Giới trẻ "đổ xô" làm streamer vì dễ kiếm tiền, dễ nổi tiếng?

Thứ sáu, ngày 23/04/2021 15:45 PM (GMT+7)
"Họ xuất phát từ mục đích chân chính là kiếm tiền để có một cuộc sống ổn định. Do vậy, việc họ chọn làm streamer để khởi nghiệp là chân chính và cần được tôn trọng", Tiến sĩ Phạm Ngọc Linh nói.

Những năm gần đây, công việc làm streamer ngày càng trở thành sự lựa chọn nghề nghiệp của bộ phận bạn trẻ.

Tiến sĩ Phạm Ngọc Linh (Trưởng khoa Công tác xã hội - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) đưa ra những nhận định và lý giải hiện tượng số lượng bạn trẻ làm streamer gia tăng nhanh.

Vì sao việc làm streamer lại hút giới trẻ?

Tiến sĩ Linh khẳng định, streamer hiện nay chưa được gọi là một nghề nghiệp bởi nó chưa được quy định từ hệ thống lý thuyết, trường đào tạo, đội ngũ đào tạo và mã nghề. Chỉ có thể gọi đây là một việc làm hoặc hoạt động của bạn trẻ.

Giới trẻ "đổ xô" làm streamer vì dễ kiếm tiền, dễ nổi tiếng? - Ảnh 1.

Nghề streamer đang thu hút nhiều bạn trẻ tham gia (Ảnh minh họa).

Tuy chưa được coi là một nghề nhưng việc làm này đã ngày càng hấp dẫn bộ phận bạn trẻ tham gia. Chuyên gia ngành Công tác xã hội đưa ra nhận định: "Sau khi kết thúc chương trình học tập cấp THPT, các bạn học sinh sẽ có những định hướng: chọn học đại học hoặc chọn học trường đào tạo nghề hay tự động kiếm sống, trực tiếp tham gia vào cuộc sống lao động.

Những bạn trẻ chọn định hướng tự động kiếm sống ngay sau khi tốt nghiệp có thể là khởi nghiệp kiếm tiền bằng các phương thức online.

Phân tích sâu hơn, tôi nhận thấy, từ thế hệ 7x, 8x đến đời đầu 9x phần nhiều có xu hướng chọn công việc liên quan và dựa vào cơ quan, đoàn thể. Với thế hệ 10x, bộ phận bạn trẻ lại có xu hướng muốn khởi nghiệp ngay mà không quá quan trọng việc đào tạo bài bản. Thay vào đó là tự học và tự phát triển bản thân trong lĩnh vực đó. Theo tôi, đây là một phương pháp có cả tính tích cực và tiêu cực".

Theo Tiến sĩ Linh, những yêu cầu để đáp ứng được cho việc làm streamer khá nhẹ nhàng khiến bạn trẻ dễ tiếp cận, ví dụ như: dễ làm, ai cũng có thể là streamer khi giao tiếp với cộng đồng mạng trên sóng trực tiếp; không yêu cầu bằng cấp, kỹ năng chuyên sâu... Và đặc biệt, bạn trẻ có cơ hội được nhiều người biết đến, từ đó làm cơ sở, công cụ để thực hiện những mục đích xa hơn như bán hàng, tạo thương hiệu cá nhân…

Đáng nói, thu nhập từ công việc này có thể xem là nguyên nhân chính hấp dẫn một bộ phận bạn trẻ.

Những bạn trẻ có thế mạnh về ngoại hình và khả năng thu hút người đối diện khi thấy những người làm streamer có thu nhập cao và dễ thực hiện cũng muốn thử sức.

Một số bạn trẻ đam mê và thích thú với việc chơi game, giải trí cũng muốn kiếm được tiền từ việc làm bình luận viên trên sóng livestream. Hay bạn trẻ có nhu cầu tạo dựng nền tảng về kinh tế và sự tương tác với cộng đồng mạng để phục vụ việc kinh doanh về sau…

Giới trẻ "đổ xô" làm streamer vì dễ kiếm tiền, dễ nổi tiếng? - Ảnh 2.

Tuy nhiên cũng không ít streamer sẵn sàng có những hành vi như khoe thân, live chủ đề nhạy cảm...để câu view, nổi tiếng.

"Tôn trọng những cá nhân làm streamer chân chính"

Tiến sĩ Linh đưa ra quan điểm: "Không thể phủ nhận những cá nhân làm streamer chân chính. Cụ thể hơn, tôi đã thấy một số bạn trẻ khởi nghiệp thành công từ công việc này, biết tận dụng không gian mạng xã hội để quảng cáo sản phẩm và đem lại nguồn thu lớn từ đó bởi các nền tảng xã hội là công cụ tất yếu của công nghệ 4.0.

Họ xuất phát từ mục đích chân chính là kiếm tiền để có một cuộc sống ổn định. Do vậy, việc họ chọn làm streamer để khởi nghiệp là chân chính và cần được tôn trọng".

Tiến sĩ cũng nhận định những bạn trẻ làm streamer với nội dung tích cực, đem lại nguồn cảm hứng cho người xem cũng đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng qua lượt tương tác và bình luận nhất định.

"Một nội dung tích cực được lan tỏa đến nhiều người, một hành động đẹp được nhiều người biết đến sẽ góp phần định hướng nhận thức và hành vi cho xã hội", Tiến sĩ Linh nói.

Tỉnh táo trước những chiêu trò câu "view bẩn" và đào thải những streamer có nội dung xấu độc

Vì thu nhập, một bộ phận streamer đã khiến cho bạn trẻ có những hành vi bất chấp để câu view như: khoe thân, live chủ đề nhạy cảm… Nhận thấy hiện tượng này đang là một vấn đề xã hội được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây, chuyên gia ngành Công tác xã hội đã đưa ra chia sẻ và đánh giá mức độ ảnh hưởng với cá nhân và xã hội:

"Việc một số bạn nữ sẵn sàng "khoe" cơ thể của mình trên sóng livestream và kể chuyện nhạy cảm về quan hệ tình dục đã ảnh hưởng không nhỏ tới bộ mặt giới trẻ nói riêng và xã hội nói chung.

Điều đó khiến người xem có cảm giác khó chịu, không được tôn trọng. Cụ thể, việc live chủ đề nhạy cảm đã khiến cho cái nhìn về vấn đề quan hệ tình dục bị lệch lạc đi. Từ hành động có tính riêng tư cá nhân biến thành thô tục, phản cảm với người xem.

Hành vi bất chấp mọi chuẩn mực văn hóa xã hội để câu view của một số cá nhân đã tạo thuận lợi cho hội nhóm truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy hành động, công kích với mục đích xấu.

Ngoài ra, cá nhân người có hành động bất chấp câu view sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự khi bị xã hội lên án, sự phát triển trong tương lai dẫn đến cách nhìn nhận về giá trị cuộc sống".

Kết lại, chuyên gia cảnh báo các streamer hãy thận trọng với các quyết định, hành vi trong công việc của mình và nhận thức những tác động tiêu cực của nó với bản thân, xã hội để có thái độ đúng đắn.


Thùy Linh - Mai Châm (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem