhịp nhàng để tạo nên thức uống đầy sắc màu mê hoặc. Do vậy, ngay từ lớp 10 Hồng Phúc đã quyết tâm theo đuổi đam mê trở thành một bartender chuyên nghiệp.

Hồng Phúc học làm bartender ngay khi mới vào năm nhất đại học

Hồng Phúc hy vọng thông qua những nỗ lực của bản thân để làm giảm bớt định kiến sai lệch về nghề bartender. Ảnh: NVCC

Thời gian đầu Phúc cũng vấp phải sự phản đối từ gia đình, đặc biệt là bố mẹ. "Ban đầu gia đình mình phản đối dữ lắm, vì bố mẹ thường xem trên các phim ảnh thấy quán bar trên ấy toàn nhảy nhót, sử dụng chất cấm và đánh nhau nên cũng lo sợ mình đi quá giới hạn. Nhưng khi mình giải thích và dẫn gia đình đi các mô hình bar cocktail, eatery & bar thì gia đình mình có thay đổi quan điểm và ở hiện tại họ vẫn luôn ủng hộ mình theo đuổi đam mê", Hồng Phúc tâm sự.

Với Phúc, những định kiến về nghề bartender khó có thể thay đổi ngay trong ngày một ngày hai được, chàng trai trẻ chia sẻ về dự định sắp tới: "Mình đang trau dồi thêm kiến thức để tham gia các cuộc thi và chứng minh cho những người có định kiến sai lệch về nghề bartender, ít nhất là bạn bè thân xung quanh mình có suy nghĩ khác về ngành nghề này".

Hiện nay, tại các cơ sở hướng nghiệp đào tạo nghề cũng đang mở ra nhiều cuộc thi tranh tài, tạo sân chơi thể hiện cho các bạn trẻ có đam mê với quy mô ở cả trong nước và quốc tế. Đây sẽ là một cánh cửa mới hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho các bạn trẻ đam mê với nghề bartender.