Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đang mở phiên phúc thẩm, xét kháng cáo của 11 bị cáo trong vụ Công ty Nhật Cường buôn lậu.
Bị cáo Ngô Tuấn Sửu (SN 1976, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Thanh Sơn) là 1 trong 11 bị cáo kháng cáo. Ngô Tuấn Sửu bị tòa sơ thẩm xử phạt 5 năm tù về tội "Buôn lậu".
Tại phiên phúc thẩm, trình bày căn cứ để xin giảm nhẹ hình phạt, Ngô Tuấn Sửu trả lời mình có giấy khen trong thời gian đi học tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Bị cáo sinh Sửu cũng trình bày đã tham gia vào nhiều công trình đặc biệt; nhận được giấy khen của nước Lào; bố vợ có bằng khen, giấy khen.
Trao đổi với Dân Việt về tình tiết để xin giảm nhẹ hình phạt mà Ngô Tuấn Sửu dẫn chứng tại tòa, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP.Hà Nội nhận định, việc có giấy khen thời sinh viên của Ngô Tuấn Sửu không phải là tình tiết giảm nhẹ.
Về quy định giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác, theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP và Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP:
Người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu học tập hoặc công tác là người được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sỹ thi đua…" (Mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP) và một trong các điều kiện để người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có thể được rút ngắn thời gian thử thách là "lập thành tích trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc... được cơ quan cấp tỉnh trở lên khen thưởng" (khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP).
"Như vậy theo các văn bản hướng dẫn ở trên thì phải có giấy khen được cơ quan cấp tỉnh trở lên ký.
Trường hợp giấy khen hồi học phổ thông do hiệu trưởng nhà trường ký thì không phải là căn cứ để xác định có thành tích xuất sắc trong học tập để được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự", luật sư Đặng Văn Cường phân tích.
Vị luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, việc quyết định hình phạt căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Bởi vậy, tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, nếu người kháng cáo có thêm một trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (được quy định tại điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015) thì cũng có cơ hội được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
"Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chỉ là một trong các căn cứ để xem xét, quyết định về mức hình phạt.
Trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hoặc xuất hiện các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới tuy nhiên xét tính chất nghiêm trọng của vụ án thì tòa án vẫn có thể bác kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm" – luật sư Cường nói.
Bên cạnh đó, theo luật sư Đặng Văn Cường, trường hợp tại cấp phúc thẩm không có tình tiết nào mới để có thể xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự theo Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, tuy nhiên nếu tòa án cấp phúc thẩm xét thấy việc đánh giá tính chất của vụ án tại giai đoạn xét xử sơ thẩm chưa chính xác, chưa khách quan hoặc chưa thể hiện sự khoan hồng nhân đạo thì vẫn có thể giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự mà không phụ thuộc vào việc có thêm tình tiết giảm nhẹ hay không.
Theo vị luật sư, với việc xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, tòa án cấp phúc thẩm sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố, nhiều tình tiết để đánh giá lại việc quyết định hình phạt của tòa án cấp sơ thẩm.
Thông thường khi có tình tiết mới, chứng cứ mới, có các căn cứ để giảm nhẹ hình phạt thì tòa án sẽ giảm nhẹ hình phạt.
"Trường hợp tòa án cấp phúc thẩm xét thấy việc xét xử của tòa án cấp sơ thẩm là chưa đúng, áp dụng sai pháp luật thì vẫn có thể sửa bản án sơ thẩm mà không phụ thuộc vào việc có thêm tình tiết mới hay không", luật sư Cường nói thêm.