Dân Việt

Nông dân tỉnh Tây Ninh ăn ngủ không yên vì giá phân tăng gấp đôi mà giá nông sản...thấp

Trần Khánh 30/11/2021 09:09 GMT+7
Khi nỗi lo nông sản rớt giá còn chưa nguôi thì giá phân bón vật vẫn tiếp tục tăng cao. Nông dân càng thêm ăn ngủ không yên vì vòng lẩn quẩn giá phân tăng mà giá bán ra lại thấp.

Nhiều nông dân cho rằng họ chưa bao giờ phải gánh nhiều chi phí cho một mùa vụ sản xuất như hiện nay.

Vòng lẩn quẩn giá phân bón tăng mà giá bán thấp

Bà Nguyễn Thị Chí Sư trồng rau màu ở xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) từ thời thiếu nữ. Bà Sư kể chưa bao giờ thấy ưu tư vì giá bán nông sản biến động, giá phân bón liên tục tăng như hiện nay.  

Chi phí phân bón tăng cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh T.L

Chi phí phân bón tăng cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh T.L

Người dân ra cửa hàng vật tư mua 1 bao phân về bón cho vài công rau màu phải bỏ ra hơn 1 triệu đồng. "Tính ra nông dân phải bán hơn chục giạ lúa  mới mua được 1 bao phân DAP", bà Sư nói.

Theo lời bà kể, hiện trên thị trường, phân bón không khan hiếm nhưng giá rất cao. Nhiều đại lý phân bón không bán chịu cả vụ như mọi năm mà đòi lấy tiền mặt. 

Dịch Covid-19 vừa qua để lại hậu quả nặng nề cho sản xuất, sinh hoạt. Cả nông dân và doanh nghiệp đều cạn kiệt nguồn vốn. Trong khi nông sản thu hoạch bán ra với giá thấp. Vòng luẩn quẩn này khiến nông dân ăn ngủ không yên.

"Tiếp tục đầu tư tái sản xuất sau khi thu hoạch thì không chịu nổi, mà bỏ ruộng bỏ vườn cũng không xong", bà Sư tâm sự.

Nông dân thu hoạch hoa màu ở huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Nông dân thu hoạch hoa màu ở huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Ông Huỳnh Biển Chiêu – Giám đốc Công ty TNHH Biển Chiêu ở TP.Tây Ninh, cho biết, hiện tại giá bán mãng cầu vẫn còn thấp.

Nông dân trồng mãng cầu cứ 10 ngày phải bón phân một lần. "Nhưng giá phân đang tăng từng ngày, tăng muốn nhức đầu luôn", ông Chiêu nói.

Theo ông Chiêu, Tây Ninh là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp khá lớn. Thu nhập của nhiều nông dân, hợp tác xã nông nghiệp vẫn từ đất từ vườn.

Dù có chuyển sang sản xuất với những mô hình mới, với quy mô trang trại lớn thì phân bón vẫn là yếu tố không thể thiếu.

"Nhà nước đã có quan tâm để kiểm soát giá phân bón nhưng chưa đạt được hiệu quả. Nếu giá phân bón cứ liên tục tăng, nông dân sẽ không chịu đựng nổi", ông Chiêu nói.

Giảm quy mô sản xuất

HTX nông nghiệp Chà Là ở huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) có quy mô 15 ha,  với 31 thành viên. HTX chuyên trồng dưa lưới xen canh các loại bầu bí trong nhà kính theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Phạm Văn Trung bên vườn dưa lưới của HTX nông nghiệp Chà Là, huyện Dương Minh Châu. Ảnh: Đại Dương

Ông Phạm Văn Trung bên vườn dưa lưới của HTX nông nghiệp Chà Là, huyện Dương Minh Châu. Ảnh: Đại Dương

Ông Phạm Văn Trung – Giám đốc HTX Chà Là, cho biết, giá dưa lưới hiện chỉ bán 20.000-25.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với trước dịch.

Giá bán giảm nhưng giá phân bón và các loại vật tư khác tăng cao. "HTX phải thu hẹp quy mô sản xuất từ 10 xuống còn 4 nhà lưới để duy trì đầu mối giao hàng", ông Trung kể.

Tại huyện Gò Dầu, một số khu vực như xã Bàu Đồn, do thổ nhưỡng không thuận lợi nên nông dân chỉ trồng 2 vụ lúa thay vì 3 vụ như các nơi. Nông dân cũng đầu tư phân bón nhiều hơn các khu vực khác mới đảm bảo năng suất.

Ông Nguyễn Văn Nhành - Giám đốc HTX Giống và Dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn - kể, bà con nông dân của HTX đang chuẩn bị cho vụ đông xuân với ngổn ngang nỗi lo.

Sau 2 vụ lúa, bà con thường trồng bắp giống trong vụ đông xuân để luân canh. Năm nay, giá phân bón tăng gấp đôi nên người dân còn do dự.

"Mỗi năm, HTX trồng từ 50-70ha bắp. Năm nay diện tích sản xuất chỉ còn khoảng 15-20ha là cùng", ông Nhành nói.

Thu hoạch lúa ở huyện Gò Dầu, Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Thu hoạch lúa ở huyện Gò Dầu, Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Ông Nhành ước tính, trong vụ mùa năm 2021, chi phí cho 1ha lúa khoảng 23-24 triệu đồng/ha; tăng 6-8 triệu đồng/ha.

Những vùng trong tỉnh có sản xuất lúa đông xuân cũng đang gặp nhiều khó khăn vì giá đầu vào nông nghiệp tăng cao. "Đây là áp lực quá lớn cho nông dân", ông Nhành chia sẻ thêm.

Cơ hội quay lại với phân bón hữu cơ 

Ông Phan Văn Tâm - Giám đốc Marketing, Công ty CP Phân bón Bình Điền cho rằng, nguyên liệu sản xuất phân bón đang khan hiếm. Ngay với Công ty Bình Điền, việc tìm nguồn cung cấp cũng đang gặp khó khăn.

Giá nguyên liệu phân bón tăng cao toàn thế giới chứ không riêng ở Việt Nam. "Việc sản xuất phân hỗn hợp trong nước hiện phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu nên không thể can thiệp để giảm giá" - ông Tâm giải thích.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết,  toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp sản xuất phân bón, với công suất khoảng 64.560 tấn/tháng.

Giá phân bón thành phẩm hiện tại tăng từ 10-300% so với thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Theo ông Thanh, thông tin từ các doanh nghiệp cho biết, nguồn nguyên liệu nhập khẩu bị hạn chế do phía Trung Quốc đóng biên giới. Doanh nghiệp đang dùng nguyên liệu dự trữ sản xuất.

Một số công ty có nâng công suất nhưng khả năng cung ứng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. "Vì thế giá cả vẫn có xu hướng tăng, nhưng mức tăng có giảm lại", ông Thanh nói.

Ăn ngủ không yên vì vòng lẩn quẩn giá phân tăng mà giá bán thấp - Ảnh 6.

Người dân Tây Ninh mua phân bón để chăm sóc cây trồng. Ảnh: Nhi Trần

Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NNPTNT Tây Ninh cho rằng, việc bình ổn giá phân bón sẽ rất khó khăn khi giá nguyên liệu tăng nhập khẩu tăng.

Theo ông Xuân, không riêng gì Tây Ninh mà nhiều Sở NNPTNT các tỉnh khác cũng đã nhiều lần kiến nghị các ngành chức năng giám sát chặt chẽ việc tăng giá phân bón.

Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu. 

Ngành nông nghiệp có thể hỗ trợ ở khâu siết chặt quản lý chất lượng phân bón. Vì khi hàng hóa đắt đỏ, nhiều người có xu hướng làm giả, hoặc giảm chất lượng để cạnh tranh không lành mạnh.

Ở quy mô cấp tỉnh, các sở ngành của Tây Ninh chưa có biện pháp để can thiệp, điều tiết về giá nhưng đã có một số giải pháp gợi ý cho nông dân.

Ông Xuân cho rằng, nhiều nông dân sử dụng phân bón vô cơ cũng chưa đúng cách gây lãng phí. Giá phân bón đang cao thì càng phải sử dụng tiết kiệm. 

Như khi bón phúc, nông dân nên lấp đất lại thay vì rải trên mặt đất. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang rất ủng hộ phương pháp tưới phân qua nước.

Hiện nay, một số trang trại chăn nuôi gia cầm, gia súc vẫn có nhu cầu tiêu thụ bớt lượng phân thải.

Việc sử dụng phân chuồng có khó khăn vì tốn nhân công nhưng độ bền vững cao hơn phân vô cơ. Phân hữu cơ cũng là một nguồn thay thế.

"Nông dân đã nhiều năm quen với việc sử dụng phân vô cơ, làm đất thoái hóa. Đây cũng là cơ hội để chúng ta quay trở lại với phân bón hữu cơ", ông Xuân chia sẻ.